Thông tư 50 của Bộ Y tế ban hành dư lượng tối đa thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm tại Phụ lục kèm theo, theo đó:
- Giới hạn tồn dư 2,4-D trong trứng là 0,01 mg/kg, dư lượng đối đa 2,4-D trong thịt gia cầm là 0,05 mg/kg, trong thịt động vật có vú là 0,2 mg/kg.
- Dư lượng tối đa 2-Phenylphenol trong trái lê là 20 mg/kg, trong quả có múi thuộc họ cam quýt là 10 mg/kg.
- Dư lượng tối đa Abamectin trong thịt gia súc, dưa chuột, thịt dê là 0,01 mg/kg, trong sữa gia súc là 0,005 mg/kg, dư lượng tối đa Abamectin trong cà chua, dâu tây, lê là 0,02 mg/kg.
- Tồn dư tối đa Acephate trong trứng, thịt gia cầm là 0,01 mg/kg, trong thịt động vật có vú là 0,05 mg/kg, tồn dư tối đa Acephate trong gạo và cà chua là 1 mg/kg.
Cũng theo Thông tư 50/2016/BYT, giới hạn tối đa dư lượng thuốc BVTV là hàm lượng tối đa tồn dư thuốc BVTV trong thực phẩm. Tồn dư thuốc BVTV là các chất tồn dư trong thực phẩm do sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Và việc tồn dư hóa chất này có thể vì các nguồn chưa biết, từ tự nhiên hay do việc dùng hóa chất của con người. Tồn dư thuốc BVTV còn bao gồm các dẫn xuất của thuốc BVTV.
Thông tư số 50/BYT cũng giải thích lượng ăn vào hằng ngày chấp nhận được là lượng ăn vào hằng ngày của một hóa chất trong suốt cuộc đời mà không gây hại tới sức khoẻ con người.
Thông tư số 50/2016/TT-BYT có hiệu lực ngày 01/7/2017 và thay thế Phần 8 về giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm tại Quyết định 46/2007 của Bộ Y tế.