Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương cùng doanh nghiệp tìm “Giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản” (04/06/2014)

Chiều ngày 03/6/2014, tại Hội trường tầng 2, số 23 Ngô Quyền, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội – thuộc trụ sở Bộ Công Thương đã diễn ra hội nghị với chủ đề: “Bàn các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản”.

Hội nghị được tổ chức dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT Cao Đức Phát. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các Bộ: Đ/c Trần Tuấn Anh – Thứ trưởng Bộ Công Thương, Đ/c Vũ Văn Tám – Thứ Trưởng Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn; các Đ/c đại diện lãnh đạo và đơn vị trực thuộc  Bộ tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam, cùng với đại diện các Hiệp hội ngành hàng nông sản, thủy sản, đơn cử Chánh Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam  Bà Trần Thị Thúy Hoa, Ô.Đinh Văn Hương- Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam, Ô.Đỗ Hà Nam- Chủ tịch hiệp hội hồ tiêu Việt Nam, Ô.Đặng Hoàng Giang- PCT. Hiệp hội điều Việt Nam, PCT Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) Ô.Nguyễn Hữu Dũng; hội nghị còn có sự góp mặt của đại diện các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu hàng nông sản, thủy sản Việt Nam như Công ty TNHH chế biến Dừa Lương Quới, Công ty CP chè Tân Trào...Vinacert tham dự hội nghị với tư cách là thành viên của Hiệp hội VASEP, đại diện cho Vinacert là trưởng phòng kinh doanh - bà Nguyễn Thị Huế.

Đại diện các doanh nghiệp lên phát biểu

Khai mạc hội nghị là lời phát biểu của Bộ trưởng Bộ Công Thương và Bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp về tình hình sản xuất và xuất khẩu nhóm hàng nông sản và thủy sản, đánh giá những khó khăn, hạn chế còn tồn tại, từ đó đưa ra hướng giải pháp để tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu. Những số liệu cụ thể đã được Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nêu rõ trong báo cáo tổng quan. Cụ thể, về kim ngạch XK trong 5 tháng đầu năm 2014 đạt 8.92 tỷ USD, tăng 12.7% so với cùng kỳ, chiếm tỉ trọng 15.2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước. Trong đó kim ngạch và tỉ trọng XK thủy sản ước đạt 2.9 tỷ USD (tăng 28.1%), cà phê đạt gần 2 tỷ USD (tăng 31.3%), hạt tiêu đạt 669 triệu USD (tăng 47.7%), hạt điều đạt 617 triệu USD (tăng 11.3%), rau quả  đạt 475 triệu USD (tăng 28.4%), kim ngạch và tỉ trọng XK gạo đạt 1.2 tỷ USD (giảm 5.3%), cao su đạt 472 triệu USD (giảm 39.3%), chè đạt 68 triệu USD(giảm 7.9%), sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 497 triệu USD (giảm 18.5%). Dự kiến xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản năm 2014 đạt khoảng 21 tỷ USD, tăng 5.8% so với năm 2013. Thị trường xuất khẩu chính: EU, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản tính đến hết tháng 4 năm 2014 hầu hết đều đạt mức tăng trưởng dương. Theo ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương mặc dù tình hình xuất khẩu chung của các mặt hàng nông, thủy sản đã có dấu hiệu tích cực, tuy nhiên khi đánh giá riêng từng sản phẩm thì có sự mất cân bằng khá lớn.

Sự suy thoái của nền kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất và xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản của Việt Nam, biểu hiện có thể thấy qua số liệu về kim ngạch và tỉ trọng xuất khẩu giảm của các mặt hàng: gạo, cao su, chè, sắn. Bên cạnh đó các mặt hàng thủy sản, điều, cà phê cũng đang phải đối mặt với không ít những khó khăn. Đánh giá về những thách thức đối với nhóm hàng nông sản và thủy sản, Thứ trưởng tập trung đề cập đến: công tác quy hoạch các vùng nguyên liệu NS, TS chưa được triển khai nhất quán và đồng bộ, sự phối hợp giữa các cấp ngành trong việc quản lý giám sát thực hiện quy hoạch còn nhiều yếu kém; tỷ lệ sản phẩm nông sản, chế biến sâu còn thấp, năng lực tài chính, cạnh tranh còn yếu do việc tiếp cận nguồn vốn rất khó khăn; thiếu kinh phí cho công tác quảng bá, xúc tiến thương mại; đồng thời là sự gia tăng các rào cản thương mại và kỹ thuật đối với hàng nông sản, thủy sản nhập khẩu; sức tiêu thụ của các thị trường nhập khẩu vẫn còn yếu trong khi áp lực cạnh tranh không ngừng gia tăng.

