Tham dự Hội thảo có ông Phạm Khánh Ly - Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản; ông Nguyễn Việt Thắng - Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam; đại diện Sở NN&PTNT các tỉnh trong khu vực ĐBSCL, các tỉnh ven biển, Trung tâm Khuyến nông, Khuyến ngư, Hội Nghề cá, Chi cục Thủy sản các tỉnh...Tham gia hội thảo với tư cách thành viên của Hội Nghề cá Việt Nam, đại diện Vinacert có bà Nguyễn Thị Huệ - Trưởng Văn phòng Cần Thơ.
Trong phần phát biểu, ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam đã đưa ra nhiều con số: tổng sản lượng thủy sản năm 2013 của cả nước ước tính đạt trên 6 triệu tấn, tăng hơn 2% so với năm 2012 (trong đó, sản lượng khai thác đạt trên 2,7 triệu tấn; nuôi trồng đạt 3,34 triệu tấn); hai đối tượng nuôi chủ lực là cá tra đạt trên 1,1 triệu tấn trên tổng diện tích nuôi là 5.200 ha; tôm nước lợ đạt gần 550.000 tấn trên tổng diện tích nuôi là 666.000 ha. Ông Thắng cũng cho biết ĐBSCL là vùng dẫn đầu cả nước về diện tích nuôi lẫn sản lượng. Các sản phẩm của nghề nuôi đã có những đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Tuy nhiên, ngoài những kết qua đạt được, người nông dân đang phải đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn như: nguồn giống trôi nổi, giá thức ăn biến động, môi trường, dịch bệnh và những tác động tiêu cực khác. Để tháo gỡ những khó khăn này, VietGAP ra đời được xem là giải pháp quan trọng nhằm hạn chế tối đa những tác động tiêu cực cho nghề nuôi trồng, giúp nghề nuôi phát triển bền vững đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm hỗ trợ cho các hoạt động xuất khẩu.
Đại diện Sở NN&PTNN Sóc Trăng, ông Trần Đình Luân, PGĐ Sở cũng đã nêu ra vai trò của ngành thủy sản trong việc phát triển của nền kinh tế quốc dân. Ông cho rằng: vấn đề không phải là chứng nhận nào, mà quan trọng là cách làm có thật hay không, sản phẩm có đáp ứng được các tiêu chí chất lượng của thị trường hay không. Việc sản lượng thủy sản tăng bao nhiêu cũng không phải là yếu tố quyết định trong phát triển thủy sản, mà là chất lượng và hiệu quả đạt được ra sao. Do đó, chúng ta cần tận dụng tất cả các nguồn lực để phát triển theo nhóm cộng đồng, phát huy và duy trì hiệu quả thực hiện, từng bước hoàn thiện các tiêu chí theo chuẩn mực quốc tế.
Hội thảo tập trung vào phần tọa đàm với những ý kiến sát thực và có phần nóng hơn khi hầu hết các doanh nghiệp, hợp tác xã đều quan tâm về đầu ra sản phẩm khi được chứng nhận VietGAP, thời điểm các chứng nhận được thừa nhận lẫn nhau, nguyên nhân tại sao đánh giá chứng nhận VietGAP chỉ hổ trợ cho hộ nuôi mà chưa có chính sách hổ trợ các doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Nhiệm - Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh đã đưa ra ý kiến rất thẳng thắn: Sản phẩm sản xuất theo tiêu chí VietGAP liệu chắc chắn có chất lượng tốt hơn so với sản phẩm không ứng dụng VietGAP hay không? Sau khi áp dụng giá gần như không thay đổi, chưa kể áp dụng VietGAP còn phải tốn một khoản chi phí nhất định, như vậy làm thế nào để người nuôi mặn mà áp dụng bộ tiêu chuẩn này?
Hy vọng với những trăn trở của người dân, các cấp quản lý sẽ có những động thái tích cực, chung tay xây dựng để ứng dụng VietGAP không chỉ là những cuộc vận động mà trở thành ý thức tự nguyện đồng lòng, cùng hướng đến một ngành thủy sản phát triển bền vững mang thương hiệu và dấu ấn của Việt Nam.
Nguyễn Huệ - VinaCert Cần Thơ