Đề xuất sửa đổi Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam (01/04/2025)

Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng và Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam.


Thử nghiệm độc tính thuốc BVTV tại Phòng thử nghiệm của VinaCert.
 

Dự thảo này đề xuất chỉnh sửa một số nội dung của Thông tư số 25/2024/TT-BNNPTNT ngày 16/12/2024 về danh mục thuốc bảo vệ thực vật. Theo đó, danh sách các thuốc bảo vệ thực vật được đăng ký bổ sung bao gồm 290 hoạt chất và 408 tên thương phẩm, cụ thể:

Thuốc trừ sâu: 132 hoạt chất, 190 tên thương phẩm.

Thuốc trừ bệnh: 111 hoạt chất, 136 tên thương phẩm.

Thuốc trừ cỏ: 32 hoạt chất, 61 tên thương phẩm.

Thuốc điều hòa sinh trưởng: 4 hoạt chất, 7 tên thương phẩm.

Thuốc trừ chuột: 5 hoạt chất, 7 tên thương phẩm.

Thuốc trừ ốc: 1 hoạt chất, 2 tên thương phẩm.

Thuốc trừ mối: 3 hoạt chất, 3 tên thương phẩm.

Thuốc khử trùng kho: 1 hoạt chất, 1 tên thương phẩm.

Thuốc bảo quản nông sản: 1 hoạt chất, 1 tên thương phẩm.

Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng theo Thông tư số 25/2024/TT-BNNPTNT không có thay đổi trong lần sửa đổi này.

Tình hình quản lý thuốc bảo vệ thực vật hiện nay

Trước đó, Thông tư số 25/2024/TT-BNNPTNT đã công bố danh mục 1.918 hoạt chất với 4.844 tên thương phẩm, trong đó:

Thuốc trừ sâu: 753 hoạt chất, 1.834 tên thương phẩm.

Thuốc trừ bệnh: 725 hoạt chất, 1.676 tên thương phẩm.

Thuốc trừ cỏ: 273 hoạt chất, 853 tên thương phẩm.

Các loại khác bao gồm thuốc bảo quản lâm sản, thuốc trừ mối, thuốc xử lý hạt giống, thuốc điều hòa sinh trưởng...

Danh mục thuốc cấm sử dụng gồm 31 hoạt chất như 2,4,5-T, Captan, Captafol, Methamidophos, Aldrin, Carbofuran, Chlordane, Methyl Parathion, Parathion Ethyl, BHC, Lindane... Danh mục này không thay đổi so với năm 2023.

Từ năm 2017 đến 2023, Bộ Nông nghiệp và Môi trường (trước đây là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) đã loại bỏ 14 hoạt chất khỏi danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng do ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và môi trường. Những hoạt chất bị loại bỏ bao gồm Carbendazim, Thiophanate Methyl, Benomyl, Paraquat, 2,4-D, Acephate, Diazinon, Malathion, Chlorpyrifos Ethyl, Fipronil, Glyphosate... với tổng số 1.706 tên thương phẩm và 1.265 hàm lượng hoạt chất.

Định hướng phát triển thuốc bảo vệ thực vật

Tháng 12/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã phê duyệt Đề án phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu đến năm 2030:

Tăng tỷ lệ thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong danh mục lên 30% (hiện là 19%).

Tăng tỷ lệ sử dụng thuốc sinh học đạt 30% so với tổng lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng (hiện là 18,49%).

Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cũng đang hợp tác với nhiều đơn vị nhằm hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, thúc đẩy phát triển sản xuất và sử dụng thuốc sinh học. Chương trình này góp phần giảm sử dụng hóa chất, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, hướng tới nền nông nghiệp bền vững.

Lãnh đạo Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, định hướng sắp tới sẽ tiếp tục:

Khuyến khích phát triển thuốc sinh học.

Rà soát, loại bỏ các loại thuốc có nguy cơ cao đối với sức khỏe và môi trường.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong truy xuất nguồn gốc thuốc.

Hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả.

Những điều chỉnh này hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, xanh, bền vững và giảm tác động tiêu cực đến hệ sinh thái.

VinaCert

Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, Tương Mai, Hoàng Mai, Tp. Hà Nội
Điện thoại: 0243.634.1933
Fax: 0243.634.1137
Email: sale@vinacert.vn
Giấy phép đăng ký kinh doanh số:
0102152121
Cấp ngày: 18/11/2022 " cấp lần 5"
Tại Sở KH& Đầu tư TP.Hà Nội.
Bản quyền © 2007 - Thuộc về Công ty CP Chứng nhận và Giám định VinaCert
Đang online: 71
Tổng truy cập: 11788242