Về dự Đại hội có 1.052 đại biểu đại diện cho các tầng lớp nhân dân, các giai cấp, dân tộc, tôn giáo, lực lượng vũ trang, người Việt Nam ở nước ngoài và cán bộ Mặt trận các cấp, thể hiện hình ảnh tiêu biểu của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm; Thủ tướng Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự khai mạc Đại hội.
Các Ủy viên Bộ Chính trị: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường, cùng các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, các Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ dự khai mạc Đại hội.
Tới dự còn có nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; nguyên Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN: Phạm Thế Duyệt, Nguyễn Thiện Nhân, Huỳnh Đảm; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; các tổ chức thành viên của MTTQVN; các vị lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động; các đại sứ, lãnh đạo một số cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế tại Hà Nội.
Hội Thủy sản Việt Nam có ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội và ông Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng ban Phát triển Thủy sản bền vững, dự Đại hội.
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng các đại biểu tham dự đại hội.
Lãnh đạo Hội Thủy sản Việt Nam và Trưởng ban Phát triển thủy sản bền vững, Trưởng ban Khoa học kỹ thuật và Công nghệ, Hiệp hội Nước mắm Việt Nam tại Đại hội.
Với niềm vui mừng, xúc động, Đại hội đã trân trọng kính mời đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đồng chí Lương Cường, Ủy viên Bộ chính trị, Thường trực Ban bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam lên vị trí danh dự của Đoàn Chủ tịch Đại hội để chỉ đạo Đại hội.
Khơi dậy và củng cố tinh thần đại đoàn kết toàn dân
Trong Diễn văn khai mạc Đại hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQVN lần thứ X nhằm đánh giá khách quan, toàn diện tình hình các tầng lớp nhân dân và khối đại đoàn kết toàn dân tộc; kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội MTTQVN lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019 - 2024, gắn với 5 Chương trình hành động; rút ra nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, trên cơ sở đó thống nhất phương hướng, mục tiêu nhiệm vụ, Chương trình hành động của MTTQVN giai đoạn 2024 - 2029; hiệp thương thống nhất cử Ủy ban Trung ương MTTQVN, Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực, Chủ tịch, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký, các Phó Chủ tịch của nhiệm kỳ Đại hội X (2024 – 2029); thống nhất nội dung sửa đổi, bổ sung Điều lệ MTTQVN.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN (khóa IX) Đỗ Văn Chiến cho biết, thực hiện Chỉ thị số 22/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Đại hội đại biểu MTTQVN các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQVN lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029, hơn một năm qua, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN đã xây dựng kế hoạch, hướng dẫn tổ chức Đại hội các cấp. Đến nay, đã tổ chức thành công đại hội ở 10.597 đơn vị cấp xã, 704 đơn vị cấp huyện và 63 tỉnh, thành phố.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN Đỗ Văn Chiến đọc diễn văn khai mạc.
Thông qua Đại hội MTTQVN các cấp, các tầng lớp nhân dân bày tỏ mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục có chủ trương, chính sách phù hợp, tháo gỡ khó khăn, ách tắc để phát triển kinh tế mạnh mẽ hơn nữa, tạo thêm việc làm và thu nhập ổn định cho người dân; tăng đầu tư ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, đảm bảo an toàn cuộc sống của người dân; đầu tư tạo sinh kế, giảm nghèo bền vững nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, cải cách hành chính, phục vụ tốt hơn nữa cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân; tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí đi đôi với khơi dậy tinh thần dấn thân, khát vọng cống hiến của mọi tổ chức, cá nhân đóng góp trí tuệ, công sức vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Đoàn Chủ tịch Đại hội mong muốn các đại biểu dự Đại hội sẽ phát huy tinh thần “Đoàn kết – Dân chủ – Đổi mới – Sáng tạo – Phát triển”, cùng đồng thuận, tập trung trí tuệ, đề cao trách nhiệm trước nhân dân, trước vận mệnh của dân tộc… đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, xác đáng phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân; cùng nhau bàn bạc thống nhất phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, hiến kế nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp, khả thi, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu Đại hội đề ra.
