Sản phẩm rau an toàn của Công ty Cổ phần VIFOTEC cung ứng được gắn tem truy xuất nguồn gốc. Ảnh: VIFOTEC
Bộ Khoa học và Công nghệ đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP, Nghị định số 74/2018/NĐ-CP, Nghị định số 86/2012/NĐ-CP và biện pháp thi hành Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định là cần thiết, nhằm triển khai thực hiện quy định của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1258/QĐ-TTg và giải quyết được các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện thời gian vừa qua về sử dụng mã nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu; truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa và phân công trách nhiệm quản lý chất lượng đối với các Bộ, ngành.
Điều 3 Dự thảo Nghị định Sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 132/2008/NĐ-CP có bổ sung Mục 8 Chương II Nghị định 132/2008/NĐ-CP “Quản lý về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa” trong đó bổ sung Điều 19đ “Quản lý nhà nước về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa” như sau.
Bộ Khoa học và Công nghệ giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về truy xuất nguồn gốc bảo đảm nâng cao năng lực kỹ thuật cho việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa và hỗ trợ phát triển sản phẩm, hàng hóa chủ lực, phát triển kinh tế-xã hội của các bộ, ngành, địa phương.
Các bộ, ngành phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai, thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm, hàng hóa trong phạm vi, lĩnh vực được phân công quản lý.
UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với các bộ, cơ quan triển khai hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa tại địa phương.
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, việc bổ sung quy định quản lý về truy xuất nguồn gốc trong Nghị định số 132/2008/NĐ-CP sẽ mang lại các hiệu quả như: Xác định những nhiệm vụ cần triển khai, phương án và phân công trách nhiệm Bộ, ngành, các bên liên quan trong quá trình quản lý và thực thi hoạt động truy xuất nguồn gốc một cách bài bản, hiệu quả.
Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam chủ động xây dựng, triển khai, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế thông qua việc ứng dụng công nghệ mới trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mã số mã vạch theo chuẩn quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình xuất khẩu sản phẩm, hàng hóa, nâng cao uy tín, thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước.
Quản lý các sản phẩm, hàng hóa tại Việt Nam (do các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam) bảo đảm an toàn cho người sử dụng ở thị trường trong nước và nước ngoài.
Thống nhất nguyên tắc, phương thức truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm, hàng hóa nâng cao quản lý chất lượng, an toàn, vệ sinh sản phẩm, hàng hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, giúp người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm, hàng hóa có chất lượng, đúng nguồn gốc xuất xứ.
Cũng theo Bộ KH&CN, việc bổ sung quy định “Quản lý về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa” nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc hiện nay về truy xuất nguồn gốc và mang lại các hiệu quả thiết thực trong việc triển khai quy định tại Điều 10, Điều 12, Điều 16 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Quyết định số 100/QĐ-TTg và có căn cứ để quản lý, thống nhất về nội dung truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, giải quyết những khó khăn, bất cập trong thời gian vừa qua.
Cụ thể, hệ thống tiêu chuẩn quốc gia và các văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở để triển khai áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc của Việt Nam chưa đầy đủ, thiếu tính đồng bộ và thống nhất [(i) - tổ chức và kiểm soát quá trình vận chuyển, lưu giữ, bảo quản hàng hóa để duy trì chất lượng]; tem truy xuất nguồn gốc áp dụng trên các sản phẩm hiện nay chưa được chuẩn hóa về nội dung và hình thức [(ii) - thông báo điều kiện phải thực hiện khi vận chuyển, lưu giữ, bảo quản hàng hóa theo quy định của pháp luật]; các hệ thống truy xuất nguồn gốc hiện tại mang tính khép kín, không có khả năng tương tác, liên kết, chia sẻ và trao đổi dữ liệu với các hệ thống truy xuất nguồn gốc khác [(iii) - áp dụng các biện pháp để duy trì chất lượng hàng hóa trong vận chuyển, lưu trữ, bảo quản]; (iv) thông tin truy xuất nguồn gốc chưa đáp ứng đúng yêu cầu về truy xuất (không duy trì một hệ thống truy xuất nguồn gốc nhằm thu thập và bổ sung thêm các thông tin sự kiện liên quan đến sản phẩm trong suốt chuỗi cung ứng).
Bên cạnh đó, việc sửa đổi bổ sung các nghị định này còn phù hợp với thực tiễn quản lý, bắt kịp với xu hướng phát triển, triển khai truy xuất nguồn gốc trên thế giới và trình độ phát triển công nghệ hiện nay trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Thời gian qua, việc triển khai quy định tại các nghị định nêu trên đã mang lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp, ví dụ như đối với hàng hóa nhóm 2 nhập khẩu thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ, đã chuyển 91% nhóm sản phẩm, hàng hóa (với 93,3% loại sản phẩm cụ thể phân theo mã HS) do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý sang cơ chế hậu kiểm (áp dụng biện pháp quản lý theo (a) Kết quả tự đánh giá sự phù hợp của tổ chức, cá nhân; (b) Kết quả chứng nhận, giám định của tổ chức chứng nhận, tổ chức giám định đã đăng ký hoặc được thừa nhận theo quy định của pháp luật).
Như vậy, trong năm 2019 và năm 2020, chi phí đối với hàng hóa nhập khẩu thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ chuyển sang cơ chế hậu kiểm đã giảm (bao gồm chi phí lưu kho, bãi; chi phí cho người đi làm thủ tục nhập khẩu), cụ thể: năm 2019 ước tính tổng chi phí giảm được cho các doanh nghiệp khoảng gần 590 tỷ đồng và năm 2020 tổng chi phí giảm được cho doanh nghiệp là hơn 830 tỷ đồng.
Xem toàn văn Dự thảo Nghị định tại Đây
Xem toàn văn Dự thảo Tờ trình tại Đây
Nguồn: http://thunghiemngaynay.vn/sua-doi-va-bo-sung-cac-quy-dinh-quan-ly-ve-truy-xuat-nguon-goc-n3093.html