Định hướng phát triển vì quyền lợi của Người lao động, vì sự phát triển bền vững (29/07/2020)

Cuộc thi “Viết về những yếu kém trong hoạt động của VinaCert giai đoạn 2017-2020” đã khép lại với rất nhiều bài dự thi có chất lượng, tâm huyết vì sự phát triển bền vững của VinaCert. Văn phòng xin dẫn đăng bài dự thi đoạt giải Ba của tác giả có mã số VICB.65

Lời tác giả:

Viết về những yếu kém trong hoạt động của bất kỳ đơn vị hay cá nhân nào là một việc rất khó, rất nhạy cảm. Đơn giản là vì “Nói thật dễ mất lòng”. Viết về những yếu kém của VinaCert trong cả một giai đoạn (2017- 2020) lại càng khó hơn do hoạt động của VinaCert là đa ngành, đa lĩnh vực trong khi hiểu biết của cá nhân thì rất hữu hạn.

Cho dù vậy, việc Hội đồng Quản trị phát động cuộc thi: “Viết về những yếu kém trong hoạt động của VinaCert giai đoạn 2017- 2020” nhân dịp kỷ niệm 15 năm thành lập là một việc làm rất cần thiết, thể hiện sự cầu thị của Chủ tịch HĐQT và Ban lãnh đạo Công ty. Tuy nhiên, để cuộc thi thực sự có hiệu quả rất cần một tinh thần xây dựng, nói thẳng, nói thật, không né tránh, nể nang. Có như vậy mới mang lại kết quả thực chất và không mang tính hình thức.

Với suy nghĩ đó, tôi mạnh dạn viết ra đây những sự việc tôi quan sát và cảm nhận được. Có thể những sự việc này chưa thật chuẩn xác, nhưng với tư duy: Yếu kém đến đâu khắc phục đến đó, sai đâu sửa đó, tôi vẫn mong muốn góp thêm một tiếng nói xây dựng vì sự ổn định và phát triển của Công ty.

Tự hào về truyền thống của VinaCert, tôi có niềm tin rằng cuộc thi “Viết về những yếu kém trong hoạt động của VinaCert giai đoạn 2017-2020” sẽ thu được kết quả tốt đẹp và thông qua đó, Ban lãnh đạo Công ty có thể sẽ rút ra những điều hữu ích trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành Công ty.

Một số yếu kém trong hoạt động của VinaCert giai đoạn 2017 đến 2020

1. Về công tác nhân sự

Có một nhận xét là nhân sự của VinaCert luôn luôn có sự biến động theo hướng bất lợi. Một số cán bộ, nhân viên quen việc, một số thử nghiệm viên sau một thời gian rèn luyện, có tay nghề tốt đã rời khỏi VinaCert để đầu quân cho các công ty khác.

Lý do và nguyên nhân của sự biến động thì có nhiều nhưng tựu chung lại vẫn do người lao động chưa gắn bó lâu dài với Công ty. Đành rằng đó là quy luật, nhưng vẫn còn đó một nỗi băn khoăn, trăn trở rằng: Phải chăng VinaCert là một bến đậu để các nhân viên, các thử nghiệm viên rèn luyện kỹ năng làm việc, nâng cao tay nghề, chờ cơ hội để tiến thân ở những bến bờ mới? Phải chăng VinaCert là nơi đào tạo miễn phí nhân lực có chất lượng cao cho các cơ sở khác? Phải chăng ở VinaCert đang xảy ra sự lãng phí nhân sự có chất lượng? Trong tất cả các loại lãng phí thì lãng phí nhân sự có chất lượng cao là sự lãng phí lớn nhất, gây thiệt hại nhiều nhất cho Công ty.

Tuy rằng, số người rời khỏi VinaCert không quá nhiều nhưng chắc chắn đã gây ra những khó khăn, xáo trộn nhất định trong việc triển khai thực hiện công việc và ít nhiều ảnh hưởng đến tư tưởng của những người ở lại. Cũng do có những sự biến động về nhân sự nên việc tìm kiếm và đề bạt nhân sự vào những vị trí chủ chốt là một vấn đề nan giải!

