Bước tiến dài của thử nghiệm Việt Nam
Trong khoảng 15 năm trở lại đây, hoạt động thử nghiệm của Việt Nam phát triển được một bước dài đáng ghi nhận với sự đa dạng hóa hệ thống phòng thử nghiệm ở nhiều lĩnh vực và mức đầu tư ước tính đến vài ngàn tỷ đồng cho các thiết bị khoa học.
Quay lại 20 năm trước, số các thiết bị khoa học quý và hiếm tại các phòng thử nghiệm trên toàn quốc chỉ có thể đếm được trên đầu ngón tay thì nay khó có thể thống kê đầy đủ các chủng loại, số lượng thiết bị đã được trang bị tại các phòng thử nghiệm. Những thiết bị đáng giá vài tỷ đồng cũng bắt đầu trở nên phổ biến ở nhiều phòng thử nghiệm, kể cả khu vực tư nhân, như Phòng thử nghiệm của Công ty Cổ phần Chứng nhận và Giám định VinaCert, Tập đoàn chứng nhận VinaControl… Nếu trước đây, mỗi phòng thử nghiệm chỉ được đầu tư khoảng vài chục triệu đồng thì nay đa số các phòng thử nghiệm được đầu tư tới 50-70 tỷ đồng, cá biệt có những phòng thử nghiệm được đầu tư cả trăm tỷ đồng. Nhiều thương hiệu nổi tiếng về máy móc thiết bị thử nghiệm như SHIMADZU, BRUKER, JEOL… đã xuất hiện ngày càng nhiều ở các phòng thử nghiệm của Việt Nam
Nhờ sự phát triển của công nghệ thông tin, cán bộ thử nghiệm ngày càng được nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức. Các tổ chức chứng nhận cũng như các trung tâm, viện, trường… đều quan tâm đến công tác đào tạo quản lý và cán bộ phòng thử nghiệm. Nhiều phòng thử nghiệm đã áp dụng hệ thống quản lý theo chuẩn mực quốc tế, hơn 160 phòng thử nghiệm được VILAS công nhận theo tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC 17025, GLP… và hơn 350 phòng thử nghiệm được công nhận tiêu chuẩn LAS-XD. Chất lượng thử nghiệm cũng có nhiều tiến bộ, kết quả kiểm tra kỹ năng qua chương trình thử nghiệm thành thạo cho thấy số phòng thử nghiệm có kết quả tốt đạt tỷ lệ khá cao.
Số phòng thử nghiệm được công nhận tăng rất nhanh. Nếu như năm 2004 mới chỉ có 163 phòng thử nghiệm được công nhận thì đến năm 2009 đã có khoảng 316 phòng và hiện nay là 600 phòng thử nghiệm trải khắp các lĩnh vực như hóa, dược, cơ, điện - điện tử, sinh học, vật liệu xây dựng, đo lường - hiệu chuẩn và không phá hủy… được công nhận.
…nhưng chưa đủ mạnh
Hiện thế giới đang hướng tới một cơ chế quản lý, một tiêu chuẩn, một lần kiểm tra, một chứng chỉ và được chấp nhận ở mọi nơi. Vì vậy, dù đã phát triển vượt bậc so với 10-20 năm trước đây nhưng hoạt động thử nghiệm của Việt Nam liệu đã đủ sức đáp ứng được mục tiêu của thế giới đặt ra như trên hay chưa, trong khi còn nhiều vướng mắc chưa được tháo gỡ?
Trước hết, số lượng phòng thử nghiệm được công nhận hiện mới chỉ đạt khoảng 10% tổng số phòng thí nghiệm của cả nước do thiếu quy hoạch tổng thể. Hiện các phòng thử nghiệm trong lĩnh vực hóa học được công nhận chiếm tỷ lệ cao nhất (51%) và thấp nhất là lĩnh vực thử nghiệm không phá hủy (khoảng 2%). Năng lực thử nghiệm đa số mới chỉ dừng ở các chỉ tiêu thông thường, ít có khả năng xác định các chỉ tiêu phức tạp phục vụ nhu cầu xem xét tính an toàn thực phẩm, độc tố, dư lượng thuốc kháng sinh… Các phòng thử nghiệm được công nhận phân bố không đều, chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn và địa phương có công nghiệp phát triển. Nhiều địa phương, nhất là khu vực Tây Bắc, Đông Bắc chưa có phòng thử nghiệm được công nhận.
