Theo số liệu của Tổng cục Thủy sản, ĐBSCL chiếm đến 99,6% diện tích nuôi tôm càng xanh trên cả nước. Riêng tại Đồng Tháp, Tôm càng xanh đang có một vị trí quan trọng, tổng diện tích nuôi tôm càng xanh của tỉnh hiện khoảng 1.100ha, sản lượng ước đạt 1.700tấn.
Xuyên suốt thời lượng cho hội thảo đều hướng chung tới nội dung: khó khăn và thuận lợi trong quá trình nuôi tôm càng xanh. Ông Như Văn Cẩn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Tháp cũng đã nêu những ưu ái thiên nhiên cho vùng đất này, người dân cũng đã có hình thức chuyển đổi nuôi trồng phù hợp như: nuôi thâm canh trong lúa, Tôm trong lũ.. đạt được những kết quả khả quan. Tuy nhiên vẫn còn nhiều điểm bất cập: chưa có quy hoạch tổng thể, chất lượng đàn bố mẹ kém, nguồn giống chưa đủ nhu cầu của người nuôi…
Hội nghị “Định hướng và giải pháp phát triển nuôi tôm càng xanh”
Cũng tại hội thảo nhiều đại biểu đã mạnh dạn nêu lên những kiến nghị về thực trạng hiện tại như: tỉnh cần có sự hổ trợ và giới thiệu về nguồn giống rõ ràng, sạch bệnh; có sự hỗ trợ kịp thời trong việc khuyến khích người nuôi áp dụng các chứng nhận như GlobGap, VietGap… có chế độ ưu đãi cho các cá nhân đơn vị xây dựng cơ sở sản xuất đảm bảo ổn định nguồn giống, hỗ trợ phần đầu ra và tạo thương hiệu cho con tôm càng xanh nhằm giúp người dân mạnh dạn đầu tư sản xuất.
Theo Quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản vùng ĐBSCL; trong đó đến năm 2015, diện tích nuôi tôm càng xanh đạt 26.900 ha và đến năm 2020 là 35.100 ha, như vậy để đạt được những con số đáng mơ ước này thì ngay bây giờ nhà nước cần phải có những chỉ đạo kịp thời, giải quyết những tồn đọng và khó khăn nhằm hướng đến giá trị thực cho con tôm càng xanh trong những năm tương lai.
Nguyễn Huệ