Phải chăng quy hoạch lâu dài về công tác cán bộ và nhân sự của Công ty chưa đủ hấp dẫn để thu hút người lao động?

Để giải quyết vấn đề này, ban lãnh đạo VinaCert cần có những cơ chế  và chính sách hiệu quả hơn trong việc tuyển chọn và giữ chân những người lao động có tâm huyết, có chuyên môn tốt, có kỹ năng làm việc chuyên nghiệp ở lại, làm việc và gắn bó lâu dài vì sự ổn định và phát triển của VinaCert.

Muốn thu hút được lực lượng lao động có chất lượng, lãnh đạo phải tạo ra các điều kiện thích hợp trong môi trường lao động của họ để người lao động phát huy hết khả năng của mình, bởi trong thực tế, đã có những người không thực sự tài năng nhưng khi được tạo mọi điều kiện đã trở thành những lao động giỏi.

Người xưa có câu: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí mạnh thì đất nước mạnh”. Suy rộng ra, lực lượng lao động mạnh thì công ty mạnh. Hiền tài thì ở đâu cũng có, thời nào cũng có nhưng chỉ những người thực sự có tâm, có tài mới biết cách nhận ra và trọng dụng hiền tài. Chỉ những doanh nghiệp trong hoạt động thực tiễn của mình tạo ra giá trị đích thực cho xã hội, chỉ những chủ doanh nghiệp có những quyết sách đột phá mới có khả năng tạo ra những cộng sự, những người lao động tiên tiến, xuất sắc cho doanh nghiệp mình.

Cơ chế, chính sách đối với người lao động có vai trò quan trọng nhưng tấm lòng của người sử dụng lao động mới là nhân tố thu hút mạnh mẽ nhất đối với người lao động. Rất may yếu tố này đã sẵn có trong lãnh đạo của VinaCert.

2.  Lực lượng lao động trẻ ở VinaCer chưa nhận thức được vị thế, vai trò, nghĩa vụ và quyền lợi của mình

Có thể nói rằng đội ngũ lao động trẻ với trên 80% có trình độ đại học và trên đại học là lực lượng lao động chủ lực của VinaCert. Nhưng có một thực tế là phần đông (nếu không muốn nói là hầu hết) các bạn trẻ chưa ý thức được vị thế quan trọng, nghĩa vụ và quyền lợi của mình trong Công ty.

VinaCert là một công ty cổ phần, có lẽ vì thế không ít người cho rằng nếu không phải là cổ đông, không nắm giữ cổ phần đồng nghĩa với việc người lao động chỉ là người làm công ăn lương? Vì thế, dường như trong suy nghĩ và hành động của mình, họ đang ứng xử với tâm thế của một người làm thuê.

Trong những dịp hội họp tập thể ở VinaCert, rất hiếm khi Người lao động có những ý kiến góp ý với Người sử dụng lao động để xây dựng Công ty. Làm việc VinaCert nhưng đã có mấy người yêu nghề, có trách nhiệm với nghề nghiệp mình đã chọn hay đơn giản chỉ là chọn một công việc để có đồng lương nuôi sống bản thân và gia đình? Đã mấy người hiểu rằng năng suất, chất lượng, hiệu quả của công việc hàng ngày là lợi ích thiết thân của người lao động.

Từ tư duy sai lầm đó dẫn đến việc không gắn bó với Công ty, đứng núi nọ trông núi kia, thiếu trách nhiệm với công việc hàng ngày và thiếu trách nhiệm cả với những người đã bỏ công sức và tiền bạc để đầu tư, mua sắm trang thiết bị, xây dựng cơ sở vật chất, tạo công ăn việc làm cho người lao động.

