Tiêu chuẩn JFS-C: Giấy thông hành để thực phẩm Việt vào Nhật Bản (29/09/2023)

Đây là các nội dung được chia sẻ tại hội thảo “Các quy định về nhập khẩu thực phẩm và lợi ích khi áp dụng tiêu chuẩn JFS đối với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm Việt xuất khẩu sang Nhật Bản." diễn ra chiều 29/9/2023, tại Thành phố Hồ Chí Minh.


Toàn cảnh hội thảo.

Hội thảo do Văn phòng SPS Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) và Hiệp hội Rau quả Việt Nam phối hợp tổ chức nhằm cung cấp thêm thông tin cho doanh nghiệp Việt Nam đang có nhu cầu xuất khẩu thực phẩm vào Nhật Bản.


Ông Lê Thanh Hòa phát biểu tại hội thảo.

Theo ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT), với 4 hiệp định thương mại mà Việt Nam và Nhật Bản cùng tham gia sẽ tạo nhiều cơ hội cho doanh nghiệp hai bên phát triển thương mại, đầu tư; trong đó có thương mại nông lâm thủy sản.

Về xuất khẩu nông lâm thủy sản, Nhật Bản là đối tác thương mại thứ 3 của Việt Nam. Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản nhiều mặt hàng như thủy sản, cà phê, rau quả, sắn…

Với thị trường này, sản phẩm thực phẩm vào Nhật Bản phải có sự giám sát, quản lý chặt chẽ về dư lượng, an toàn thực phẩm. Khi doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu thị trường Nhật Bản và trở thành bạn hàng tin cậy thì việc phát triển thương mại khá thuận lợi.

Riêng với thủy sản, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) đánh giá, Nhật Bản là 1 trong 4 thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Đặc biệt với sản phẩm tôm thì Việt Nam là nguồn cung số 1 tại thị trường này với từ 25-26% thị phần.

Năm nay, xuất khẩu thủy sản rất khó khăn, nhưng từ đầu năm đến nay, xuất khẩu thủy sản sang thị trường Nhật Bản giảm chỉ bằng 50% mức độ giảm của cả ngành thủy sản, với mức âm khoảng 13-14%. Điều đó cho thấy Nhật Bản có nhu cầu thủy sản tốt, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực phẩm của Việt Nam cũng rất quan tâm và tìm hướng để xuất khẩu vào thị trường này. “Tuy nhiên, mức độ yêu cầu về tiêu chuẩn, an toàn thực phẩm của Nhật Bản với thực phẩm rất cao. Doanh nghiệp Nhật Bản cũng có niềm tin rất cao với các bạn hàng nhập khẩu. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam luôn phải duy trì đảm bảo an toàn thực phẩm ở mức cao”, ông Nguyễn Hoài Nam nhấn mạnh:

“Nhật Bản có quy định khắt khe về kháng sinh và vi khuẩn gây bệnh. Nếu doanh nghiệp chỉ vi phạm 1 lần về an toàn thực phẩm thì sẽ bị nâng cấp kiểm soát, thậm chí có thể bị kiểm soát 100%".


Ông Masanori Kotani phát biểu tại hội thảo.

Còn theo ông Masanori Kotani, Phó Chủ tịch kiêm Trưởng Ban Thư ký Hiệp hội quản lý An toàn thực phẩm Nhật Bản (JFSM), JFS-C là bộ tiêu chuẩn an toàn thực phẩm quốc tế do JFSM xây dựng. Bộ tiêu chuẩn được Tổ chức Sáng kiến an toàn thực phẩm toàn cầu (GFSI) công nhận phù hợp với các yêu cầu mới nhất về chuẩn mực an toàn thực phẩm.

JFS-C cũng là 1trong 14 chương trình chứng nhận đã được GFSI công nhận và được phê duyệt đầu tiên ở khu vực châu Á vào tháng 10/2018. Đến nay, bộ tiêu chuẩn JFS-C đã được các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm Nhật Bản tại châu Á tin tưởng và đang mở rộng áp dụng ngày càng rộng rãi.

Ông Masanori Kotani nhấn mạnh rằng, nếu doanh nghiệp đạt được tiêu chuẩn này cũng giống như đã được cấp hộ chiếu, giấy thông hành để hàng hóa dễ dàng xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản và nhiều thị trường khác tin dùng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của Nhật Bản.

Cùng với giới thiệu lịch sử của hệ thống quản lý an toàn thực phẩm, sự phát triển của HACCP và những hạn chế; Lịch sử phát triển của Chứng nhận quản lý an toàn thực phẩm; Đặc điểm của hệ thống quản lý;… ông Masanori Kotani đã khái quát các yếu tố cấu thành Hệ thống quản lý ATTP theo tiêu chuẩn JFS; Nội dung yêu cầu của (FSM - Quản lý an toàn thực phẩm) của tiêu chuẩn này và cho biết, mấy ngày trước, Hiệp hội Quản lý an toàn thực phẩm Nhật Bản đã chính thức công nhận Công ty Cổ phần Chứng nhận và Giám định VinaCert là tổ chức đầu tiên của Đông Nam Á chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế về an toàn thực phẩm JFS-C.

Thông qua tổ chức Chứng nhận và Giám định VinaCert, việc chứng nhận các doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, thực phẩm phù hợp với yêu cầu của tiêu chuẩn JFS-C không chỉ giúp các doanh nghiệp Việt mở rộng giao dịch với các công ty Nhật Bản, mà còn thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp thực phẩm an toàn của Việt Nam.


Các đại biểu tại hội thảo.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Chứng nhận và Giám định VinaCert cho biết, đây là tiêu chuẩn tự nguyện, nhưng khi đối tác nhập khẩu chưa biết nhiều về doanh nghiệp xuất khẩu thì sản phẩm khi có chứng nhận JFS-C sẽ tạo sự tin tưởng hơn cho đối tác.

Việc các doanh nghiệp đã có các chứng nhận Hệ thống quản lý khác, nếu chuyển sang chứng nhận JFS-C cũng không có quá nhiều phức tạp vì JFS-C là bộ tiêu chuẩn tiên tiến nhất có thể áp dụng cho các loại hình doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm. 

Để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tiêu chuẩn JFS-C, cũng tại hội thảo, các đại biểu đã nghe đại diện của VinaCert giới thiệu về thủ tục quy trình, quy định đánh giá chứng nhận tiêu chuẩn JFS-C của VinaCert, của JFSM; Lộ trình để đạt chứng nhận JFS-C; Hướng dẫn các bước để doanh nghiệp tiếp cận và đạt chứng nhận JFS-C;…

VinaCert

Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, Tương Mai, Hoàng Mai, Tp. Hà Nội
Điện thoại: 0243.634.1933
Fax: 0243.634.1137
Email: sale@vinacert.vn
Giấy phép đăng ký kinh doanh số:
0102152121
Cấp ngày: 18/11/2022 " cấp lần 5"
Tại Sở KH& Đầu tư TP.Hà Nội.
Bản quyền © 2007 - Thuộc về Công ty CP Chứng nhận và Giám định VinaCert
Đang online: 49
Tổng truy cập: 11488562