Theo các chuyên gia tư vấn, đây là vấn đề chính mà các chủ doanh nghiệp, giám đốc doanh nghiệp Việt Nam cần mạnh dạn nhìn vào điểm yếu của mình. Việc thực hiện ISO 9001 không phải đòi hỏi quy trình công nghệ hiện đại và nhân sự trình độ cao mà việc xây dựng ISO 9001 trong doanh nghiệp sẽ phù hợp với tình hình hiện tại của doanh nghiệp.
Nguyên nhân thứ nhất được các chuyên gia tư vấn đưa ra, đó chính là sự quyết tâm, đầu tư thời gian và công sức của Ban lãnh đạo doanh nghiệp trong việc thực hiện áp dụng ISO 9001.
Quá trình áp dụng ISO 9001 sẽ là cơ hội để ban lãnh đạo doanh nghiệp hệ thống lại những công việc quản lý trong những thời gian qua, những công việc nào đã thực hiện tốt thì sẽ tiêu chuẩn hoá – soạn thành những quy trình, quy định, hướng dẫn công việc, với những công việc chưa hiệu quả hoặc có vấn đề thì Ban lãnh đạo sẽ cùng các bộ phận xem xét lại và tìm ra hướng thực hiện được hiệu quả hơn… để làm được những công việc này đòi hỏi Ban lãnh đạo thực sự đầu tư công sức và thời gian chứ không thể uỷ thác cho một nhân viên nào.
Đối với các doanh nghiệp nước ngoài thì thực trạng trước khi áp dụng ISO 9001 đã được quản lý tương đối bài bản có nền tảng và các hoạt động đã được bố trí, sắp xếp khoa họp hợp lý, việc xây dựng áp dụng ISO 9001 chỉ giúp cho họ quản lý tốt hơn và thông qua các cuộc đánh giá từ bên ngoài thì họ càng hoàn thiện hơn chứ không phải để giải quyết quá nhiều vấn đề chưa hợp lý trong quá trình hoạt động.
Nguyên nhân thứ hai của vấn đề đó là văn hoá doanh nghiệp hay tinh thần làm việc, tinh thần trách nhiệm của mọi người, vấn đề này không phải dành hết cho các doanh nghiệp của Việt Nam mà số đông những doanh nghiệp đều gặp chung thực trạng cho rằng lúc nào cũng bận rộn từ lãnh đạo cho đến những nhân viên tác nghiệp.
“Chúng ta thử nghĩ xem chắc chỉ khi nào công ty không có đơn hàng, không có khách hàng thì lúc đó chúng ta mới rảnh vậy khi đó thì cần làm ISO 9001 làm gì nữa… để một doanh nghiệp tồn tại và phát triển đòi hỏi tất cả mọi người phải có sự quyết tâm, nỗ lực vì doanh nghiệp thì mới tạo ra được được những bước đột phá. Khi được nghe nói đến những doanh nghiệp của Việt Nam thành công thì hầu như ai trong đó đều tự hào về những ngày đóng góp miệt mài và bền bỉ đối với doanh nghiệp… Trong mỗi chúng ta cũng thực sự xem xét lại mình xem có phải những công việc chúng ta chưa làm hoặc làm chưa hiệu quả có phải hoàn toàn do bận rộn hay không hay do việc quản lý thời gian làm việc của chúng ta chưa hợp lý, chưa có kế hoạch, tinh thần của chúng ta chưa cao…”, chuyên gia tư vấn đặt vấn đề.
Dẫu biết rằng việc xem xét lại quá trình công việc, hệ thống lại, cải tiến là việc không nhỏ mà lại phải diễn ra song song cùng với các công việc tác nghiệp hàng ngày vì vậy càng đòi hỏi chúng ta phải sắp xếp công việc hợp lý và trên hết là tinh thần và trách nhiệm cao trong việc cải tiến hoạt động quản lý nói chung và áp dụng ISO 9001 nói riêng.
Một trong những điểm thuận lợi của các doanh nghiệp nước ngoài là tinh thần trách nhiệm rất cao từ cấp quản lý cho đến nhân viên đều thực hiện tốt kế hoạch công việc, vấn đề là chính những đội ngũ này thì phần đông vẫn là những người Việt Nam, điều này càng cho thấy tầm quan trọng của lãnh đạo để tạo được văn hoá doanh nghiệp, tinh thần làm việc của mọi người…
Trên đây chỉ là hai vấn đề nổi trội nhưng đã cho thấy có những sự khác biệt lớn ảnh hưởng đến việc áp dụng ISO 9001. Kinh nghiệm cho thấy doanh nghiệp của nước ngoài với hơn 1000 công nhân mà áp dụng ISO 9001 trong thời gian 5 tháng, trong khi đó có nhiều doanh nghiệp Việt Nam với quy mô rất nhỏ khoảng 30 người, quá trình xây dựng, vận hành ISO 9001 hơn một năm chật vật mới xong. “Ngoài ra, ngay chúng tôi cũng thấy công sức bỏ ra để tư vấn cho doanh nghiệp nước ngoài lại ít hơn đối với doanh nghiệp của Việt Nam”, chuyên gia tư vấn cho biết.
vietq.vn