Một chủ doanh nghiệp giỏi, một công ty làm ăn phát đạt muốn phát triển bền vững bao giờ cũng rất cần một đội ngũ những người lao động tinh thông nghề nghiệp, đam mê với công việc, luôn tìm cách đổi mới sáng tạo và gắn bó lâu dài. Đó là môi trường rất tốt để lực lượng lao động trẻ tự khẳng định vai trò và vị thế của mình. VinaCert là một môi trường như thế, việc còn lại là chúng ta suy nghĩ và hành động thế nào để tự khẳng định vị thế của mình.

Có một câu nói rất đáng để suy ngẫm: “Mọi người sẽ không bao giờ ngó ngàng đến lòng tự trọng của bạn, điều mà họ quan tâm chính là thành tựu mà bạn đạt được”.

3. Về việc tự học tập, tự nghiên cứu, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật

VinaCert, hệ thống các phòng thử nghiệm có vai trò rất quan trọng và là xương sống trong hoạt động chứng nhận và giám định. Để thực hiện tốt vai trò này việc tự học tập để không ngừng vươn lên có ý nghĩa quyết định.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Sự học ở trên đời là sự tự học”, Lê nin cũng từng nói “Học, học nữa, học mãi”,… Nhưng với tuổi trẻ của VinaCert, hình như sự tự học không được coi trọng đúng mức. Các biểu hiện thiếu trách nhiệm với nghề nghiệp, thiếu tác phong tìm tòi, nghiên cứu, không có ý thức tự học… đã và đang làm thui chột nghị lực và ý chí vươn lên của tuổi trẻ.

Nếu được hỏi “Bạn đánh giá thế nào về tinh thần tự học tập, tự nghiên cứu, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong hoạt động chuyên môn của các thử nghiệm viên?”, Câu trả lời sẽ là rất thiếu và rất yếu.

Sự thiếu và yếu này không chỉ thể hiện ở nhóm các thử nghiệm viên đang làm việc theo kiểu thực hiện đúng từng bước quy định trong các SOP (đã lập trình sẵn, nhiều khi không hiểu rõ cơ chế, ý nghĩa của việc mình làm) mà ngay cả với các tổ trưởng chuyên môn và những người đã từng xây dựng, triển khai phương pháp. Điều rất dễ nhận thấy ở họ là hiếm khi có sự tự tìm tòi, nghiên cứu, cải tiến kỹ thuật trong công việc hàng ngày của mình. Rất ít thử nghiệm viên có thói quen đọc, tham khảo các tài liệu liên quan đến chuyên môn thử nghiệm. Kể cả việc đọc và tham khảo tạp chí “Thử  nghiệm Ngày nay” đang sẵn có.

Vì sự thiếu hụt các kiến thức cơ bản về chuyên môn do chất lượng tuyển dụng đầu vào chưa cao và việc không có kỹ năng làm việc độc lập, nên khi xảy ra các sự cố về kỹ thuật (ví dụ kết quả thử nghiệm không ổn định) thì rất lúng túng trong việc tìm các nguyên nhân và đề ra các biện pháp khắc phục.

Cũng vì đó mà qua nhiều năm, những sáng kiến, cải tiến trong lĩnh vực thử nghiệm hầu như không có. Nguyên nhân là do áp lực của việc hoàn thành công việc hay còn do nguyên nhân nào khác? Phải chăng chúng ta đang tự phủ nhận vai trò, vị thế của chính mình trong Công ty. Cần nhớ rằng, chất lượng của VinaCert, giá trị thương hiệu của VinaCert được tạo ra bởi chính người lao động chúng ta và chúng ta phải có trách nhiệm duy trì, phát triển thương hiệu đó ngày càng mạnh.

Trong thời đại công nghệ 4.0, xu thế hội nhập khu vực và thế giới đang rất mạnh mẽ hiện nay, nếu không tự học tập, không tự vươn lên chúng ta sẽ không đủ năng lực làm việc và chắc chắn sẽ bị bỏ lại phía sau.

