Từ năm 2009 đến hết năm 2013 sau nhiều lần lấy ý kiến của các bộ ngành, đơn vị cá nhân có liên quan, Bộ NN&PTNN đã chủ trì xây dựng hoàn thiện và trình chính phủ ban hành Nghị định 36, nghị định sẽ có hiệu lực từ ngày 20/06/2014.
Đại đa số ý kiến tại buổi hội thảo đều cho rằng Nghị định 36 ra đời là cần thiết cho ngành cá tra đang gặp quá nhiều khó khăn như hiện nay. Nghị định không chỉ giúp người nuôi, hộ kinh doanh kiểm soát được sản phẩm mà đồng thời phối hợp với vai trò của các cơ quan quản lý.
Hội nghị “Ban chỉ đạo sản xuất, tiêu thụ cá tra vùng ĐBSCL và triển khai Nghị định 36/2014/NĐ-CP của Chính phủ”
Tuy nhiên một số ý kiến cho rằng nghị định còn nhiều vướng mắc chưa thật sự hợp lý như: phần lớn các thị trường nhập khẩu không có quy định cụ thể về tỉ lệ mạ băng mà chỉ quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, do đó nghị định này cũng không nên quy định một cách cứng nhắc về tỷ lệ mạ băng. Theo bà Nguyễn Huệ đại diện Vinacert-Control Cần Thơ quy định về tỉ lệ mạ băng của nghị định quả là đang làm khó các doanh nghiệp. Theo bà Nguyễn Thị Ánh, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần thủy sản Ngọc Xuân (Tiền Giang), quy định bắt buộc doanh nghiệp xuất khẩu cá tra phải đăng ký hợp đồng thông qua VN Pangasius là không cần thiết vì làm ảnh hưởng đến bí mật kinh doanh, quy hoạch vùng nuôi hay bắt buộc tất cả các vùng nguyên liệu phải đạt được chứng nhận VietGap kể từ cuối năm 2015 cũng gây ra không ít tranh luận giữa VASEP và cơ quan chủ trì soạn thảo nghị định cá tra.
Tính đến tháng 4 năm 2014 lượng cá tra xuất khẩu ước đạt 546 triệu USD (nguồn từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam), tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2013.
Ngành Nông nghiệp nói chung và người nuôi, khai thác cá tra nói riêng đang chờ đợi Nghị định 36 ban hành kèm với những Thông tư hướng dẫn cụ thể, tất cả đang cùng một mục tiêu đưa ngành cá tra Việt Nam phát triển bền vững, thương hiệu ổn định, đem lại lợi nhuận cho người nuôi và doanh nghiệp.
Nguyễn Huệ