Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng đã gặp không ít vấn đề phát sinh và khó khăn khi lập hồ sơ đánh giá cho cả 4 nội dung về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm; quản lý sức khỏe động thực vật thủy sản; bảo vệ môi trường; và các khía cạnh kinh tế - xã hội.
Khi người nuôi áp dụng đúng theo Quy phạm VietGAP thì sẽ quản lý hệ thống nuôi một cách khoa học; quản lý được rủi ro; tiết kiệm chi phí và tăng năng suất. Người nuôi theo dõi được suốt quy trình thực hành VietGAP cho nghề nuôi tức là đã giảm được giá thành của sản phẩm như: đã đảm bảo các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm; giảm thiểu dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường sinh thái, đảm bảo trách nhiệm xã hội và truy xuất nguồn gốc sản phẩm trong phát triển bền vững nghề nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam. Khi áp dụng VietGAP đúng, người nuôi sẽ giảm được chi phí hóa chất kháng sinh; giảm chi phí thức ăn, thời gian nuôi; tăng tỷ lệ sống của đối tượng nuôi và giảm chi phí lấy mẫu kiểm tra sau thu hoạch mà vẫn đảm bảo chất lượng ổn định của sản phẩm. Theo đó, giá đầu ra của sản phẩm thủy sản cũng được dần nâng cao một cách ổn định và thu nhập của người nuôi dần tăng lên.
Hiện nay, người nuôi trồng thủy sản là những nông hộ nhỏ lẻ tại những vùng nuôi thủy sản vẫn thường sản xuất theo tập quán, truyền thống nên cũng rất khó khăn khi tác động và hướng người nuôi áp dụng phương pháp sản xuất VietGAP khi điều kiện cơ sở hạ tầng chưa đạt yêu cầu, thiếu nhân lực, vốn đầu tư ít, kinh nghiệm và trình độ học vấn có giới hạn… Đây cũng là nguyên nhân ảnh hưởng lớn và trực tiếp đến chất lượng và sản lượng nuôi thủy sản của chính hộ nuôi dẫn đến khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm. Do đó cần trả lời một số câu hỏi: Làm thế nào để chứng nhận VietGAP cho các hộ nuôi nhỏ lẻ? Phải chăng cần tập hợp các hộ nhỏ lẻ thành Hợp tác xã? Và quy trình sẽ tiến hành chứng nhận VietGAP cho hợp tác xã này như thế nào?...
Mặt khác, khi áp dụng VietGAP trên 3 đối tượng thủy sản nuôi thương phẩm chủ lực là cá tra, tôm sú và tôm thẻ chân trắng gặp không ít bất cập khi triển khai hồ sơ chi tiết với 4 nội dung trong quy phạm và cần lưu ý cho từng: Đối tượng nuôi; Phương thức nuôi (nuôi kín hay nuôi hở); Hình thức nuôi (có cho ăn và trị bệnh hay không cho ăn và không trị bệnh); vùng sinh thái nuôi (nội thủy hay gần bờ); và nguồn lực của cơ sở nuôi.
Những mô hình nuôi áp dụng VietGAP đến nay chưa được nhân rộng vì còn một số khó khăn như nếu cơ sở nuôi đầu tư đúng theo các nguyên tắc của quy trình thì chi phí sẽ tăng lên từ 20-25% nhưng giá bán sản phẩm vẫn như sản phẩm bình thường. Ngoài ra, các nước nhập khẩu sản phẩm thủy sản vẫn chưa chấp nhận chứng nhận GAP của Việt Nam. Do vậy, đây là một thách thức không nhỏ đối với các nhà quản lý.
Theo các chuyên gia ngành thủy sản, VietGAP được xây dựng nhằm mục tiêu thúc đẩy hoạt động nuôi trồng thủy sản Việt Nam theo hướng phát triển bền vững, giải quyết từng bước và tiến tới giải quyết triệt để các vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm; truy xuất nguồn gốc; các tác động môi trường và xã hội của hoạt động nuôi trồng thủy sản trên cả nước. Trong đó, điều quan trọng của VietGAP là hài hòa với Bộ quy tắc ứng xử về nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm (CoC) của FAO và các tiêu chuẩn quốc tế đang được áp dụng phổ biến như GlobalGAP, ASC…
Hữu Thôi - Khoa học và Công nghệ