VinaCert - Chìa khóa để doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị (11/05/2018)

Mặc dù được đánh giá là xương sống của nền kinh tế với đóng góp 48,3% GDP, tạo ra 60% việc làm cho xã hội, song các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) hiện vẫn gặp nhiều khó khăn khi tham gia vào chuỗi giá trị. Đây là nhận định được nhiều đại biểu đưa ra tại Hội thảo “Tham gia chuỗi giá trị: Cơ hội cho doanh nghiệp nhỏ và vừa” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 11/5/2018 tại Hà Nội.

Tham dự hội thảo có đại diện các cơ quan thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ NN&PTNT, Bộ Khoa học và Công nghệ, tổ chức hiệp hội, các doanh nhân, chuyên gia kinh tế trong các ngành, lĩnh vực liên quan.

Tham gia vào chuỗi giá trị còn hạn chế

Để tham gia vào chuỗi giá trị các DN cần có cách tiếp cận mới và phải có hệ thống giải pháp mang tính chiến lược. Tuy nhiên, việc sản xuất, kinh doanh của DN theo mô hình chuỗi vẫn chưa phát huy hết tiềm năng trong các khâu để tạo ra giá trị gia tăng cao nhất với chi phí thấp nhất. Thêm vào đó, việc liên kết giữa các DN còn chưa chặt chẽ…


Sự liên kết giữa các DN còn chưa chặt chẽ nên việc tham gia vào chuỗi giá trị còn nhiều hạn chế, bà Bùi Thu Thủy nhận định

Từ nhận định này, bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục phát triển doanh nghiệp (MPI) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng: Hiện các DNNVV tham gia vào chuỗi giá trị còn hạn chế do các DN nhỏ rất yếu, các năng lực nội tại theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng của DN không đạt tiêu chuẩn trở thành thợ phụ của các DN lớn. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ tuy đã có nhưng chưa đủ, dẫn tới hành động chưa hiệu quả, chưa có giải pháp cụ thể để khi tham gia chuỗi giá trị thì cả DN nhỏ và DN lớn đều có lợi ích.

Trước thực trạng đó, việc tăng cường liên kết theo chuỗi sẽ giúp các DN có thể cùng nhau đảm nhận một hoặc nhiều khâu trong chuỗi, từ đó hoàn thành tốt công việc với năng lực lớn hơn, giúp các DN khắc phục bất lợi về quy mô, phản ứng nhanh với thay đổi của thị trường, giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh.

Chưa tận dụng được cơ hội kết nối

Quy định tại Luật Hỗ trợ DNNVV có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018 sẽ là cơ sở giúp các DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị một cách khoa học. Các DN sẽ có cơ hội tăng cường mối liên kết giữa các DN sản xuất kinh doanh theo mô hình chuỗi giá trị trong một số ngành nghề lựa chọn (sữa, nước giải khát, thực phẩm, điện thoại, ô tô…).

Bên cạnh những ưu đãi về chính sách, bối cảnh kinh tế trong nước cũng đang tạo nhiều thuận lợi cho khu vực DNNVV tham gia vào chuỗi giá trị. Hiện, Việt Nam đã thu hút được 320 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong số các dự án FDI đầu tư vào Việt Nam, có rất nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới đã đưa ra những chính sách liên kết, tạo điều kiện thuận lợi cho DNNVV tham gia chuỗi giá trị của họ như Samsung, Canon, LG,… đồng thời cũng có nhiều DN lớn trong nước có chủ trương tạo thuận lợi cho DNNVV tham gia chuỗi giá trị, điển hình trong số đó là Tập đoàn TH True Milk.

Theo ông Ngô Minh Hải - Phó Tổng giám đốc TH True Milk, để xây dựng chuỗi giá trị “từ trang trại đến bàn ăn”, Tập đoàn TH đang tiếp tục có nhu cầu liên kết với các DNNVV ở rất nhiều khâu, trong đó có việc mở rộng mạng lưới bán hàng trực tuyến và giao hàng tận nhà. Đây là cơ hội rất lớn cho các startup công nghệ trong tương lai.


Bà Nguyễn Quỳnh Nga trả lời phỏng vấn các cơ quan thông tấn báo chí về những chính sách hỗ trợ của OCB đối với các DNNVV

Nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn cho các DNNVV, bà Nguyễn Quỳnh Nga - Phó Giám đốc phụ trách khối SME - OCB - cho biết, Ngân hàng Phương Đông (OCB) đang triển khai rất nhiều chính sách hỗ trợ vay vốn cho các DNNVV tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Theo đó, DNNVV có cơ hội vay tín chấp lên tới 3 tỷ đồng.

Phát biểu tại hội thảo, GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài cho rằng: Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 213,77 tỷ USD, đứng thứ 25 trên thế giới. Cũng trong năm 2017, Việt Nam đã vượt qua Hồng Kông, trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Hàn Quốc (sau Trung Quốc và Mỹ). Dự báo năm 2020, Việt Nam sẽ vượt Mỹ, trở thành thị trường xuất khẩu thứ 2 của Hàn Quốc với kim ngạch thương mại hai chiều đạt khoảng 100 tỷ USD.

