Đồng Tháp được biết đến là một trong những tỉnh nhiều tiềm năng về mặt hàng cá tra và vịt thương phẩm. Theo số liệu thống kê, Đồng Tháp đang là địa phương dẫn đầu các tỉnh khu vực ĐBSCL về chăn nuôi vịt. Hiện toàn tỉnh có 5 triệu con vịt, chiếm khoảng 80% tổng đàn gia cầm. Chính vì tiềm năng đó mà vịt là 1 trong 5 đối tượng được ngành nông nghiệp tỉnh chọn để tái cơ cấu.
Đồng Tháp được thiên nhiên ưu đãi về điều kiện tự nhiên, nhưng phần lớn người nuôi vịt vẫn giữ tập quán nuôi thả vịt ngoài đồng, nên hầu như chưa có sự liên kết và đảm bảo vệ sinh, phòng chống dịch bệnh gia cầm.
Nuôi vịt thương phẩm được ngành chăn nuôi kỳ vọng trở thành mặt hàng thương phẩm chủ lực của tỉnh Đồng Tháp.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận về giải pháp để có được mối liên kết chuỗi bền vững giữa trại giống - công ty thức ăn - thuốc thú y và đầu ra sản phẩm. Đồng thời, các đại biểu cũng tập trung thảo luận, tìm biện pháp để giải quyết vấn đề đang được nhiều hộ nuôi vịt quan tâm hiện nay, đó là: Làm thế nào để giảm bớt các thủ tục hành chính để người nuôi vịt có thể tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ tái cơ cấu để mở rộng chăn nuôi và tái đàn.
Tham luận tại Hội nghị, ông Mai Thế Hào, đại diện Cục chăn nuôi khu vực phía Nam, cho rằng: cần phải rà soát và qui hoạch lại chăn nuôi, cơ cấu lại giống vịt, chuyển đổi phương thức sản xuất, phát triển các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã, phát triển kinh tế trang trại, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, ổn định giá cả thu mua… Ông Hào cũng nhấn mạnh về việc định hướng cho các hộ dân áp dụng nuôi vịt theo khoa học, hướng đến áp dụng qui trình thực hành nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP…
Các đại biểu dự Hội thảo quan tâm đến việc tiếp cận nguồn vốn và mô hình chăn nuôi phù hợp tiêu chuẩn VietGAP
Đại diện Công ty Vinacert, bà Nguyễn Thị Huệ cũng đã trực tiếp giới thiệu và giải đáp rõ một số thắc mắc của người dân như: Các cách nhận biết 1 cơ sở cung cấp thức ăn chăn nuôi an toàn, phù hợp tiêu chuẩn; Xây dựng mô hình chăn nuôi phù hợp để áp dụng chứng nhận VietGAP; lợi ích khi cơ sở chăn nuôi gia cầm khi được chứng nhận VietGAP…
Hội thảo cũng đã nhận được nhiều ý kiến của các nhà khoa học, các công ty và thương lái, trong đó, các ý kiến chủ yếu tập trung vào việc tìm hướng đi và giải pháp tối ưu để ngành hàng vịt Đồng Tháp có thể trở thành một thương hiệu có uy tín và thị phần trên thị trường.
Kết thúc Hội thảo, các đại biểu thống nhất cao chủ trương: Hướng đi tất yếu cho một ngành hàng phải theo chuỗi, tạo sự liên kết bền vững và định hướng xã hội hoá. Các đại biểu cũng bày tỏ hy vọng một ngày không xa, tái cơ cấu ngành hàng vịt tại Đồng Tháp là bước đi đúng hướng, mang lại lợi ích thiết thực cho người nuôi.
Nguyễn Huệ VP VinaCert tại Cần Thơ