Tuy nhiên để phát triển ngành chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, việc sử dụng thức ăn chăn nuôi (TĂCN) đòi hỏi phải sử dụng và phối trộn nhiều loại nguyên liệu nhằm nâng cao dinh dưỡng, tăng năng xuất, chất lượng.
5 năm gần đây, ngành TĂCN toàn cầu phải đối mặt với nhiều thử thách, khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, dịch tả lợn châu Phi, xung đột giữa Nga – Ukraine,… khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, làm phát sinh nhiều chi phí cho nhà sản xuất, cung ứng. Tuy nhiên theo khảo sát của Alltech mới đây cho thấy, tổng sản lượng TĂCN toàn cầu năm 2022 có thể tăng 2,3% so với năm 2021, lên mức 1,235.5 triệu tấn.
Trước dự báo về đà tăng trưởng của ngành TĂCN toàn cầu, các hành vi gian lận thương mại cũng vì thế có nguy cơ ngày càng gia tăng. Ðể đảm bảo tuân thủ các quy định ở châu Âu và để nâng cao chất lượng, sự an toàn nguồn cung cấp nguyên liệu đầu vào chăn nuôi theo chuỗi “từ trang trại tới bàn ăn”, Hiệp hội các nhà sản xuất phụ gia thức ăn chăn nuôi châu Âu đã ban hành tiêu chuẩn FAMI-QS (Phụ gia thức ăn chăn nuôi và hệ thống quản lý chất lượng). Theo đó, cho dù bạn là một nhà kinh doanh hay một nhà sản xuất phụ gia thức ăn hoặc premix,… cần có chứng nhận loại thức ăn chăn nuôi này để đảm bảo chất lượng, sự an toàn và hợp pháp của sản phẩm.
FAMI-QS và nỗ lực phòng chống gian lận thương mại
Theo Tổng thư ký FAMI-QS, ông Emmanouil (Manolis) Geneiatakis, các nguồn cấp nguyên liệu, phụ gia TĂCN phải đảm bảo các yêu cầu: An toàn thực phẩm; Giảm chi phí và sản lượng; Nâng cao và giữ ổn định chất lượng sản phẩm; Tăng cường sức khỏe và phúc lợi vật nuôi; Giảm các nguy cơ tiềm ẩn gây ô nhiễm do chất thải động vật;…
Hướng dẫn sử dụng TĂCN của FAO/IFIF, 2020, nhấn mạnh rằng, nguồn cấp thức ăn phải đảm bảo và được quản lý dữ liệu theo đúng mục đích sử dụng của từng loại, nhằm đảm bảo sẽ không gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe động vật hoặc thực phẩm có nguồn gốc động vật.
Mặt khác, bất kỳ nguyên liệu đơn lẻ nào, dù là nguyên liệu thô hay đã qua xử lý, nếu được dùng để cho ăn trực tiếp đối với động vật sản xuất thực phẩm cũng phải đảm bảo theo FAO / IFIF Feed Manual, 2020. Trên cơ sở đó đảm bảo rằng thực phẩm sẽ không gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng khi nó được chế biến và / hoặc ăn theo mục đích sử dụng. (CXC 1-1969, sửa đổi 2020).
Khái niệm “từ trang trại đến bàn ăn” đã nhấn mạnh trách nhiệm của tất cả các bên trong chuỗi sản xuất. Theo đó, mọi người trong chuỗi cần thực hiện hiệu quả các biện pháp để giảm thiểu rủi ro đối với sức khỏe con người và vật nuôi.
Nguyên nhân và nguồn gây ô nhiễm TĂCN có thể do chủ quan: thiếu kiến thức, thiếu hệ thống quản lý đủ mạnh, hay việc sử dụng các thành phần dinh dưỡng không theo nguyên tắc và/hoặc gian lận thương mại,…
Nguồn gây ô nhiễm do khách quan mang lại: các độc tố của nấm mốc, ô nhiễm đất, nước, không khí, thuốc bảo vệ thực vật, ô nhiễm điôxin, kim loại nặng, Salmonella, nấm,… hoặc các ô nhiễm phát sinh trong quá trình sản xuất, chế biến, chuyên chở, lưu kho,…
Việc thống nhất quy định theo phân loại của mỗi thành phần TĂCN (Nguyên liệu/Phụ gia TĂCN: Natri Butyrat, Magie clorua, Magie sunfat, Điôxin photphat,…) có tác động to lớn đến việc quản lý mối nguy.
Hệ thống FAMI-QS có mục tiêu chính là xác định, đánh giá và kiểm soát các mối nguy không gây hại cho động vật và / hoặc dẫn đến ô nhiễm (khái niệm An toàn TĂCN) theo GMP và HACCP. Qua đó chủ động phòng vệ và phòng chống gian lận trong việc cố ý thay thế, bổ sung, giả mạo hoặc pha trộn các thành phần TĂCN, hoặc bao bì nhãn mác TĂCN; hoặc những công bố sai hoặc gây hiểu lầm về một sản phẩm,… vì lợi ích kinh tế.