Phát huy truyền thống sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động mọi nguồn lực trong nhân dân, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, sức sáng tạo, khát vọng cống hiến của mọi người dân, không phân biệt giai cấp, thành phần xã hội, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng… tất cả vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì sự phát triển phồn vinh của đất nước, vì tương lai tươi sáng của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Với niềm tin tưởng sâu sắc vào sự lãnh đạo của Đảng, niềm tin tất thắng vào chủ nghĩa xã hội, tiền đồ tươi sáng của dân tộc, nhất định đất nước ta sẽ bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển của dân tộc, xây dựng đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta phát triển phồn vinh, hạnh phúc, sánh vai với các cường quốc năm châu, như Bác Hồ kính yêu hằng mong ước.
6 chương trình hành động trong nhiệm kỳ mới
Trình bày Báo cáo tóm tắt của Ủy ban Trung ương MTTQVN khóa IX trình Đại hội, bà Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQVN khóa IX cho biết, nhiệm kỳ qua, công tác Mặt trận tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được giữ vững, mối quan hệ máu thịt và niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước không ngừng được củng cố và tăng cường.
Quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, MTTQVN các cấp, các tổ chức thành viên đã triển khai đồng bộ các giải pháp, hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ, nhất là 5 chương trình hành động đã đề ra và các nhiệm vụ đột xuất, phát sinh trong thực tiễn.
Quang cảnh đại hội
Công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân tiếp tục có nhiều đổi mới. Các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động lớn do MTTQVN chủ trì hoặc phối hợp như: "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; "Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế"; "Toàn dân đoàn kết, ra sức phòng, chống dịch COVID-19", "Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" … tiếp tục có dấu ấn đậm nét trong xã hội, đã khơi dậy tinh thần thi đua, học tập lao động sản xuất và sự chung sức của cả cộng đồng.
Sau hơn 20 năm triển khai thực hiện, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc - một trong những phương thức đoàn kết, tập hợp nhân dân được tổ chức ở hầu hết khu dân cư trong cả nước.
Hàng trăm ngàn tỷ đồng đã được huy động từ các nguồn lực trong các tầng lớp nhân dân trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài thông qua hệ thống MTTQVN để hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết, ủng hộ người nghèo, cứu trợ thiên tai, bão lũ, thực hiện an sinh xã hội. Trước diễn biến phức tạp, chưa từng có tiền lệ của đại dịch COVID-19, Mặt trận đã phối hợp tổ chức 3 đợt kêu gọi, vận động các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước chung sức, đồng lòng ủng hộ nguồn lực phòng, chống dịch, góp phần cùng cả nước khống chế, vượt qua đại dịch và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, MTTQVN đã xây dựng và thực hiện Đề án vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ làm 5.000 căn nhà cho hộ nghèo của tỉnh Điện Biên và hỗ trợ 500 căn nhà cho hộ nghèo của 5 tỉnh Tây Bắc. Với trách nhiệm cao trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, Mặt trận tiếp tục tổ chức phát động phong trào thi đua cả nước chung tay "Xóa nhà tạm, nhà dột nát", đến nay đã vận động được hơn 6.000 tỷ đồng.
Đặc biệt, vừa qua, Quỹ Cứu trợ Trung ương đã vận động được trên 2.000 tỷ đồng để ủng hộ các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc bị thiệt hại do bão số 3 gây ra. Lần đầu tiên, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQVN đã chỉ đạo việc sao kê, công khai, minh bạch các nguồn ủng hộ và phân bổ kịp thời tới các địa phương, nhận được sự đồng tình, khen ngợi từ các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước.
