VietGAP thủy sản được xây dựng theo 4 tiêu chí cơ bản: đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn môi trường, an toàn xã hội và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Áp dụng Quy phạm thực hành NTTS tốt giúp đảm bảo an toàn sức khỏe của người nuôi, gia đình và cộng đồng dân cư, đồng thời tạo cơ hội nâng cao trình độ sản xuất của các hộ nuôi thông qua các lớp tập huấn kỹ thuật, chuyển giao kinh nghiệm, nắm bắt tâm lý thị trường… Đặc biệt, so với các tiêu chuẩn quốc tế, áp dụng VietGAP thủy sản giúp người nuôi trồng tiết kiệm chi phí cho việc đạt được chứng nhận.
Hiện nay, người nuôi muốn có chứng nhận MSC của Hội đồng Bảo tồn biển quốc tế (MSC) phải chi trả 100.000 USD lần đầu chứng nhận với thời hạn 1 năm và 12.000 USD/năm trong những lần chứng nhận sau. Việc áp dụng tiêu chuẩn GlobalGAP cũng không dễ (phải đạt hơn 200 tiêu chí phức tạp) và hiện nay mới chỉ có ít doanh nghiệp đạt được. Trong khi để được cấp chứng nhận VietGAP, cơ sở nuôi chỉ phải chi số tiền ít hơn nhiều lần so với việc đạt được các tiêu chuẩn quốc tế khác.
Nguồn nguyên liệu đầu vào đạt được chứng nhận VietGAP giúp doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu bảo đảm chất lượng đầu ra của sản phẩm, vì thế giữ được uy tín với khách hàng và nâng cao doanh thu. Việc đảm bảo truy xuất được nguồn gốc nguyên liệu đầu vào giúp các doanh nghiệp có thể giảm bớt chi phí và thời gian cho việc kiểm tra mẫu thủy sản đầu vào, giảm nguy cơ sản phẩm bị cấm nhập khẩu hoặc bị kiểm tra nghiêm ngặt do không đảm bảo yêu cầu về dư lượng hóa chất…
Với mục đích tạo ra những sản phẩm thủy sản an toàn, chất lượng và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, tiêu chuẩn VietGAP thủy sản đã vạch ra những nguy cơ và đưa ra quy định thực hiện nhằm loại bỏ tất cả những nguy cơ đó. Nhờ vậy, khi nhìn thấy giấy chứng nhận hoặc dấu chứng nhận sản phẩm VietGAP trên thị trường, người tiêu dùng sẽ dễ dàng nhận biết được sản phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và ưu tiên lựa chọn. Qua đó từng bước hình thành thói quen “người Việt dùng thực phẩm Việt chất lượng cao”.
Cùng với việc vượt qua các rào cản kỹ thuật, không vi phạm các quy định về chất tồn dư trong thủy sản, áp dụng VietGAP góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu cho các sản phẩm cá tra, tôm sú, tôm thẻ trắng; làm thay đổi tập quán sản xuất hiện nay; giảm bớt được chi phí y tế cho xã hội khi đẩy lùi những vấn đề về sức khỏe (do tiêu thụ thủy sản mất an toàn); nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng; giúp giảm thiểu mâu thuẫn hoặc giải quyết sớm các mâu thuẫn trong cộng đồng, đảm bảo sự bình đẳng, công bằng, ổn định trật tự xã hội và sự phát triển bền vững.
Nhu cầu của thị trường ngày càng cao và đòi hỏi khắt khe về chất lượng. Vì vậy, việc NTTS theo tiêu chuẩn VietGAP là một yêu cầu tất yếu. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mục tiêu đến năm 2015, tối thiểu 30% số hộ nuôi đạt được tiêu chuẩn VietGAP và hơn 80% trong năm 2020. Cùng với những chính sách hỗ trợ, khuyến khích trong giai đoạn đầu triển khai VietGAP thủy sản, Bộ NN&PTNT đang tiến hành nghiên cứu các thị trường bán lẻ của châu Âu và một số thị trường khác để giới thiệu sản phẩm VietGAP và sẽ đàm phán với những đối tác này để đảm bảo sản phẩm nuôi theo VietGAP có giá cao hơn sản phẩm khác.
Cao Pha