Việc tự học của mỗi người chưa bao giờ là quá muộn. Chưa bao giờ là quá già để đặt ra mục tiêu và mơ ước của mình. Tuy nhiên, trong cuộc sống bộn bề và nhiều áp lực như hiện nay, việc tự học sẽ gặp không ít khó khăn, vất vả.

Thực tế chỉ ra rằng, đã có rất nhiều người vươn lên và thành công từ gian khó. Người lạc quan nhìn thấy cơ hội trong mọi khó khăn là như vậy. Rất đúng khi có ai đó đã nói: “Tương lai thuộc về người biết hôm nay mình phải làm gì?”.

Với truyền thống xung kích của tuổi trẻ, nên chăng Đoàn thanh niên cần phát động phong trào đọc sách, tự học tập, tự nghiên cứu và lan tỏa hiệu ứng này trong toàn Công ty?

4. Việc triển khai dịch vụ thử nghiệm còn chậm, thiếu quyết liệt

Lãnh đạo Công ty đã dự đoán và nắm bắt rất chính xác, rất kịp thời nhu cầu ngày càng tăng cao của một số dịch vụ thử nghiệm, tuy nhiên việc triển khai quá chậm và thiếu quyết liệt. Kết quả đạt được sau hơn 01 năm triển khai còn rất khiêm tốn.

Khó khăn của VinaCert khi triển khai dịch vụ thử nghiệm mới trong bối cảnh không những thiếu đội ngũ kỹ thuật viên được đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực này mà còn thiếu cả trang thiết bị, máy móc chuyên ngành.

Đứng trước vạch xuất phát đó, chúng ta vừa phải đào tạo chuyên môn cho kỹ thuật viên vừa phải mua sắm trang thiết bị, máy móc phục vụ cho lĩnh vực thử nghiệm này. Vì vậy, rất cần sự tư vấn của chuyên gia trong lĩnh vực này.

Với sự đầu tư mạnh tay rất kịp thời của lãnh đạo Công ty, với quyết tâm của những người thực hiện có thể tin tưởng rằng, bước tiếp theo của dịch vụ thử nghiệm mới mà VinaCert đang triển khai sẽ sớm được khởi động. 

5. Hoạt động của Hội đồng cố vấn chưa đáp ứng được yêu cầu và sự kỳ vọng của lãnh đạo Công ty  

5.1.  Về chức năng tư vấn

- Theo Quy chế về tổ chức và hoạt động của Hội đồng cố vấn (HĐCV), ngoài chức năng bảo đảm tính khách quan trong hoạt động chứng nhận phù hợp với các yêu cầu của ISO/IEC 17021; ISO/TS 22003; ISO/IEC 17065, thì HĐCV còn có chức năng tư vấn cho Chủ tịch Hội đồng quản trị về “Chiến lược phát triển hoạt động chứng nhận”. Tuy nhiên, trước những biến động và các thay đổi về chính sách, cơ chế quản lý của Nhà nước trong hoạt động chứng nhận, HĐCV chưa đề xuất được giải pháp có tính khả thi giúp lãnh đạo Công ty vượt qua những khó khăn, biến động này.

Ví dụ: Chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy theo Thông tư 34/2018/TT- BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư 35/2018/TT- BNNPTN ngày 25/12/2018 của Bộ NN&PTNT có những thay đổi cơ chế quản lý về Kiểm dịch động vật, Kiểm dịch thực vật, đây là những thay đổi có ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của VinaCert, nhưng HĐCV chưa đề xuất được những giải pháp có tính khả thi để ứng phó với những quy định mới này theo hướng trong “nguy” có “cơ”.

- HĐCV chưa làm tốt nhiệm vụ đề xuất chính sách chiến lược nhằm thúc đẩy hoạt động chứng nhận của VinaCert.

