Bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm (13/12/2024)

Sau gần 20 năm triển khai thực hiện, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa và Luật tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật đã bộc lộ một số tồn tại bất cập, tác động trực tiếp đến các hoạt động vực sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm.


Toàn cảnh hội thảo.  

Đây là những nội dung chính được đề cập tại Hội thảo “Một số tồn tại bất cập trong triển khai thực hiện Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa và Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và Hội Chăn nuôi Việt Nam tổ chức ngày 13/12/2024, tại Hà Nội.

Hội thảo với sự chủ trì của TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam; TS.Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam có sự tham gia của đại diện Uỷ ban KHCN&MT; Uỷ ban Pháp luật Quốc Hội; Văn phòng Chính phủ; Bộ KHCN; Bộ NN&PTNT; Bộ Y tế; Bộ Công Thương; VCCI; các hội, hiệp hội, doanh nghiệp liên quan; một số Đại biểu Quốc hội cùng các chuyên gia và nhà khoa học.

Công ty Cổ phần Chứng nhận và Giám định VinaCert có Chủ tịch HĐQT Nguyễn Hữu Dũng, Giám đốc Chứng nhận Đặng Thị Hương, Giám đốc Kinh doanh Doãn Viết Lâm cùng một số chuyên viên của Văn phòng tham dự.


TSKH Phan Xuân Dũng và TS.Nguyễn Xuân Dương đồng chủ trì Hội thảo. 

Chủ trì và phát biểu khai mạc Hội thảo, TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, nhấn mạnh: Đường lối và chủ trương của Đảng và Nhà nước ta đã khẳng định 3 đột phá chiến lược để phát triển kinh tế xã hội là phát triển hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực và hoàn thiện thể chế, trong đó chỉ rõ, thể chế là điểm nghẽn của các điểm nghẽn cần được tháo gỡ để khơi thông mọi nguồn lực trong nước, tranh thủ tối đa các nguồn lực từ hợp tác quốc tế để tăng trưởng.

Việt Nam có rất nhiều tiềm năng trong sản xuất nông sản, thực phẩm, tuy nhiên chủ yếu xuất khẩu ở dạng thô, giá trị và hiệu quả chưa cao, trong khi giá thành sản xuất cao và tỷ lệ chế biến sâu còn nhiều hạn chế, bất cập.

Một trong những nguyên nhân có ảnh hưởng đến những tồn tại vừa nêu là do kỹ thuật canh tác chưa hiện đại, chế biến chậm đổi mới và nhiều quy định về thể chế pháp luật chưa phù hợp, bao gồm các quy định về sản xuất kinh doanh, đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, nông sản thực phẩm.

Các nội dung đó đều có liên quan ít nhiều, mà tác động chính là Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật. Trong gần 20 năm thực hiện, 02 Luật này có tác động lớn đến toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh, đến vấn đề đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm, và nhất là vấn đề thương hiệu sản phẩm hàng hóa của Việt Nam - TSKH Phan Xuân Dũng nhấn mạnh.


Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam - TS. Nguyễn Xuân Dương phát biểu tại hội thảo.   

Theo báo cáo của Hội Chăn nuôi Việt Nam, thời gian qua, ngành nông nghiệp Việt Nam đã có những bước chuyển biến tích cực, phát triển mạnh về chất lượng và số lượng nông sản, thực phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước. Đồng thời, đã có nhiều sản phẩm gia súc gia cầm xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Năm 2024, kim ngạch nông sản xuất khẩu nông sản của Việt Nam tới trên 185 nước và vùng lãnh thổ ước đạt 62 tỷ USD, tăng 20,2% so với năm 2023.

Đạt được kết quả trên là sự khẳng định sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, các Bộ, ngành trong việc hoàn thiện thể chế để giúp cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn cả nước đi đúng quỹ đạo, trong đó phải kể đến Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa và Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật – 2 đạo luật có tác động lớn đến toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh, đảm bảo chất lượng an toàn và thương hiệu của sản phẩm hàng hóa Việt Nam.

