Điểm mới của Luật chăn nuôi số 32/2018/QH14 (14/01/2020)

Luật Chăn nuôi số 32/2018/QH14 (Luật) của Quốc hội ban hành ngày 19/11/2018 và có hiệu lực từ 1/1/2020, quy định về hoạt động chăn nuôi; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động chăn nuôi; quản lý Nhà nước về chăn nuôi,...

So với Pháp lệnh về giống vật nuôi 2004 (Pháp lệnh), Luật có nhiều điểm mới: Mở rộng khái niệm giống vật nuôi; Định nghĩa về chăn nuôi; Quy định về đối xử nhân đạo với vật nuôi; Nghiêm cấm bơm nước vào thịt gà, vịt nhằm gian lận thương mại; Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư; Kê khai hoạt động chăn nuôi; Không được để vật nuôi chứng kiến đồng loại bị giết mổ; Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi,… Cụ thể như sau:

Mở rộng khái niệm giống vật nuôi

Theo Pháp lệnh, giống vật nuôi bao gồm các giống gia súc, gia cầm, ong, tằm, động vật thuỷ sản và các sản phẩm giống của chúng như tinh, phôi, trứng giống, ấu trùng và vật liệu di truyền giống.

Luật quy định rộng hơn: Giống vật nuôi là quần thể vật nuôi cùng loài, cùng nguồn gốc, có ngoại hình và cấu trúc di truyền tương tự nhau, được hình thành, củng cố, phát triển do tác động của con người; phải có số lượng bảo đảm để nhân giống và di truyền được những đặc điểm của giống cho thế hệ sau, bao gồm gia súc, gia cầm và động vật khác trong chăn nuôi. Trong đó:

- Gia súc là các loài động vật có vú, có 04 chân được con người thuần hóa và chăn nuôi. Gia cầm là các loài động vật có 02 chân, có lông vũ, thuộc nhóm động vật có cánh được con người thuần hóa và chăn nuôi.

- Động vật khác trong chăn nuôi là động vật ngoài gia súc, gia cầm và ngoài Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, danh mục động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, động vật rừng thông thường, động vật thủy sản, danh mục động vật rừng hoang dã thuộc Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.

Phải kê khai hoạt động chăn nuôi với UBND xã

Khoản 1 Điều 54 Luật chăn nuôi quy định: Tổ chức, cá nhân chăn nuôi phải kê khai hoạt động chăn nuôi với UBND cấp xã. Đây là quy định nhằm kiểm soát quy mô chăn nuôi và có quy hoạch chăn nuôi cụ thể cho từng vùng.

Theo đó, (i) Tổ chức, cá nhân sở hữu đực giống để phối giống trực tiếp nhằm mục đích thương mại phải kê khai đực giống (điểm a khoản 3 Điều 23); (ii) Cơ sở sản xuất, mua bán sản phẩm giống vật nuôi phải kê khai hoạt động chăn nuôi (điểm a khoản 2 Điều 25); (iii) Tổ chức, cá nhân chăn nuôi phải kê khai hoạt động chăn nuôi (điểm a khoản 2 Điều 57).

Tổ chức, cá nhân đã thực hiện kê khai hoạt động chăn nuôi theo quy định sẽ được hỗ trợ thiệt hại, khôi phục sản xuất khi bị thiên tai, dịch bệnh. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT sẽ quy định loại, số lượng vật nuôi phải thực hiện kê khai, thời điểm kê khai và mẫu kê khai hoạt động chăn nuôi.

Nghiêm cấm sử dụng chất, vật chất, bơm nước cưỡng bức vào cơ thể vật nuôi

Thay vì 7 hành vi như trong Pháp lệnh, Điều 12 Luật chăn nuôi quy định 14 hành vi bị nghiêm cấm, trong đó, đáng chú ý:

- Sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi nhằm mục đích kích thích sinh trưởng;

- Sử dụng, đưa chất, vật thể, bơm nước cưỡng bức vào cơ thể vật nuôi, sản phẩm của vật nuôi (trong đó có lợn, gà, vịt,…) nhằm mục đích gian lận thương mại;

- Thông đồng, gian dối trong thử nghiệm, khảo nghiệm, kiểm định, công bố chất lượng, chứng nhận sự phù hợp trong lĩnh vực chăn nuôi;

- Xả thải chất thải chăn nuôi chưa được xử lý hoặc xử lý chưa đạt yêu cầu vào nơi tiếp nhận chất thải theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường…

Đối xử nhân đạo với vật nuôi

Điểm mới nổi bật của Luật so với Pháp lệnh được thể hiện tại Mục 2, Chương V, quy định về việc phải đối xử nhân đạo với vật nuôi.

