Tham dự hội nghị có Chủ tịch Đặng Vũ Minh; các đồng chí Thường trực Liên hiệp Hội; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Trần Văn Minh; đại diện các tổ chức KH&CN, cơ quan, ban ngành, đoàn thể TW.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Đặng Vũ Minh cho rằng, tuy phần lớn các tổ chức KH&CN thuộc Liên hiệp Hội còn hạn chế về cơ sở vật chất, nguồn lực cũng như kinh phí để triển khai các hoạt động, song các tổ chức này đã chứng tỏ vai trò là môi trường tốt để thu hút lực lượng cán bộ trẻ, tạo cho họ cơ hội phát triển và cống hiến cho nền khoa học.
"Thông qua các tổ chức KH&CN, một số đơn vị đã có thể tiếp cận với sự tài trợ của các tổ chức nước ngoài, bao gồm cả viện trợ phi chính phủ và viện trợ ODA. Hàng năm, các tổ chức này huy động được trung bình khoảng 10-20 triệu USD, số tiền này được chuyển toàn bộ cho những đơn vị đứng ra đăng ký các dự án", ông Đặng Vũ Minh nhấn mạnh.
Chủ tịch Đặng Vũ Minh phát biểu khai mạc hội nghị
Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội là một trong những khó khăn hay gặp nhất của các tổ chức KH&CN. Theo TS. Trần Văn Minh – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cùng với Luật KH&CN 2013, một số Nghị định và Thông tư của Bộ KH&CN đã tạo ra một hành lang pháp lý thống nhất, góp phần thúc đẩy sự phát triển của khoa học và công nghệ. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có khoảng 4000 tổ chức hoạt động trong lĩnh vực này, phát triển cả về chất lượng lẫn số lượng.
Đặc biệt với hội nghị lần này, ông Nguyễn Hữu Dũng – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Chứng nhận và Giám định VinaCert, đại diện cho Viện An toàn thực phẩm và Dinh dưỡng (NFSI) đã có bài tham luận về việc thúc đẩy hoạt động “đánh giá sự phù hợp” ở Việt Nam để hội nhập quốc tế trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 và thách thức bởi các hiệp định thương mại tự do trên thế giới.
Ông Dũng cho rằng, hệ thống pháp luật của Việt Nam liên quan đến đánh giá sự phù hợp là đầy đủ. Trong thời gian từ năm 2007 đến nay, Bộ KHCN Môi trường đã tham mưu cho Chính phủ ra một loạt các Nghị định và ban hành các Thông tư phục vụ cho hoạt động này, tuy nhiên khi thực thi xuống phía dưới đang có vấn đề. Theo đó, Thử nghiệm hiện tại đã trở thành một ngành, trong những năm trở lại đây đã có rất nhiều Phòng thử nghiệm tư nhân được thành lập nhưng vẫn còn thiếu những chính sách hỗ trợ hoạt động này cũng như hoạt động đánh giá sự phù hợp nói chung.
Trong bài tham luận của mình, ông Dũng có kiến nghị rằng, cần thiết lập điều kiện kinh doanh đánh giá sự phù hợp theo tư duy thị trường, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động đánh giá sự phù hợp và tạo sân chơi bình đẳng để tất cả các tổ chức có cơ hội cạnh tranh lành mạnh, cùng phát triển.
Ông Nguyễn Hữu Dũng trình bày bài tham luận
Kết thúc chương trình tổng kết hoạt động, Liên hiệp Hội đã tổ chức sự kiện Gặp gỡ 2018 vì sự hợp tác và phát triển với mục tiêu chia sẻ thông tin, ghi nhận những thành tựu, kết quả hoạt động của các tổ chức KH&CN. Bên cạnh đó, mục đích quan trọng là thúc đẩy sự hiểu biết và hợp tác giữa các tổ chức và các đối tác, bao gồm cơ quan nhà nước, các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Nghiêm Vũ Khải phát biểu
Nổi bật nhất trong sự kiện Gặp gỡ 2018 vì sự hợp tác và phát triển là sáng kiến về Mạng lưới Môi trường và Biến đổi khí hậu (VECC), phát huy những kết quả của các tổ chức thành viên đạt được trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Sáng kiến này sẽ giúp Liên hiệp Hội thực hiện tốt hơn vai trò của mình, đặc biệt là vai trò huy động thành viên tham gia đóng góp cho việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Ngay sau khi kết thúc hội nghị, sự kiện Gặp gỡ 2018 vì sự hợp tác và phát triển đã diễn ra với hoạt động nổi bật là lãnh đạo Liên hiệp Hội trao Bằng khen tặng 15 tổ chức KH&CN trực thuộc vì đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động năm 2018, góp phần phát triển Liên hiệp Hội.