Cùng với đó, Ủy ban MTTQVN các cấp, các tổ chức thành viên luôn là địa chỉ tin cậy, lắng nghe, chia sẻ; tập hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân để phản ánh với Đảng, Nhà nước và cơ quan có thẩm quyền. Trên 20.000 lượt ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân đã được phản ánh tại các kỳ họp của Quốc hội; gần 86.000 hội nghị phản biện xã hội, hơn 200.000 cuộc giám sát được tổ chức ở các cấp...
Ngoài ra, MTTQVN tiếp tục tăng cường đoàn kết quốc tế, mở rộng hoạt động đối ngoại nhân dân, tham gia, phát huy vai trò, trách nhiệm trong các cơ chế, diễn đàn...
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác Mặt trận vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định, chưa thực sự chủ động trong công tác tham mưu với cấp ủy, phối hợp với chính quyền; công tác giám sát, phản biện xã hội có nơi, có lúc còn lúng túng; năng lực và kỹ năng hoạt động của một bộ phận cán bộ còn hạn chế…
Với mục tiêu tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nhiệm kỳ 2024 - 2029, Đại hội đề ra 6 chương trình hành động, gồm: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội, thực hiện dân chủ, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước. Động viên các tầng lớp nhân dân thi đua, sáng tạo, thực hiện hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua. Phát huy vai trò làm chủ, tinh thần tự quản của nhân dân, xây dựng khu dân cư đoàn kết, ấm no, hạnh phúc. Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại nhân dân và công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Tiếp tục đổi mới tổ chức bộ máy, nội dung, phương thức hoạt động; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp.
Phát biểu chỉ đạo Đại hội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm bày tỏ, trong suốt 94 năm qua, MTTQVN không ngừng lớn mạnh, khẳng định vai trò, sứ mệnh trong việc phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, khích lệ, cổ vũ, động viên nhân dân ta hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước, khơi dậy, phát huy các nguồn lực, sức sáng tạo, góp phần thực hiện thành công những nhiệm vụ chiến lược của đất nước trong mỗi giai đoạn lịch sử.
Thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước ghi nhận, nhiệt liệt chúc mừng và biểu dương những thành tích mà MTTQVN các cấp đã đạt được; trân trọng cảm ơn và biểu dương tất cả các tầng lớp nhân dân đã nêu cao tinh thần yêu nước, đoàn kết, hưởng ứng, ủng hộ và nỗ lực thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần làm nên những thành tựu quan trọng, có tính bước ngoặt của đất nước ta trong những năm qua.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, để thực hiện các mục tiêu, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, khát vọng cống hiến, ý chí tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, phát huy sức mạnh vĩ đại của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại có ý nghĩa then chốt - đây là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, trong đó MTTQVN và các tổ chức thành viên giữ vai trò nòng cốt có trách nhiệm vinh quang, cao cả.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Mục tiêu cao nhất là phục vụ nhân dân, làm cho cuộc sống của nhân dân tốt đẹp hơn.
Cơ bản đồng ý với phương hướng, mục tiêu và Chương trình hành động nhiệm kỳ tới mà Báo cáo chính trị đã đưa ra tại Đại hội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu, cần thống nhất nhận thức về vị trí, tầm quan trọng đặc biệt của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và yêu cầu cấp bách, hơn bao giờ hết, ưu tiên hàng đầu củng cố, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, đây là một trong những giải pháp then chốt đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
Trong giai đoạn hiện nay, Mặt trận cần làm tốt vai trò nòng cốt, chủ trì phối hợp với các tổ chức thành viên đoàn kết các giai tầng, các cá nhân tiêu biểu, phát huy cao độ vai trò tiên phong của giai cấp công nhân, khơi dậy tiềm năng to lớn của giai cấp nông dân, đội ngũ trí thức và người lao động, bảo đảm thống nhất cao về nhận thức, tư tưởng và hành động, kiên định mục tiêu, lý tưởng xã hội chủ nghĩa; chủ động các hoạt động đối ngoại nhân dân; kiên quyết bảo vệ, giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia, ổn định chính trị - xã hội, xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
Mặt trận và các tổ chức thành viên làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động để nhân dân hiểu, đồng lòng, đồng tâm thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc, gây chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc của các thế lực thù địch, phản động.