Mục đích của hội nghị nhằm đưa ra hướng giải pháp để khắc phục những khó khăn đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản dựa trên sự đề xuất và tham luận ý kiến của đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp. Một số giải pháp về công tác quy hoạch và phát triển sản xuất nông nghiệp được đưa ra như: thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu trong nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, xây dựng và phê duyệt quy hoạch tổng thể sản xuất và tiêu thụ hàng nông sản, thủy sản; các giải pháp về đào tạo như: tập huấn cho các hộ nông dân sản xuất, nuôi trồng và chế biến nhóm hàng nông sản và thủy sản về cách sử dụng thuốc BVTV, các mô hình sản xuất tốt, tăng cường mở rộng các hình thức hợp tác quốc tế...; về quản lý chất lượng sản phẩm: xây dựng và thực hiện tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với nhóm hàng nông sản, thủy sản, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát; về tiếp cận vốn: mở rộng định mức cho vay và giãn thời hạn trả nợ vay, áp dụng cho vay bằng ngoại tệ, tăng cường bảo lãnh tín dụng..; về phát triển thị trường: tích cực đàm phán mở rộng thị trường cho xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản, giảm thuế, dỡ bỏ các rào thương mại, kỹ thuật không phù hợp, ưu tiên phê duyệt các đề án xúc tiến thương mại đối với nhóm hàng nông sản, thủy sản..Đồng thời trong buổi hội nghị đã đưa ra các giải pháp cụ thể đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản, đề cập đến sự phối hợp thực hiện các giải pháp của 2 bộ Công Thương và Nông nghiệp trong việc tháo gỡ khó khăn đang tồn tại đối với từng mặt hàng nông sản, thủy sản cụ thê

Hội nghị cũng được nghe các ý kiến tham luận từ phía đại diện Bộ, Hiệp Hội ngành hàng và doanh nghiệp về những khó khăn, kiến nghị giải pháp để tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu. Điển hình là ý kiến của ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), mà Vinacert-Control là thành viên trực thuộc. Trong bài phát biểu, Ông nhấn mạnh: “Doanh nghiệp thủy sản đang đối diện rất nhiều khó khăn từ bên ngoài nhưng khó khăn bên trong thậm chí lớn hơn. Vì vậy đề nghị cơ quan quản lý nhà nước khi ban hành văn bản cần thương doanh nghiệp hơn, đừng gây khó khăn nữa”, Ông nêu một số điểm bất cập trong Thông tư 48/2013/TT-BNNPTNT "Quy định về kiểm tra, chứng nhận an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu":  cơ quan quản lý chỉ kiểm soát với tần suất lớn vào các sản phẩm XK nhưng các khâu khác như dư lượng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y…lại bị bỏ ngỏ; Nghị định cá tra được ban hành ngày 29/4/2014 ̣̣(có hiệu lực từ 20/6/2014), tuy được xây dựng hơn hai năm nhưng lại có nhiều điểm hạn chế và thiếu nhiều điểm như quy định thức ăn nuôi cá tra.. Đại diện Hiệp hội cao su, B.Trần Thị Thúy Hoa cũng nêu 1 số khó khăn liên quan đến chính sách thuế xuất khẩu, mặc dù thực trạng cung vượt cầu, sự cạnh tranh gay gắt của các nước xuất khẩu tuy nhiên trong nước Bộ Tài chính lại có quy định điều chỉnh thuế suất một số sản phẩm cao su xuất khẩu từ 0% lên 1%. Đây là khó khăn lớn đối với ngành trong bối cảnh giá cao su liên tục giảm. Vì vậy Hiệp hội Cao su đề nghị Bộ Tài chính cân nhắc bởi nguồn thu từ thuế không nhiều, đồng thời giúp DN tăng tính cạnh tranh thị trường...Đại diện HH rau quả Việt Nam Ô.Đinh văn Hương cũng nêu 1 số khó khăn tồn tại về nguồn cung cấp nguyên liệu chưa ổn định, thuế giá trị gia tăng đối với 1 số sản phẩm được chế biến từ dừa vẫn chịu mức thuế cao...Đồng thời, Ông cũng đưa ra 1 số kiến nghị: tổ chức sản xuất rau quả tập trung, áp dụng các biện pháp kiểm soát, bảo vệ thực vật, tăng cường công tác khuyến nông, khuyến khích nông dân thực thiện sx nông nghiệp tốt, áp dụng GlobalGAP, VietGAP, hỗ trợ mua giống mới, hỗ trợ nguồn thông tin tình hình tiêu thụ thị trường và giá cả, giảm thuế giá trị gia tăng 1 số sản phẩm được làm từ dừa từ 10% xuống mức 5%...

