Quy định của pháp luật về nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật (23/09/2022)

Thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) được hiểu là chất hoặc hỗn hợp các chất hoặc chế phẩm vi sinh vật có tác dụng phòng ngừa, ngăn chặn, xua đuổi, dẫn dụ, tiêu diệt hoặc kiểm soát sinh vật gây hại thực vật; điều hòa sinh trưởng thực vật hoặc côn trùng; bảo quản thực vật; làm tăng độ an toàn, hiệu quả khi sử dụng thuốc.

Trong một khóa đào tạo nội bộ do VinaCert tổ chức, Th.S Phạm Xuân Tuyên, chuyên gia về lĩnh vực thuốc BVTV, cho biết: Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, có tới 70-80% lượng hóa chất, thuốc BVTV sử dụng trong nước đều có nguồn gốc nhập khẩu, do đó việc kiểm soát chất lượng thuốc BVTV nhập khẩu được pháp luật quy định rất rõ ràng, chi tiết. Việc kiểm tra chất lượng thuốc BVTV nhập khẩu do cơ quan chuyên môn của nhà nước trực tiếp thực hiện hoặc ủy quyền đơn vị có đủ năng lực thực hiện.


Khóa đào tạo nội bộ về kiến thức và kỹ thuật lấy mẫu thuốc BVTV nhập khẩu được kết nối trực tuyến đến các  chi nhánh của VinaCert tại TP. Hồ CHí Minh, TP. Cần Thơ, TP. Đà Nẵng và TP. Hải Phòng.

Thuốc BVTV được phân loại theo mục đích sử dụng; nguồn gốc sản xuất và cấu trúc hoá học; nhóm độc và phân loại theo độ bền vững. Thuốc BVTV có các dạng: Nhũ dầu (EC, ND); Huyền phù (FL, SC); Bột hòa nước (SP); Dạng bã (B); Dung dịch (L, SL, DD); Bột thấm nước (WP, BTN); Dạng hạt (G, H).

Tùy thuộc đặc tính, dạng thuốc mà tác dụng của thuốc BVTV có tác dụng khác nhau: tác dụng tiếp xúc, tác dụng vị độc, tác dụng nội hấp, tác dụng xông hơi, tác dụng thấm sâu,… Mỗi dạng thuốc BVTV lại có cách sử dụng riêng và phải tuân theo nguyên tắc 4 đúng: Đúng thuốc, Đúng cách, Đúng liều lượng, Đúng lúc và phải tuân thủ theo các hướng dẫn, khuyến cáo ghi trên nhãn mác.

Là tổ chức được Cục Bảo vệ thực vật ủy quyền thực hiện kiểm tra nhà nước chất lượng thuốc BVTV nhập khẩu, tại khóa đào tạo nội bộ lần này, VinaCert chú trọng nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ thuật lấy mẫu thuốc BVTV cho cả chuyên gia và nhân viên lấy mẫu, đáp ứng yêu cầu khoản 3 Điều 10 Thông tư 38/2018/TT-BNNPTNT về Yêu cầu đối với trưởng đoàn, thành viên đoàn thẩm định và người lấy mẫu: Có chuyên môn phù hợp; Có chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận về lấy mẫu hoặc có chứng chỉ, giấy chứng nhận tham gia đào tạo hoặc tập huấn có nội dung về lấy mẫu.


ThS. Phạm Xuân Tuyên (thứ 2 từ phải qua trái ảnh) trình bày một số yêu cầu về lấy mẫu thuốc BVTV nhập khẩu.

Th.S Phạm Xuân Tuyên lưu ý: Việc lấy mẫu từ một lô hàng thuốc BVTV phải đảm bảo lấy mẫu đúng và đại diện cho lô hàng và có các tính chất giống với tính chất của lô hàng. Khi lấy mẫu phải đảm bảo đúng quy trình lấy mẫu, đảm bảo an toàn lao động và môi trường, tránh lây nhiễm chéo.

Dụng cụ lấy mẫu, thiết bị phụ trợ, vật chứa mẫu phải được làm từ vật liệu có tính trơ hóa học như: thép không gỉ, thủy tinh hoặc chất dẻo chống ăn mòn; Mẫu phải được xử lý và bảo quản tốt để giữ nguyên được tính chất.

Quy chuẩn kỹ thuật QCVN 01-188:2018/BNNPTNT về chất lượng thuốc BVTV đã có các quy định cụ thể về hàm lượng hoạt chất đối với thuốc BVTV kỹ thuật và thuốc BVTV thành phẩm; Các chỉ tiêu về tính chất lý – hóa; Yêu cầu về tạp chất độc hại; Yêu cầu kỹ thuật cho các dạng thuốc hóa học và sinh học,...

