Phát triển chăn nuôi gia súc chưa tương xứng với tiềm năng (15/05/2019)

Ngày 15/5, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội nghị phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ. Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, trong bối cảnh biến đổi khí hậu và dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến khá phức tạp thì chăn nuôi gia súc ăn cỏ có thể là một giải pháp nhằm cân bằng sản lượng thịt phục vụ người tiêu dùng trong nước.


Quang cảnh hội nghị

Hội nghị có sự tham dự của đại diện một số Bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo Sở NN&PTNT, Chi cục Chăn nuôi và Thú y; Trung tâm giống vật nuôi một số địa phương có chăn nuôi gia súc ăn cỏ phát triển; đại diện một số doanh nghiệp chăn nuôi gia súc ăn cỏ, Hội, Hiệp hội và doanh nghiệp có liên quan.

Công ty Cổ phần Chứng nhận và Giám định VinaCert có ông Nguyễn Viết Hải, Giám đốc Giám định dự hội nghị.

Báo cáo của Cục Chăn nuôi cho thấy, cả nước hiện có tổng đàn gia súc ăn cỏ khoảng 2,4 triệu con, tập trung nhiều nhất tại các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc với khoảng 1,4 triệu con.

Được đánh giá là một ngành hàng có lợi thế nhưng đến nay, ngành chăn nuôi đại gia súc ăn cỏ ở Việt Nam phát triển chưa xứng với tiềm năng. Tính riêng 3 năm gần đây, tổng đàn trâu của cả nước giảm nhẹ 1,89%, tổng đàn bò tăng trung bình 2,75%. Trong đó, tốc độ tăng trưởng của đàn bò lai là 4,27%/năm; tốc độ tăng trưởng sản lượng thịt bò là 4,11%/năm.

Đối với đàn bò sữa, tốc độ tăng trưởng đạt 2,09%/năm. Ước tính, năng suất sữa trung bình của đàn bò vắt sữa trong cả nước năm 2018 đạt trên 5.000kg/con/năm, đây là mức khá cao. Đặc biệt, tại một số trang trại áp dụng công nghệ cao của Vinamilk, TH True milk, Công ty Cổ phần giống bò sữa Mộc Châu năng suất sữa trung bình/con/ngày của đàn bò sữa đạt 26,1 - 28 kg/con.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận xét, ngành chăn nuôi gia súc ăn cỏ vẫn chưa được khai thác đúng mức, bởi sản lượng thịt mới chiếm khoảng 8,6%, trong khi thịt lợn chiếm đến 70%, gà 20%.

Theo Bộ trưởng, ngành chăn nuôi đang chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang quy mô lớn với sức sản xuất 5,5 triệu tấn thịt, 11 tỷ quả trứng, 1 triệu tấn sữa, đáp ứng nhu cầu cơ bản của 100 triệu dân. Riêng giai đoạn từ 2016-2018, giá trị kim ngạch xuất khẩu sữa và sản phẩm từ sữa liên tục tăng từ 84,47 triệu USD năm 2016 tăng lên 82,65 triệu USD năm 2017 và 129,68 triệu USD năm 2018. Trong 3 tháng đầu năm 2019, giá trị kim ngạch xuất khẩu sữa đạt 48,6 triệu USD.

“Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn tồn tại nhiều nút thắt, đóng góp cho kim ngạch xuất khẩu còn thấp. Nếu không xuất khẩu thì lấy đâu ra động lực tái cơ cấu ngành, phân chia lợi nhuận bền vững cho chuỗi?”, Bộ trưởng đặt câu hỏi.

Bộ trưởng cũng đặt ra yêu cầu sớm tái cơ cấu ngành chăn nuôi gia súc lớn, coi đó là một nhu cầu cấp thiết. Ngành chức năng, các địa phương cần chuyển dần chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi theo quy mô trang trại, công nghiệp, phù hợp với thực tế địa phương; quy hoạch phát triển chăn nuôi gắn với quy hoạch giết mổ và thị trường tiêu thụ.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, dự báo thị trường và tìm kiếm cơ hội xuất khẩu sản phẩm đến các thị trường tiềm năng. Tổ chức liên kết theo chuỗi sản phẩm từ khâu sản xuất đến thị trường, trong đó các doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm.

Theo TS.Tống Xuân Chinh – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi: “Thống kê cho thấy, năm 2018, sản lượng thịt gia súc ăn cỏ sản xuất trong nước chỉ chiếm 8,6% tổng sản lượng thịt các loại. Tiêu thụ sữa bình quân đầu người ở Việt Nam năm 2018 mới đạt 27 kg/người/năm, dự báo đến năm 2020, mức tiêu thụ sữa khoảng 28 kg/người/năm.

Đáng chú ý, mức tiêu thụ thịt bò trung bình của người Việt Nam trong năm 2018 là 3,15 kg thịt xẻ/người/năm, thấp hơn mức trung bình của thế giới và một số nước trong khu vực như: Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, EU...”, ông Chinh nói.

Cũng theo ông Chinh, ngành chăn nuôi gia súc ăn cỏ đang từng bước chuyển dịch, phương thức chăn nuôi đã có những thay đổi tích cực, hình thành nhiều chuỗi liên kết có hiệu quả trong sản xuất, điển hình là các chuỗi liên kết trong chăn nuôi bò sữa hiện đang chiếm tỷ lệ liên kết gần 100% cao nhất trong khu vực sản xuất nông nghiệp hiện nay; từng bước hình thành ngành công nghiệp chăn nuôi và chế biến sữa hiện đại so với khu vực và thế giới”.

VinaCert

Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, Tương Mai, Hoàng Mai, Tp. Hà Nội
Điện thoại: 0243.634.1933
Fax: 0243.634.1137
Email: sale@vinacert.vn
Giấy phép đăng ký kinh doanh số:
0102152121
Cấp ngày: 18/11/2022 " cấp lần 5"
Tại Sở KH& Đầu tư TP.Hà Nội.
Bản quyền © 2007 - Thuộc về Công ty CP Chứng nhận và Giám định VinaCert
Đang online: 72
Tổng truy cập: 11413534