Dưới đây là nội dung cuộc trò chuyện:
Ông đã từng tới những nước nào để nghiên cứu và làm dự án về cây trồng an toàn?
Tôi đã từng tới Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia và giờ là Việt Nam. GAP là xu hướng toàn cầu, tiêu chuẩn VietGAP được áp dụng theo tiêu chí của GAP Châu Á. Ở các nước Đông Nam Á thì có một số đặc điểm giống nhau nhưng tất nhiên, mỗi nước nằm ở một mức độ khác nhau về vấn đề cây trồng an toàn.
GAP là xu hướng toàn cầu
Ở Nhật Bản, các cơ quan quản lý có phương thức gì để phổ biến GAP đến người tiêu dùng?
Chính phủ Nhật Bản có nhiều cách phổ biến GAP khác nhau. Chúng tôi dựa vào những đặc điểm của từng vùng, từng địa phương, mỗi vùng như vậy thì lại có một tiêu chuẩn GAP khác nhau.
Nông dân và người tiêu dùng từng vùng hiểu được những đặc tính về thổ nhưỡng, trồng trọt của vùng đó, qua đó, họ hiểu rõ những gì là đúng, phù hợp với họ. Như vậy, chúng tôi dễ dàng tiếp cận được với người SX và người tiêu dùng hơn.
Sau thảm họa sóng thần ở Nhật Bản, thì thực phẩm, trong đó có cây trồng luôn bị hồ nghi nhiễm phóng xạ. Ông có thể nói qua, Nhật Bản đã làm thế nào để khiến người tiêu dùng tin vào rau, các loại hoa quả là những thực phẩm an toàn trong thời gian qua?
Chúng tôi cung cấp tất cả các thông tin, số liệu về các loại thực phẩm được đưa vào SX hay đưa ra thị trường. Có thể nói, ở Nhật Bản thì thông tin về thực phẩm là quan trọng nhất, người tiêu dùng có thể nhìn vào đó và lựa chọn, mọi thông tin đầy đủ và minh bạch là cách tạo niềm tin ở người tiêu dùng.
Trên thực tế, VN đang gặp khó khăn khi rau quả được đưa ra thị trường, người tiêu dùng không tin tưởng về mức độ an toàn của thực phẩm. Chắc ông cũng hiểu vấn đề này khi làm việc ở VN?
Tôi nghĩ, chúng ta phải tìm hiểu lý do tại sao người tiêu dùng không có niềm tin, từ đó, chúng ta mới giải quyết được thách thức này. Ý kiến của riêng tôi, thì chúng ta đang cung cấp thiếu thông tin cho người tiêu dùng.
Ví dụ như tôi và bạn nói chuyện “mặt đối mặt” thế này, chúng ta có hết mọi thông tin, mọi thắc mắc đều được giải quyết nhưng nếu không trực tiếp đối thoại thì chúng ta phải chủ động cung cấp thông tin khoa học, thiết thực và đầy đủ hơn cho người tiêu dùng.
“Đối thoại trực tiếp” có phải là cách thức hữu hiệu nhất tại Nhật Bản?
Không phải hữu hiệu nhất nhưng là một cách thức tốt vì nó giúp chúng tôi gần gũi, trực tiếp giải quyết mọi vấn đề. Cách khác mà chúng tôi đang làm rất tốt, đó là tuyên truyền để cung cấp thông tin, tôi vẫn nghĩ, đó là cách chúng ta cần làm.
Xin cảm ơn ông!
Trọng Nguyễn
Theo Nông nghiệp Việt Nam