Theo chuyên gia đánh giá chứng nhận FAMI-QS Đỗ Thành Muôn, các thành phần TĂCN đặc thù được định nghĩa là bất kỳ thành phần được bổ sung có chủ đích không được sử dụng như là thức ăn thông thường, có thể có hoặc không có giá trị dinh dưỡng, có ảnh hưởng đến đặc tính của thức ăn hoặc động vật hoặc sản phẩm của động vật và hiệu quả chăn nuôi.
Các thành phần TĂCN đặc thù có thể có được thông qua các quá trình sản xuất hóa học, xử lý sinh học, khai khoáng, tách chiết, phối trộn, công thức/ chế phẩm,… và quá trình ấy phải được FAMI-QS công nhận các chỉ tiêu cụ thể: công nghệ, cảm quan, dinh dưỡng, kỹ thuật động vật; Được sản xuất hợp pháp tại nước xuất xứ; Đáp ứng yêu cầu luật định của nước đến.
Sản phẩm TĂCN đặc thù trên thị trường được thể hiện dưới tên và biểu tượng của bên thương mại, khi đó bên thương mại được xem là nhà sản xuất và nhà sản xuất là nhà thầu phụ.
Trong trường hợp sản phẩm TĂCN đặc thù được thể hiện dưới tên và biểu tượng của nhà sản xuất thì bên thương mại được xem là bên kinh doanh. Nhà sản xuất có thể là nguồn được đảm bảo hoặc không được đảm bảo.
Cũng theo chuyên gia Đỗ Thành Muôn, TĂCN hoàn chỉnh (như hỗn hợp TĂCN hoàn chỉnh) không thuộc phạm vi chứng nhận của hệ thống FAMI-QS, vì thành phần của chúng đủ cho khẩu phần ăn hằng ngày.
Bất kỳ chất hoặc sự kết hợp của các chất được sử dụng để điều trị hoặc phòng ngừa bệnh tật ở vật nuôi, có thể sử dụng cho vật nuôi với quan điểm thực hiện một chẩn đoán y tế hoặc nhằm khôi phục, sửa chữa hoặc điều chỉnh các chức năng sinh lý của vật nuôi (ngoại trừ coccidiostats and histomonostats được sử dụng như phụ gia TĂCN tại châu Âu) cũng không thuộc phạm vi chứng nhận của hệ thống FAMI-QS.
Phạm vi của Hệ thống chứng nhận FAMI-QS dựa trên định nghĩa về thành phần TĂCN đặc thù; Được sản xuất thông qua một quá trình được công nhận hoặc sự kết hợp của chúng; Nhà vận hành có một hoặc tất cả các hoạt động sản xuất và/hoặc thương mại.
Tài liệu được sử dụng trong chứng nhận hệ thống FAMI-QS là tài liệu có thể đánh giá được thiết lập đối với mỗi quá trình được miêu tả trong Chương 2 của FAMI-QS Code of Practice. Các tài liệu này bao gồm các yêu cầu đối với việc đánh giá mối nguy an toàn TĂCN liên quan đến quá trình của Bên vận hành với mục đích kiểm soát sự xuất hiện của chúng. Các quá trình được Nhà vận hành và Tổ chức Chứng nhận yêu cầu để sử dụng để đảm bảo rằng họ vận hành các chương trình của mình một cách nhất quán và tương đương.
Còn theo ông Emmanouil (Manolis) Geneiatakis - Tổng thư ký FAMI-QS, trong Điều khoản quản lý rủi ro về gian lận thương mại được áp dụng từ tháng 9/2022, FAMI-QS đã xây dựng một mô-đun để bổ sung cho Hệ thống chứng nhận FAMI-QS Phiên bản 6. Mô-đun này kết hợp các yêu cầu về Phòng vệ và phòng chống gian lận nguồn cấp dữ liệu theo hệ thống chứng nhận của bên thứ ba, bằng cách yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh TĂCN, thức ăn bổ sung bắt buộc phải áp dụng.
Để được chứng nhận theo FAMI-QS Phiên bản 6, việc triển khai và tuân thủ mô-đun là bắt buộc đối với tất cả các tổ chức kinh doanh nhằm đảm bảo rằng, các nhà điều hành kinh doanh TĂCN được chứng nhận FAMI-QS sẽ triển khai một hệ thống có thể kiểm tra, chứng minh khả năng quản lý và giảm thiểu hiệu quả nguy cơ gian lận TĂCN và thức ăn bổ sung.
VinaCert