Khai mạc Diễn đàn, ông Florian Beranek – Chuyên gia cao cấp về trách nhiệm xã hội của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) đặt vấn đề: Hiện nay, thông tin về thực phẩm không an toàn tràn ngập khắp nơi và được các phương tiện thông tin đại chúng thường xuyên cập nhật, phản ánh. Thực trạng các hoá chất không được phép sử dụng trong chăn nuôi, bảo quản, chế biến thực phẩm như: formol, hàn the, màu công nghiệp,… được dùng tùy tiện để bảo quản thực phẩm; dư lượng thuốc trừ sâu, diệt nấm, kim loại nặng trên rau quả vựợt quá mức cho phép… Và ông nêu vấn đề để thảo luận trước Diễn đàn: “Vì sao nhu cầu cơ bản như có đồ ăn sạch và an toàn lại trở nên khó đáp ứng đến như vậy?”.
Ở nước ta, để “Sản xuất và tiêu dùng thực phẩm bền vững”, các yêu cầu về an toàn thực phẩm được đặt lên hàng đầu. Theo ông Nguyễn Quang Vinh, phó tổng thư ký Phòng thương mại Công Nghiệp Việt Nam (VCCI), liên kết, thống nhất và hiệu quả giữa nhà nước – doanh nghiệp – người tiêu dùng đóng vai trò tiên quyết. Ông nhấn mạnh, chỉ đạo của Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18 tháng 3 năm 2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015 - 2016; và Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 là cơ sở để thực hiện thành công “Nói không với thực phẩm bẩn”.
|
Cùng quan ngại trước vấn đề ông Florian nêu, ông Nguyễn Mạnh Hiểu – Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch (Bộ NN&PTNT) cho biết: “Thực trạng các sản phẩm thực phẩm mất vệ sinh an toàn đang là vấn đề đáng báo động...”.
Thực tế hiện nay, chúng ta sản xuất còn nhỏ lẻ, dưới 0,5 ha/hộ gia đình, chưa có sự liên kết với nhau nên áp dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất rất khó. Một thực tế đáng buồn “Chúng tôi tổ chức tập huấn nhiều nhưng khi đi khỏi bà con lại bỏ rau vào bao phân bón; rửa cam bằng nước rửa bát cho bóng đẹp, dễ bán… Chúng ta có công nghệ đảm bảo thực phẩm an toàn vệ sinh nhưng doanh nghiệp và người sản xuất chưa chấp nhận và không áp dụng” - ông Hiểu chia sẻ.
Để giải quyết vấn đề trên, bà Đinh Thị Mỹ Loan – Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, cần có sự chung tay của cơ quan Quản lý Nhà nước, doanh nghiệp phân phối – bán lẻ, người tiêu dùng, nhà sản xuất và các cơ quan truyền thông.
Cụ thể, về phía nhà nước, thực tiễn quản lý vẫn còn chồng chéo, lãng phí nguồn lực và kém hiệu quả; do đó cần tăng chế tài xử lý các hành vi vi phạm các quy định về ATTP…
Với doanh nghiệp phân phối/ bán lẻ: Cần đảm bảo vệ sinh ATTP trong kinh doanh theo chuỗi khép kín từ đồng ruộng/ trang trại của nhà sản xuất - kho hàng, nhà máy – cung ứng bán lẻ đến tay người tiêu dùng… và cần có sự kết nối với nhà sản xuất – cung ứng để đảm bảo ATTP.
Yêu cầu đối với nhà sản xuất là: Cần tuân thủ các quy định về vệ sinh ATTP trong sản xuất và lưu hành sản phẩm đúng theo tiêu chuẩn chất lượng đã công bố hoặc đã được chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy. Không sử dụng hoá chất phụ gia ngoài danh mục cho phép; không sử dụng nguyên liệu/ hoá chất/ phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ; tuân thủ hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến trong sản xuất…
Cũng theo bà Loan, các siêu thị và trung tâm mua sắm hiện nay chiếm 25% thị phần bán lẻ tại Việt Nam. Dự kiến đến năm 2020, con số này sẽ tăng lên tới 45%, tương đương với khoảng 1.500 siêu thị và 350 trung tâm mua sắm và thương mại. Hơn 50% thị phần còn lại vẫn thuộc về các cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống và các cửa hàng tạp hoá quy mô gia đình.