Dẫn các quy định của pháp luật về thuốc BVTV, bà Nguyễn Thị Hồng, Trưởng Phòng Giám định của VinaCert cho biết, Khoản 16 Điều 3 Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật 2013 quy định: "Thuốc BVTV là chất hoặc hỗn hợp các chất hoặc chế phẩm vi sinh vật có tác dụng phòng ngừa, ngăn chặn, xua đuổi, dẫn dụ, tiêu diệt hoặc kiểm soát sinh vật gây hại thực vật; điều hòa sinh trưởng thực vật hoặc côn trùng; bảo quản thực vật; làm tăng độ an toàn, hiệu quả khi sử dụng thuốc."

Điều 48 Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật 2013 quy định:

1. Thuốc BVTV là loại hàng hóa kinh doanh có điều kiện và phải được quản lý theo danh mục.

2. Hàng năm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam và Danh mục thuốc BVTV cấm sử dụng tại Việt Nam.

3. Tổ chức, cá nhân được nhập khẩu, sản xuất, buôn bán, sử dụng thuốc có trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam.

4. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu thuốc BVTV trong trường hợp phải có giấy phép nhập khẩu quy định tại khoản 2 Điều 67 của Luật này thì chỉ được sử dụng đúng mục đích ghi trong giấy phép."

Theo Điều 49 Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật 2013 quy định  

1. Thuốc BVTV không được đăng ký vào Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam bao gồm:

a) Thuốc trong Danh mục thuốc BVTV cấm sử dụng tại Việt Nam;

b) Thuốc BVTV có nguy cơ cao ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, vật nuôi, hệ sinh thái, môi trường;

c) Thuốc thành phẩm hoặc hoạt chất trong thuốc thành phẩm có độc cấp tính loại I, II theo Hệ thống hài hòa toàn cầu về phân loại và ghi nhãn hóa chất (GHS), trừ thuốc BVTV sinh học, thuốc BVTV dùng để xông hơi khử trùng, thuốc trừ chuột; thuốc trừ mối gây hại công trình xây dựng, đê điều; thuốc bảo quản lâm sản mà lâm sản đó không dùng làm thực phẩm và dược liệu;

d) Thuốc BVTV trùng tên thương phẩm với thuốc BVTV khác có trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam;

đ) Thuốc BVTV chứa hoạt chất methyl bromide.

2. Thuốc BVTV bị loại khỏi Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam trong trường hợp sau đây:

a) Có bằng chứng khoa học về thuốc BVTV gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, vật nuôi, hệ sinh thái, môi trường;

b) Thuốc BVTV hiệu lực thấp đối với sinh vật gây hại;

c) Thuốc BVTV của các tổ chức, cá nhân đăng ký tự nguyện rút khỏi Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam.

3. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết Điều này."

Bà Nguyễn Thị Hồng cho biết: Liên quan trực tiếp đến hoạt động kiểm tra nhà nước về chất lượng thuốc BVTV nhập khẩu theo ủy quyền của Cục BVTV, VinaCert bám sát các quy định và hướng dẫn tại Thông tư số 21/2015/TT-BNNPTNT ngày 08/6/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Quản lý thuốc BVTV; Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam, Danh mục thuốc BVTV cấm sử dụng tại Việt Nam (được ban hành hàng năm); QCVN 01-188:2018/BNNPTNT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng thuốc BVTV; TCVN 12017:2017 Thuốc BVTV - Lấy mẫu thuốc BVTV.


Phân tích các chỉ tiêu chất lượng vật tư nông nghiệp tại Phòng thử nghiệm của VinaCert.

Mặt khác, Trung tâm phân tích/Phòng thử nghiệm của VinaCert tại Hà Nội và Cần Thơ đã được Cục Bảo vệ Thực Vật chỉ định là tổ chức thực hiện thử nghiệm thuốc BVTV với các chỉ tiêu xác định tính chất lý hóa, xác định hàm lượng hoạt chất thuốc BVTV theo quy định hiện hành của Việt Nam. Đây là những yếu tố giúp khách hàng của VinaCert tiếp cận và sử dụng dịch vụ kiểm tra chất lượng thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu tốt nhất, tiết kiệm tối đa thời gian và chi phí.

VinaCert

Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, Tương Mai, Hoàng Mai, Tp. Hà Nội
Điện thoại: 0243.634.1933
Fax: 0243.634.1137
Email: sale@vinacert.vn
Giấy phép đăng ký kinh doanh số:
0102152121
Cấp ngày: 18/11/2022 " cấp lần 5"
Tại Sở KH& Đầu tư TP.Hà Nội.
Bản quyền © 2007 - Thuộc về Công ty CP Chứng nhận và Giám định VinaCert
Đang online: 30
Tổng truy cập: 11251811