Từ phía đại diện các Bộ, ngành Nhà Nước cũng đưa ra một số ý kiến giải thích và hướng dẫn đối với những kiến nghị của đại diện các hiệp hội, ngành hàng. Đối với Đ/c đại diện Bộ Tài chính đã đưa ra một số công văn liên quan về thuế nhằm hướng dẫn thực hiện như: Công văn 7062 ngày 29/5/2014 hướng dẫn ko kê khai GTGT đối với sp thủy sản, tôm, mực, gạo..; Công Văn 7193 ngày 30/5/2014 hướng dẫn cụ thể sản phẩm cao su sơ chế ko phải nộp thuế , Công Văn 5165 giải quyết vướng mắc trong kê khai thuế đối với sản phẩm thức ăn chăn nuôi, Thông tư 219...Đối với Đ/c đại diện Ngân hàng Nhà nước VN đã gợi ý Thông tư 29 ngày 6/12/2013(khoản 1, điều 3) về nhu cầu vay ngoại tệ, đưa ra Quyết Định 1050 về chính sách cho vay thí điểm theo chuỗi giá trị, đề cập 1 số chính sách ưu đãi về lãi suất...

Trả lời các kiến nghị của các Hiệp hội, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát khẳng định, với ngành nông nghiệp, khai thông và chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu là yếu tố tiên quyết duy trì phát triển nông nghiệp, tạo việc làm, thu nhập cho nông dân. Trong mọi chính sách, Bộ luôn mong muốn đồng hành hiệu quả cùng doanh nghiệp và vì lợi ích quốc gia. Những chính sách đưa ra nhằm khuyến khích doanh nghiệp hoạt động đúng luật pháp và chỉ cản trở những doanh nghiệp làm tổn hại đến lợi ích chung. Trong trường hợp chính sách ban hành ra có làm khó cho một doanh nghiệp nào đó thì cần xem xét từng trường hợp cụ thể để tháo gỡ.

Với những kiến nghị của các doanh nghiệp, Bộ NN & PTNT cũng như Bộ Công Thương sẽ tiếp thu để có những điều chỉnh phù hợp trong thời gian tới. Để tăng cường hợp tác, tháo gỡ khó khăn trong xuất khẩu nông sản, thủy sản, dấu ấn cuối của buổi hội nghị là việc ký kết bản ghi nhớ về phối hợp công tác trong việc giải quyết các vướng mắc, tháo gỡ những khó khăn và đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng nông sản, thủy sản giữa hai bộ trưởng.

VINACERT

Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, Tương Mai, Hoàng Mai, Tp. Hà Nội
Điện thoại: 0243.634.1933
Fax: 0243.634.1137
Email: sale@vinacert.vn
Giấy phép đăng ký kinh doanh số:
0102152121
Cấp ngày: 18/11/2022 " cấp lần 5"
Tại Sở KH& Đầu tư TP.Hà Nội.
Bản quyền © 2007 - Thuộc về Công ty CP Chứng nhận và Giám định VinaCert
Đang online: 58
Tổng truy cập: 11488562