Xu hướng phát triển này nói lên vai trò của các nhà bán lẻ trong việc bảo đảm chất lượng thực phẩm từ khâu sản xuất tới khâu tiêu thụ cuối cùng. Vì vậy, sự hợp tác giữa các nhà bán lẻ và cơ quan hỗ trợ về công nghệ - tiêu chuẩn cần phải chặt chẽ hơn nữa để có thể đưa ra các sản phẩm an toàn tới tay người tiêu dùng.
Quản lý ATTP theo chuỗi là vấn đề được các đại biểu đặc biệt quan tâm
Tham luận đại diện cho các nhà bán lẻ, bà Vũ Thị Hậu, Phó tổng Giám đốc CTCP Nhất Nam - Chủ sở hữu chuỗi siêu thị Fivimart chia sẻ với Diễn đàn:
Theo chia sẻ của bà Hoàng Mai Vân Anh, cán bộ chương trình UNIDO: Để đảm bảo an toàn thực phẩm thì việc quản lý theo chuỗi “từ trang trại đến bàn ăn” với các khâu: Sản xuất sản phẩm nguyên liệu - Thử nghiệm – Vận chuyển - Sơ chế, chế biến, đóng gói – Chứng nhận sản phẩm – Bán buôn, bán lẻ - Tiêu dùng phải được thực hiện một cách đồng bộ.
Ông Lê Quang Trung (bên trái) tham dự Diễn đàn
Để làm được điều này, ông Lê Quang Trung, Phó Viện trưởng Viện ATTP (thuộc Công ty Cổ phần Chứng nhận và Giám định VinaCert) đóng góp ý kiến: Sự hợp tác giữa các nhà bán lẻ với cơ quan hỗ trợ về tiêu chuẩn cần được quan tâm hơn nữa.
Theo ông Trung, “mắt xích” quan trọng của chuỗi quản lý an toàn thực phẩm là cần có sự phối hợp và tin tưởng lẫn nhau trong việc thử nghiệm để chứng minh sản phẩm thực phẩm đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn trước khi đến tay người tiêu dùng.
Hình ảnh mô tả sự chung tay của các "mắt xích" trong quản lý ATTP do ông Lê Quang Trung trình bày tại Diễn đàn
“Để thúc đẩy vai trò kiểm định chất lượng sản phẩm cho các doanh nghiệp bán lẻ: 1) Doanh nghiệp có thể tự xây dựng phòng thử nghiệm đạt chuẩn từ quốc gia đến quốc tế cho mình; 2) Phối hợp với các tổ chức chứng nhận sản phẩm, các phòng thử nghiệm đạt chuẩn quốc tế và đã được các cơ quan chức năng trong nước chỉ định” - ông Trung đưa ra giải pháp.
Theo đó, các doanh nghiệp có thể áp dụng sáng tạo, hiệu quả vào điều kiện cụ thể của doanh nghiệp để thực hiện các giải pháp nêu trên, góp phần nâng cao hiệu quả kiểm soát bền vững chất lượng và an toàn các loại thực phẩm ở các doanh nghiệp bán lẻ.
Sự chung tay của cả cộng đồng, cộng với hiệu quả hoạt động của các “mắt xích” trong quản lý ATTP sẽ góp phần từng bước kéo giảm tỷ lệ thực phẩm bẩn xuống bằng không, nâng tỷ lệ thực phẩm an toàn lên 100%. Từ đó, tăng lòng tin và số lượng khách hàng đối với các loại thực phẩm trên thị trường.