Theo đó: (i) Tổ chức, cá nhân có hoạt động chăn nuôi phải có chuồng trại, không gian chăn nuôi phù hợp với vật nuôi; Cung cấp đầy đủ thức ăn, nước uống bảo đảm vệ sinh; Phòng bệnh và trị bệnh theo quy định của pháp luật về thú y; Không đánh đập, hành hạ vật nuôi;

(ii) Tổ chức, cá nhân vận chuyển vật nuôi phải sử dụng phương tiện vận chuyển phù hợp, bảo đảm không gian thoáng mát, hạn chế chấn thương, sợ hãi cho vật nuôi; Cung cấp đủ thức ăn, nước uống trên đường vận chuyển;

(iii) Cơ sở giết mổ vật nuôi phải thực hiện các yêu cầu: Có nơi lưu giữ vật nuôi bảo đảm vệ sinh, cung cấp đủ nước uống phù hợp cho vật nuôi trong thời gian chờ giết mổ; Có biện pháp gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ, không để vật nuôi chứng kiến đồng loại bị giết mổ; Có hồ sơ về xuất xứ của vật nuôi bảo đảm truy xuất được nguồn gốc của vật nuôi đưa vào giết mổ.

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Khoản b mục 2 Điều 4 của Luật quy định: Xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học; xử lý môi trường chăn nuôi; phát triển các mô hình thực hành chăn nuôi tốt; di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi;

Điều 12 của Luật quy định: Hành vi chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư; trừ nuôi động vật làm cảnh, nuôi động vật trong phòng thí nghiệm mà không gây ô nhiễm môi trường.

Chuồng nuôi phải tách biệt với nơi ở của người

Pháp lệnh không quy định các điều kiện cụ thể về quy mô chăn nuôi. Điều 52 của Luật quy định các quy mô chăn nuôi gồm: Chăn nuôi trang trại (chăn nuôi trang trại quy mô lớn, quy mô vừa và quy mô nhỏ); Chăn nuôi nông hộ.

Chăn nuôi trang trại phải đáp ứng các điều kiện quy đình tại Điều 55, trong đó có yêu cầu “Tổ chức, cá nhân chăn nuôi trang trại quy mô lớn phải được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi”.

Chăn nuôi nông hộ phải đáp ứng 3 yêu cầu quy định tại Điều 56: (i) Chuồng nuôi phải tách biệt với nơi ở của người; (ii) Định kỳ vệ sinh, khử trùng, tiêu độc chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi; (iii) Có các biện pháp phù hợp để vệ sinh phòng dịch; thu gom, xử lý phân, nước thải chăn nuôi, xác vật nuôi và chất thải chăn nuôi khác theo quy định của pháp luật về thú y, bảo vệ môi trường.

Luật cũng quy định, phải có biện pháp xử lý chất thải, tiếng ồn trong chăn nuôi trang trại và nông hộ; Quản lý sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi;… để từng bước kiểm soát vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, giải quyết vấn đề dịch bệnh, ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi.

Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi

Pháp lệnh đã có đề cập đến việc xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL), hệ thống thông tin tư liệu nguồn gen vật nuôi. Tuy nhiên, đây chỉ là một nội dung nhỏ trong CSDL quốc gia về chăn nuôi. Để xây dựng CSDL quốc gia về chăn nuôi, Điều 11 của Luật quy định, nội dung CSDL quốc gia về chăn nuôi bao gồm:

- CSDL về văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chăn nuôi;

- CSDL về giống vật nuôi, nguồn gen giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi;

- CSDL về cơ sở chăn nuôi, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi;

- CSDL về vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh;

- CSDL khác về chăn nuôi.

Ngày 22/11/2019, Bộ NN&PTNT ban hành Thông tư 20/2019/TT-BNNPTNT quy định về việc cập nhật, khai thác và quản lý CSDL quốc gia về chăn nuôi. Theo đó, CSDL quốc gia về chăn nuôi bao gồm:

- CSDL về văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chăn nuôi;

- CSDL về giống vật nuôi, nguồn gen giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi;

- CSDL về cơ sở chăn nuôi, chế biến, thị trường sản phẩm chăn nuôi;

- CSDL về vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh;

- CSDL khác về chăn nuôi.

Tổ chức (cơ quan hành chính nhà nước), cá nhân (cán bộ, công chức, viên chức) được cấp tài khoản cập nhật CSDL quốc gia về chăn nuôi, trong đó:

- Tổ chức được cấp tài khoản phân công cho cá nhân thuộc tổ chức mình thực hiện việc quản trị, cập nhật, khai thác và quản lý CSDL quốc gia về chăn nuôi theo quy định của pháp luật;

- Cá nhân được cấp tài khoản thực hiện việc bảo mật, quản trị, cập nhật, khai thác, quản lý CSDL và sử dụng tài khoản được cấp theo quy định của pháp luật.

VinaCert

Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, Tương Mai, Hoàng Mai, Tp. Hà Nội
Điện thoại: 0243.634.1933
Fax: 0243.634.1137
Email: sale@vinacert.vn
Giấy phép đăng ký kinh doanh số:
0102152121
Cấp ngày: 18/11/2022 " cấp lần 5"
Tại Sở KH& Đầu tư TP.Hà Nội.
Bản quyền © 2007 - Thuộc về Công ty CP Chứng nhận và Giám định VinaCert
Đang online: 37
Tổng truy cập: 11492625