Quy trình, tiêu chí đánh giá, công nhận phòng thử nghiệm chưa được thống nhất ở nhiều bộ, ngành, thậm chí còn chưa tuân thủ hoàn toàn theo yêu cầu của tiêu chuẩn ISO/IEC 17025. Quy trình đánh giá của một số tổ chức chứng nhận còn khá khác nhau trong từng bước của quá trình đánh giá. Thiết bị của các phòng thử nghiệm được đầu tư không đồng bộ, thiếu định hướng lâu dài, tản mạn, chắp vá. Do thiếu hợp tác giữa các phòng thử nghiệm nên dễ dấn đến yêu cầu ngân sách Nhà nước chi mua các thiết bị trùng nhau, không khai thác hết công suất và tính năng của các thiết bị đã đầu tư. Tình trạng hiệu chuẩn thiết bị chưa được đảm bảo theo quy định dẫn đến hiện tượng một mẫu thử nhưng cho kết quả khác nhau ở các phòng thử nghiệm khác nhau.
Bên cạnh đó, lãnh đạo các cấp, cơ quan quản lý bộ, ngành chưa thực sự quan tâm đúng mức đến phát triển hoạt động thử nghiệm, nhiều nơi còn chưa coi hoạt động thử nghiệm là điều kiện cần để chỉ định và sử dụng trong quá trình thanh tra, kiểm tra, vì vậy chưa tạo mọi nguồn lực cần thiết để phòng thử nghiệm đủ điều kiện được công nhận. Cũng do hoạt động đánh giá, công nhận chưa có được mối quan hệ mật thiết, chặt chẽ trong công tác quản lý Nhà nước nên hoạt động thử nghiệm cũng bị mờ nhạt theo.
Hiện mới chỉ có khoảng 4% phòng thử nghiệm có đầu tư vốn nước ngoài, 13% vốn khu vực tư nhân và khoảng, 9% khu vực các viện, trường đại học; các phòng thử nghiệm thuộc cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước chiếm tới hơn 73% song hiệu quả thử nghiệm chưa thực sự đáp ứng nhu cầu của thực tế sản xuất. Điều này cho thấy công tác quản lý, sử dụng vốn ngân sách cho hoạt động thử nghiệm cũng như cơ chế huy động các nguồn vốn đầu tư theo hướng xã hội hóa còn nhiều vướng mắc, lúng túng. Vì vậy dẫn đến tình trạng nguồn vốn ít ỏi từ ngân sách Nhà nước bị sử dụng kém hiệu quả, lãng phí trong khi nguồn vốn dồi dào khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài lại chưa thu hút được bởi còn thiếu cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện để xây dựng và phát triển các phòng thử nghiệm.
Bứt phá để kiện toàn
Đây là yêu cầu tiên quyết trong công cuộc hội nhập chất lượng sản phẩm hàng hóa của nước ta. Trước bộn bề khó khăn, có lẽ phải tạo sự bứt phá đầu tiên ở sự nhận thức, nhất là đối với lãnh đạo các cấp trong nhiều lĩnh vực ngành, hàng về tầm quan trọng của công tác thử nghiệm trong quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, sự gắn kết chặt chẽ giữa hoạt động này với công tác quản lý Nhà nước và với hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tiếp theo, cần phải có quy hoạch tổng thể, ưu tiên theo thứ tự lĩnh vực từ phục vụ đảm bảo sức khỏe và an toàn, bảo vệ môi trường sinh thái, các hoạt động pháp lý và quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu. Có nguồn lực để triển khai hiệu quả quy hoạch này, đầu tư đúng mức, chính xác và tập trung nhằm đảm bảo cho hệ thống thử nghiệm của Việt Nam hoạt động được hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu của mọi lĩnh vực. Tăng cường xã hội hóa hoạt động thử nghiệm bằng nhiều cơ chế khuyến khích hấp dẫn, ổn định và phù hợp với từng lĩnh vực. Đẩy mạnh quá trình hội nhập khu vực và quốc tế trong lĩnh vực đánh giá và công nhận chất lượng phòng thử nghiệm.
Đào Lệ Hằng