Nghiệm thu Đề tài “Nghiên cứu phân tích bổ sung chỉ tiêu chất lượng sản phẩm chỉ dẫn địa lý cho mật ong bạc hà Cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang” (24/03/2019)

Ngày 22/3/2019 tại Hội trường Sở KH&CN Hà giang, Đề tài “Nghiên cứu phân tích bổ sung chỉ tiêu chất lượng sản phẩm chỉ dẫn địa lý cho mật ong bạc hà Cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang”, Mã số: ĐTKH.HG-02/17, do Viện An toàn Thực phẩm (FSI) thuộc Công ty CP Chứng nhận và Giám định VinaCert chủ trì, Trung tâm Kiểm nghiệm thuộc Sở Y tế Hà Giang và Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thuộc Sở KH&CN Hà giang phối hợp thực hiện đã được Hội đồng Khoa học tỉnh Hà Giang đánh giá nghiệm thu đạt kết quả 88/100 điểm, xếp loại Khá.

Hội đồng Khoa học gồm 7 thành viên, do ThS. Phạm Minh Giang, PGĐ Sở KH&CN tỉnh Hà Giang làm Chủ tịch; ThS., DS. Hoàng Thị Chung, PGĐ Sở Y tế làm PCT. 02 Ủy viên phản biện gồm bà Hoàng Thị Chuyển, Trưởng phòng công tác Thanh tra Chi cục ATVSTP và KS Phan Tiến Dũng, Chi cục phó Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng. Các Ủy viên gồm ThS Phùng Thị Hoa, PGĐ Sở Tài chính; ThS Phạm Văn Vinh, Chi cục phó Chi cục QLCL Nông lâm sản và Thủy sản; bà Hà Thị Hằng Nga, Trưởng phòng Quản lý chuyên ngành Sở KH&CN Hà Giang. Thư ký khoa học của Hội đồng là KS. Bùi Đức Hoàng, Trưởng phòng QLKH Sở KH&CN Hà Giang.


Quang cảnh hội nghị nghiệm thu đề tài

Tham gia Hội nghị nghiệm thu còn có đại biểu đại diện các phòng ban của Sở KH&CN tỉnh Hà Giang (đơn vị trực tiếp quản lý đề tài): bà Trần Thu Hà, Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính; Nguyễn Thị Phương, Phó trưởng Phòng Quản lý Khoa học; ông Bùi Duy Hùng, Trung tâm Thông tin và Chuyển giao Công nghệ Mới.

Về phia các tổ chức trực tiếp chủ trì và phối hợp thực hiện đề tài có ông Lê Quang Trung, Phó viện trưởng Viện An toàn thực phẩm; bà Lê Thị Quỳnh, trưởng phòng Kế toán Viện An toàn thực phẩm; bà Nguyễn Thị Thúy Hòa, giám đốc Trung tâm Kiểm nghiệm Hà Giang; bà Kim Bích Nguyệt, Trưởng phòng thử nghiệm Trung tâm Kiểm nghiệm Hà Giang; ông Phan Tiến Dũng, Phó chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Sở KH&CN tỉnh Hà Giang.

Báo cáo trước Hội đồng, TS. Lê Quang Trung, chủ trì đề tài nhấn mạnh: Đề tài đã hoàn thành các mục tiêu KH&CN đã đề ra, bao gồm: Làm rõ hơn tính chất đặc thù của sản phẩm mật ong bạc hà; đưa ra chỉ thị để truy xuất nguồn gốc và đưa ra cơ sở khoa học về giá trị y học của sản phẩm chỉ dẫn địa lý mật ong bạc hà; bổ sung giá trị đặc thù về kháng khuẩn và chống ô xy hóa của mật ong bạc hà vào chỉ tiêu của sản phẩm chỉ dẫn địa lý “Mèo Vạc” cho sản phẩm ong Bạc Hà.

Về quy mô, khối lượng, chất lượng các hạng mục, đề tài đã hoàn thành các nội dung đề ra và đảm bảo tiến độ thực hiện theo thuyết minh đã phê duyệt, cụ thể: Nghiên cứu xác định một số chỉ thị để đánh giá khả năng kháng khuẩn và chống ô xy hóa của mật ong bạc hà; nghiên cứu một số chỉ thị để truy xuất nguồn gốc mật ong bạc hà; xây dựng hồ sơ bổ sung chỉ tiêu chất lượng mật ong bạc hà.