Để triển khai thực hiện 2 Luật này, từ năm 2006 đến nay, lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp đã có 1.359 tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) và 114 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN). Trong đó, tất cả nhóm sản phẩm hàng hoá nhóm 2 gồm “Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn” và 11 nhóm hàng hoá thuộc “Danh mục hàng hoá nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành” thuộc trách nhiệm của Bộ NN&PTNT đều đã có QCVN và TCVN để quản lý, góp phần đưa hoạt động lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được nâng lên cả chất và lượng.

Tuy nhiên để phù hợp với các cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do FTA thế hệ mới, cần sửa đổi Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật và Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa trên tinh thần xác định phương pháp quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa sao cho phù hợp với tình hình hiện nay.

Bên cạnh đó, do chưa có sự thống nhất, đồng bộ trong quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, một số tổ chức, doanh nghiệp xây dựng tiêu chuẩn cơ sở (TCCS) mang tính chất đối phó, không đi vào thực chất của tiêu chuẩn là nhằm bảo đảm an toàn, nâng cao năng suất, chất lượng... Chưa có cơ sở dữ liệu đầy đủ về tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài, tiêu chuẩn cơ sở, khiến việc tra cứu, áp dụng tiêu chuẩn đối với các đối tượng có nhu cầu, như doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn...


 Chủ tịch HĐQT Công ty VinaCert - ông Nguyễn Hữu Dũng chia sẻ tại hội thảo.

Chia sẻ về nội dung này, ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty VinaCert, cho biết, Việt Nam có trên 10.000 tiêu chuẩn, bao gồm các tiêu chuẩn liên quan đến sản phẩm, quy trình, hệ thống quản lý chất lượng, môi trường, an toàn lao động,... nhưng chủ yếu dịch từ Tiêu chuẩn Quốc tế và được sử dụng làm chuẩn mực để đánh giá sự phù hợp. Có tiêu chuẩn phạm vi và đối tượng áp dụng rất nhỏ, như TCVN 7240:2003 Bánh đậu xanh. Tiêu chuẩn này viện dẫn đến 04 tiêu chuẩn khác.

“Cần phải đánh giá lại giá trị sử dụng của hệ thống TCVN hiện nay xem có thể xây dựng hết TCVN cho mọi đối tượng cần kiểm soát chất lượng hay không? Nếu có thì Nhà nước phải bỏ ra bao nhiêu tiền? Công tác xã hội hóa thế nào?” – ông Dũng đặt vấn đề.

Phân tích điểm bất cập của hệ thống TCCS, ông Nguyễn Hữu Dũng cho biết, tiêu chuẩn này do doanh nghiệp tự xây dựng, tự công bố. Tuy nhiên, việc “Xác nhận “đã công bố TCCS” có cần thiết không vì doanh nghiệp đã tự chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm hàng hóa và phải tự công bố trên nhãn mác (Quy định về nhãn mác)”. Quy định này mang tính hình thức và gây lãng phí cho doanh nghiệp.

Còn với hệ thống QCVN, có sự chồng chéo giữa quy định các chỉ tiêu an toàn với các chỉ tiêu chất lượng. Trên thực tế, có các yêu cầu về an toàn không thể dùng quy chuẩn được, ví dụ như phụ gia thực phẩm; giới hạn tối đa ô nhiễm thực phẩm… nên không thể đánh giá hợp quy được.

Ngoài ra, ranh giới của việc áp dụng Tiêu chuẩn (tự nguyện) và Quy chuẩn (bắt buộc) cũng không rõ ràng, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong thực hiện.

Trước thực tiễn này, các đại biểu dự hội thảo đều thống nhất đề nghị cần sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa để phù hợp với tình hình sản xuất, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam trên thị trường quốc tế.

VP VinaCert

Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, Tương Mai, Hoàng Mai, Tp. Hà Nội
Điện thoại: 0243.634.1933
Fax: 0243.634.1137
Email: sale@vinacert.vn
Giấy phép đăng ký kinh doanh số:
0102152121
Cấp ngày: 18/11/2022 " cấp lần 5"
Tại Sở KH& Đầu tư TP.Hà Nội.
Bản quyền © 2007 - Thuộc về Công ty CP Chứng nhận và Giám định VinaCert
Đang online: 41
Tổng truy cập: 11485208