Mặt trận phải là hạt nhân trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chỉ rõ: Chăm lo, bảo vệ lợi ích thiết thực, chính đáng, hợp pháp của nhân dân; mục tiêu cao nhất là phục vụ nhân dân, làm cho cuộc sống của nhân dân tốt đẹp hơn. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên cần chủ động, tích cực có các giải pháp chăm lo, nâng cao đời sống của nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số, ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng căn cứ kháng chiến cũ, các vùng chiến lược, vùng có đông đồng bào theo tôn giáo.
Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, phát hiện, kiến nghị với cấp ủy, chính quyền, huy động các nhà hảo tâm kịp thời hỗ trợ những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người yếu thế, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên chủ động phối hợp với chính quyền các cấp giải quyết có hiệu quả những vấn đề xã hội bức xúc ngay tại cơ sở; tích cực tập hợp, lắng nghe ý kiến nhân dân, thật sự trở thành chỗ dựa tin cậy, tiếng lòng của nhân dân để phản ánh với cấp ủy, chính quyền các cấp; làm tốt vai trò chủ trì hiệp thương, phối hợp giữa các tổ chức thành viên trong thực hiện giám sát và phản biện xã hội, nhất là những vấn đề quốc kế dân sinh.
Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên tham gia hiệu quả và động viên nhân dân tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống lãng phí và tham nhũng, tiêu cực; trước mắt tích cực tham gia công tác tổ chức, vận động nhân dân thực hiện thắng lợi cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm lưu ý, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc theo hướng thiết thực, sâu sát với dân, đồng hành cùng dân, “khi dân cần Mặt trận có, khi dân khó Mặt trận sẵn sàng tham gia”.
Phương thức vận động, tập hợp của tổ chức Mặt trận phải đa dạng, phong phú về loại hình, sinh động về nội dung, trở thành diễn đàn quần chúng, nơi các tầng lớp nhân dân thuộc các giới, giai cấp, các dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài... gặp gỡ, trao đổi thông tin, bày tỏ chính kiến, tâm tư, nguyện vọng, đối thoại dân chủ, cởi mở.
Tập hợp, phát huy tối đa vai trò, sự đóng góp của các nhà khoa học, các chuyên gia, các cá nhân tiêu biểu trong các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, các tôn giáo và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đối với sự phát triển đất nước.
Xây dựng đội ngũ cán bộ Mặt trận và đoàn thể có tâm huyết, trách nhiệm, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân, thật sự gần dân, sát dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, yêu dân, là tấm gương sáng để dân mến, dân thương, dân tôn trọng, dân tin cậy, dân chia sẻ.
Các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQVN chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn Chủ tịch Đại hội.
Trong giai đoạn cách mạng mới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, mỗi cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên phải tiếp tục thấm nhuần sâu sắc về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của đại đoàn kết toàn dân tộc và công tác Mặt trận; đề cao trách nhiệm đối với hoạt động của Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội trong cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ”, gắn với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ, thường xuyên hơn nữa với Mặt trận chân thành, cầu thị, lắng nghe, tận tâm, tận lực giải quyết công việc của dân.
Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện chủ trương, chính sách, pháp luật nhằm huy động mọi nguồn lực, phát huy tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc, sức sáng tạo của các giai tầng xã hội, mọi tổ chức và cá nhân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Với tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao của Đại hội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tin tưởng, MTTQVN các cấp sẽ tiếp tục đổi mới, chủ động, sáng tạo, tập hợp đông đảo, bền chặt các tầng lớp nhân dân cùng chung sức, đồng lòng, phát huy truyền thống yêu nước, bản lĩnh và sức mạnh con người Việt Nam, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tranh thủ thời cơ, vận hội mới, tự chủ, tự hào, vững tin bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam; tất cả vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Theo: thunghiemngaynay.vn