Đề tài “Nghiên cứu phân tích bổ sung chỉ tiêu chất lượng sản phẩm chỉ dẫn địa lý cho mật ong bạc hà Cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang” được Hội đồng Khoa học đánh giá đã đạt đầy đủ các sản phẩm với chất lượng khoa học cao theo Hợp đồng KH&CN số 671/HĐ-SKHCN ký kết giữa Sở KH&CN Hà Giang, Viện ATTP và Công ty VinaCert ngày 17/7/2017, gồm 06 chỉ thị kèm theo qui trình để đánh giá khả năng kháng khuẩn và chống ô xy hóa của mật ong bạc hà; 03 chỉ thị kèm quy trình truy xuất nguồn gốc mật ong bạc hà; quy chuẩn kỹ thuật đối với sản phẩm mật ong bạc hà theo Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa; cơ chế và chính sách quản lý chất lượng mật bạc hà; Hồ sơ khoa học bổ sung chỉ tiêu chất lượng mật ong bạc hà kèm theo Quyết định số 4098/QĐ-SHTT ngày 7/11/2018 của Cục Sở hữu trí tuệ,…

Theo đó, khả năng kháng khuẩn cao của mật bạc hà được xác định dựa trên các chỉ thị: Hàm lượng GO và MGO trong mật bạc hà lần lượt cao hơn so với các loại mật ong khác từ 3,37- 4,81 và 2,20 - 3,46 lần;  Diện tích vòng kháng vi khuẩn Staphylococcus aureus trong mật bạc hà ở nồng độ 50% là 0,89 cm2 và của mật ong rừng (MOR2) với nồng độ 80% hoặc không xác định được hoặc chỉ có 0,04 cm2.

Khả năng chống ô xy hóa thấp của mật ong bạc hà được xác định dựa vào các chỉ thị: Hàm lượng 9 chất chống ô xy hóa của mật bạc hà thấp hơn của mật ong hoa nhãn và mật keo tai tượng từ 2,6 - 3,7 lần; hàm lượng Fe2+ tạo thành của mật bạc hà thấp hơn của mật ong hoa nhãn và mật keo tai tượng từ 4,4 - 6,8 lần; %DPPH đã phản ứng của mật bạc hà thấp hơn của mật ong hoa nhãn và mật keo tai tượng từ 1,6 - 2,1 lần.

Hàm lượng 3-PA, Fe2+ và %DPPH là những chỉ thị được lựa chọn để phân biệt mật bạc hà với mật keo tai tượng nguyên chất và mật bạc hà nguyên chất với mật bạc hà bị pha trộn với mật keo tai tượng ở các tỷ lệ khác nhau. Giá trị khác biệt thấp hơn với tin cậy về thống kê giữa hàm lượng 3-PA, Fe2+ và %DPPH trong mật ong bạc hà so với các loại mật ong khác được sử dụng như các chỉ thị để truy xuất nguồn gốc mật ong bạc hà...

Các thành viên Hội đồng Khoa học tỉnh Hà Giang đã đánh giá cao kết quả của đề tài nghiên cứu đạt yêu cầu, trong đó có một số kết quả đạt cao hơn so với yêu cầu đề ra; đánh giá cao vai trò của chủ trì đề tài trong việc tích cực tham gia các hội thảo, hội thi về sản phẩm mật ong bạc hà do tỉnh Hà Giang tổ chức. Hội đồng nhất trí đánh giá nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài “Nghiên cứu phân tích bổ sung chỉ tiêu chất lượng sản phẩm chỉ dẫn địa lý cho mật ong bạc hà Cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang” đạt loại Khá với tổng điểm là 88/100.

Thanh Hải IRC
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, Tương Mai, Hoàng Mai, Tp. Hà Nội
Điện thoại: 0243.634.1933
Fax: 0243.634.1137
Email: sale@vinacert.vn
Giấy phép đăng ký kinh doanh số:
0102152121
Cấp ngày: 18/11/2022 " cấp lần 5"
Tại Sở KH& Đầu tư TP.Hà Nội.
Bản quyền © 2007 - Thuộc về Công ty CP Chứng nhận và Giám định VinaCert
Đang online: 150
Tổng truy cập: 11413534