Rất nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2017 có sự tăng trưởng bứt phá, trong đó, xuất khẩu dệt may từ 15,8 tỷ USD vào năm 2011 đã lên tới 31 tỷ USD vào năm 2017. Kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện đạt 45,27 tỷ USD trong năm 2017, tăng 32% so với năm 2016. Máy tính, sản phẩm điện tử đạt 25,94%, tăng 36,9% so với năm 2016. Năm 2017, Việt Nam cũng xuất khẩu rau quả sang 60 quốc gia trên thế giới, với kim ngạch đạt 3,5 tỷ USD.

Điều đó càng chứng tỏ, có rất nhiều cơ hội cho DNNVV liên kết với các DN FDI, DN lớn trong nước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, DNNVV có tận dụng được cơ hội này hay không, điều đó phụ thuộc vào chính bản thân các DN cũng như chính sách của Nhà nước, các DN FDI và DN lớn trong nước.

Chìa khoá để doanh nghiệp kết nối, tham gia vào chuỗi giá trị

Từ phân tích trên, GS. TSKH Nguyễn Mại nhận định, để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, bản thân các DNNVV phải nỗ lực, tận dụng cơ hội. Theo đó, cần chú trọng đầu tư hơn nữa đến con người, công nghệ. Cùng với đó, Chính phủ cần đưa ra những chính sách khuyến khích DNNVV tham gia chuỗi giá trị, khuyến khích các DN FDI, DN lớn tạo điều kiện cho DNNVV tham gia vào chuỗi giá trị.


GS. TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nêu ý kiến tại Hội thảo

Đặc biệt, các chuyên gia kinh tế cho rằng, bản thân các DN FDI, DN lớn cũng cần có thêm những chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho DNNVV tham gia cung ứng linh kiện, sản phẩm cho mình. Bởi nội địa hóa sản xuất, trước khi mang lại lợi ích cho DNNVV và nền kinh tế trong nước thì còn mang lại lợi ích cho chính các DN FDI và DN lớn.

Bên cạnh những giải pháp trên, GS. TSKH Nguyễn Mại cho rằng, để tăng cường liên kết DNNVV với DN FDI thì bản thân các hiệp hội, ngành hàng đóng vai trò quan trọng. Theo đó, để thúc đẩy được chuỗi liên kết này, nhà nước và các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm hơn nữa đến các hiệp hội, ngành hàng. Muốn vậy, việc cần làm ngay là sớm hoàn thiện và ban hành các chính sách pháp luật liên quan đến hoạt động của hiệp hội, để hiệp hội có thể hỗ trợ các DN tham gia và thúc đẩy chuỗi liên kết giá trị phát triển.


Ông Nguyễn Hữu Dũng đưa ra lược đồ về hoạt động của các chuỗi cung ứng, trong đó, các tổ chức chứng nhận như VinaCert đóng vai trò là một trong những "chìa khóa" để các doanh nghiệp kết nối, phát triển chuỗi giá trị

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chứng nhận và Giám định VinaCert viện dẫn từ thực tế ngành nông nghiệp, phân tích rõ bản chất của chuỗi giá trị, đó chính là tập hợp các hoạt động của các chuỗi cung ứng nông nghiệp nhằm tạo ra hoặc tăng thêm giá trị cho sản phẩm. Giá trị của chuỗi được đánh giá và quyết định bởi người tiêu dùng.

Ông Dũng đưa ra lược đồ về hoạt động của các chuỗi cung ứng. Ví dụ trong lĩnh vực nông nghiệp, từ các khâu đầu vào của sản xuất bao gồm việc cung ứng phân bón, thuốc, giống, đất, nước đến các khâu canh tác, nuôi trồng trong trang trại. Đến khi có được những sản phẩm để sơ chế, chế biến, đóng gói, vận chuyển đến tay người tiêu dùng đều được tiêu chuẩn hóa, được bên thứ 3 đánh giá, chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn tương ứng. 

Như vậy trong chuỗi giá trị nông nghiệp, cơ hội tham gia vào các khâu và tạo ra giá trị gia tăng của các loại hình DNNVV là rất lớn. Tạo ra mối liên kết chặt chẽ với các tổ chức chứng nhận sự phù hợp là một trong những chìa khóa để hỗ trợ sự kết nối các khâu trong chuỗi. Khi đó, sự gia tăng giá trị ở từng khâu mới được thể hiện rõ và có sự hỗ trợ, tương tác lẫn nhau.

Thanh Hải IRC
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, Tương Mai, Hoàng Mai, Tp. Hà Nội
Điện thoại: 0243.634.1933
Fax: 0243.634.1137
Email: sale@vinacert.vn
Giấy phép đăng ký kinh doanh số:
0102152121
Cấp ngày: 18/11/2022 " cấp lần 5"
Tại Sở KH& Đầu tư TP.Hà Nội.
Bản quyền © 2007 - Thuộc về Công ty CP Chứng nhận và Giám định VinaCert
Đang online: 124
Tổng truy cập: 11263799