Theo Tổng cục thuỷ sản và đại diện Chi cục thuỷ sản các tỉnh ĐBSCL, đến ngày 19/07/2015, luỹ kế diện tích nuôi thả mới cá tra là 2.204 ha, sản lượng đạt 567.018 tấn (tăng 0.24% so với cùng kỳ năm 2014), năng suất trung bình đạt khoảng 280 tấn/ha.
Số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra 6 tháng đầu năm 2015 đạt gần 750 triệu USD, giảm 9,03% so với cùng kỳ năm 2014.
Nguyên nhân kim ngạch xuất khẩu giảm theo các doanh nghiệp đưa ra là: Do tác động từ việc giảm giá của đồng EURO, rào cản kỹ thuật, kiểm soát chặt chẽ của các quốc gia thành viên trong liên minh châu Âu (EU), qui tắc dán nhãn, quy tắc về thông tin dinh dưỡng…
Hội nghị tập trung tìm giải pháp để phát triển, khẳng định thương cá tra của Việt Nam
Sản phẩm cá tra Việt Nam hiện nay đã có mặt trên thị trường 150 quốc gia, tuy nhiên, các sản phẩm xuất khẩu mới chỉ dừng lại ở dạng sản phẩm cá đã phi lê. Các đại biểu đã đề xuất cần đa dạng hoá sản phẩm cá tra xuất khẩu, hướng vào sản xuất, chế biến các sản phẩm như: dầu cá, mỡ cá... Qua đó, làm tăng sự phong phú và lựa chọn cho từng thị trường… Có như vậy, ngành hàng cá tra mới đủ sức cạnh tranh và hấp dẫn người tiêu dùng.
Cũng tại Hội nghị, ông Lê Vĩnh Tân cho rằng: Hiện nay, các doanh nghiệp chế biến cá tra của Việt Nam cạnh tranh chưa thật sự lành mạnh. Sau mỗi kỳ hội chợ, mỗi doanh nghiệp chào một giá khác nhau, thậm chí đua nhau giảm giá. Đây là 1 trong những lý do làm giá trị xuất khẩu cá tra giảm trong 6 tháng đầu năm 2015.
“Với sân chơi mới của nền kinh tế Việt Nam là hội nhập và mở cửa, nếu theo hướng phát triển như hiện nay, sớm muộn chúng ta cũng bị mất ngành hàng cá tra trong tầm tay. Vì vậy, đây chính là giai đoạn cần tái cơ cấu ngành hàng cá tra”-ông Lê Vĩnh Tân bày tỏ.
Trong 6 tháng đầu năm 2015, giá cá nguyên liệu dao động từ 19.000 đến 24.500đ/kg. Hiện nay nông hộ và HTX nuôi cá tra chiếm khoảng 30%, còn lại 70% là của doanh nghiệp. Việc giá cá tra liên tục giảm mạnh trong thời gian qua đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến người nuôi cá. Với khó khăn nối tiếp như hiện tại, nhiều khả năng người nuôi sẽ bỏ ao nuôi, treo ao hoặc chuyển đổi mô hình sản xuất nếu không nhận được sự hỗ trợ kịp thời theo các chính sách, định hướng của nhà nước trong đầu tư phát triển con cá tra.
Trước những thông tin không mấy khả quan về tương lai của ngành cá tra hiện nay, các doanh nghiệp kiến nghị các cơ quan ban ngành có liên quan cần hổ trợ nguồn vốn vay, mở rộng và định hướng thị trường, kết nối doanh nghiệp và nâng cao, chuyển giao công nghệ chế biến,… theo định hướng của Nghị định 36 nhằm đa dạng hơn nữa sản phẩm cá tra nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng.
Trên phương diện pháp lý, ngày 29/04/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 36/2014/NĐ-CP (có hiệu lực thi hành từ ngày 20/6/2014) về thực hành nuôi trồng thủy sản tốt theo hướng VietGAP cho các cơ sở nuôi cá Tra. Điều 4 Nghị định qui định: Đến ngày 31/12/2015, các cơ sở nuôi cá Tra thương phẩm và doanh nghiệp phải áp dụng và được chứng nhận theo VietGAP hoặc chứng chỉ quốc tế phù hợp với pháp luật của Việt Nam.
Tính đến thời điểm hiện tại, cá tra là đối tượng đầu tiên và duy nhất hiện nay của Việt Nam có Nghị định riêng để phát triển, nhằm không ngừng khẳng định chất lượng, thương hiệu cá tra Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Nguyễn Huệ, VP VinaCert tại Cần Thơ