5.2.   Về hoạt động witness

 - Hoạt động witness của các thành viên HĐCV chưa thực sự có hiệu quả. Các báo cáo giám sát hoạt động chứng nhận chưa đề xuất được những việc cần cải tiến, cần thay đổi nhằm mục đích bảo đảm tính công tâm, công bằng, độc lập, khách quan và công khai trong các hoạt động chứng nhận của VinaCert. Vì thế chưa giúp được nhiều cho việc nâng cao chất lượng của hoạt động đánh giá nhằm gia tăng giá trị chứng nhận của VinaCert.

- Kết luận của một số ít thành viên HĐCV về các sai sót trong hoạt động của chuyên gia và Phòng Chứng nhận (trong một số trường hợp) còn thiếu khách quan, thiếu thuyết phục, không đúng với bản chất sự việc nên gây ra bức xúc không đáng có.

Để nâng cao vai trò tư vấn của HĐCV rất cần những chuyên gia có đủ Tâm và Tầm về chiến lược phát triển cho hoạt động chứng nhận của VinaCert. Vì vậy, cần liên tục tuyển chọn và bổ sung các chuyên gia có tâm huyết, có đủ năng lực chuyên môn, kỹ thuật cần thiết trong các lĩnh vực đang chứng nhận và sẽ mở rộng. Tuyệt đối không cử những người không đúng chuyên môn, không nắm vững lĩnh vực chứng nhận tham gia đánh giá giám sát. Ngoài ra, sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của lãnh đạo Công ty sẽ là động lực mạnh mẽ thúc đẩy các hoạt động của HĐCV có hiệu quả hơn.

6. Việc phát hành Tạp chí “Thử nghiệm ngày nay”

“Thử nghiệm ngày nay” là Tạp chí của Hội các Phòng thử nghiệm Việt Nam (VinaLAB) và VinaCert là Hội viên có nhiều đóng góp, hỗ trợ hoạt động của Tạp chí. Đây cũng là ấn phẩm có rất nhiều thông tin bổ ích đối với lĩnh vực thử nghiệm. Nếu chỉ tính riêng việc phát hành tạp chí trong nội bộ hội thì con số cũng đã khá nhiều. Tuy nhiên, công tác phát hành tạp chí tại các đơn vị Hội viên còn nhiều bất cập. Ngay tại VinaCert, Tạp chí “Thử nghiệm ngày nay” gần như vắng bóng tại các phòng thử nghiệm. Số người làm thử nghiệm đọc và viết bài cộng tác cho tạp chí còn rất ít.

Kết luận

Chỉ đạo, điều hành một công ty làm dịch vụ Chứng nhận và Giám định hoạt động theo Luật doanh nghiệp nhất là trong cơ chế thị trường luôn luôn có sự biến động, thay đổi về chính sách và cơ chế quản lý Nhà nước như hiện nay là một việc vô cùng khó. Nhận diện đúng và khắc phục tốt những mặt còn hạn chế, yếu kém để rút ra những kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành là rất cần thiết cho sự ổn định và phát triển của VinaCert.

Rất mong Ban lãnh đạo Công ty có những đổi mới, cùng những quyết sách mạnh mẽ, đúng đắn mang tính đột phá trong chỉ đạo, điều hành và định hướng phát triển vì quyền lợi của người lao động, vì sự phát triển bền vững của Công ty Cổ phần Chứng nhận và Giám định VinaCert./.

VP VinaCert

Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, Tương Mai, Hoàng Mai, Tp. Hà Nội
Điện thoại: 0243.634.1933
Fax: 0243.634.1137
Email: sale@vinacert.vn
Giấy phép đăng ký kinh doanh số:
0102152121
Cấp ngày: 18/11/2022 " cấp lần 5"
Tại Sở KH& Đầu tư TP.Hà Nội.
Bản quyền © 2007 - Thuộc về Công ty CP Chứng nhận và Giám định VinaCert
Đang online: 80
Tổng truy cập: 11283811