Ông Đậu Anh Tuấn phát biểu khai mạc hội thảo.
Phát biểu khai mạc, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI, cho biết, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật được Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì soạn thảo, dự kiến được trình Quốc hội cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 8.
Dự thảo Luật được đánh giá là có những sửa đổi, bổ sung có thể ảnh hưởng lớn tới hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và các tổ chức đánh giá sự phù hợp.
Chia sẻ một số ý kiến về quản lý tiêu chuẩn của Việt Nam, ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hội VinaLAB, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Chứng nhận và Giám định VinaCert cho biết: Để trở thành thành viên tổ chức WTO, một yêu cầu bắt buộc là hệ thống pháp luật của Việt Nam phải đáp ứng yêu câu của hiệp định TBT (Agreement Technical barriers to trade). Điểm mấu chốt của việc đáp ứng yêu cầu hiệp định TBT là phải trả lời câu hỏi: Ai ban hành tiêu chuẩn, quy định kỹ thuật?. Ban hành theo trình tự nào? Ai đánh giá để khẳng định sản phẩm, hàng hóa phù hợp với tiêu chuẩn, Quy định đó?. Trong khi, tại thời điểm đó. Hệ thống văn bản quy định chất lượng sản phẩm hàng hóa của Việt Nam lại tồn tại trong 02 loại văn bản chính là Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) và tiêu chuẩn ngành (TCN). Để giải quyết vấn đề này, Luật Tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật 2006 đã chọn giải pháp kỹ thuật là có một dạng văn bản mới là Quy chuẩn kỹ thuật (quốc gia và địa phương). Giải pháp này đã được đoàn đàm phán WTO đưa ra ban thư ký WTO và các bên quan tâm lại phiên kỹ thuật thứ 11 tại Geneva và đã được các bên chấp thuận. Đấy là lý do tại sao trên thế giới chỉ có Việt Nam có quy chuẩn kỹ thuật.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hội VinaLAB, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Chứng nhận và Giám định VinaCert phát biểu tại hội thảo.
Quy chuẩn kỹ thuật đã giúp nền sản xuất trong nước bước qua thời kỳ quá độ khi trình độ sản xuất của các doanh nghiệp trong nước còn thấp, chưa tương đồng với trình độ sản xuất của các nền kinh tế thành viên.
Sau gần 20 năm, việc quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa chủ yếu dựa vào quy chuẩn kỹ thuật đã không còn phù hợp nữa, nhất là trong bối cảnh hiện nay Việt Nam đã tham gia nhiều thoả thuận thương mại thế hệ mới do vậy rất cần sửa đổi hai luật trên trên tình thần xác định phương pháp quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa sao cho phù hợp với tình hình hiện nay.
Hiện nay doanh nghiệp Việt Nam đã thích nghi với hoạt động đánh giá sự phù hợp, do đó các doanh nghiệp FDI rất mong đời và kỳ vọng ở sự minh bạch về chất lượng, xem đó là lợi thế cạnh tranh.
Bên cạnh đó, rất nhiều tiêu chuẩn quốc tế đã được áp dụng tại Việt Nam, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp trong nước; thúc đẩy sản xuất và mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước trên thế giới.
Toàn cảnh hội thảo.
Từ chủ trương xã hội hóa hoạt động đánh giá sự phù hợp, Việt Nam đã có hàng trăm tổ chức chứng nhận tư nhân; hàng chục phòng thử nghiệm tư nhân và 03 tổ chức công nhận được quốc tế thừa nhận.
Cùng với phân tích các vấn đề còn tồn tại đối với tổ chức đánh giá sự phù hợp đã đáp ứng yêu cầu của Nghị định 107/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp, và Nghị định 154/2018/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ và một số quy định về kiểm tra chuyên ngành, ông Dũng cho biết, thực tế hiệu quả hoạt động của các tổ chức này đạt rất thấp.
Cùng với bất cập về cơ chế chính sách, việc đăng ký hoạt động, đăng ký lĩnh vực, chỉ tiêu thử nghiệm mới,… cũng rất khó khăn, dẫn đến kết quả đánh giá sự phù hợp của các tổ chức tại Việt Nam gần như chưa được sự thừa nhận của quốc tế, chưa có thương hiệu quốc gia về lĩnh vực này.
“Bãi bỏ quy chuẩn kỹ thuật và chứng nhận hợp quy, hướng đến thành lập hệ thống Tiêu chuẩn Quốc gia, Tiêu chuẩn Hiệp hội và Tiêu chuẩn cơ sở. Chấp nhận các tiêu chuẩn này là căn cứ để đánh giá sự phù hợp. Cái gì có tiêu chuẩn hãy để cho các tổ chức đánh giá sự phù hợp (Chứng nhận, thử nghiệm, công nhận) thực hiện; các cơ quan quản lý nhà nước thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp của các tổ chức đánh giá sự phù hợp đủ năng lực theo các chuẩn mực quốc tế và quy định của nhà nước (nếu cần)”, ông Dũng kiến nghị.
Đồng quan điểm trên, đại diện công ty Canon Việt Nam kiến nghị, quy chuẩn/tiêu chuẩn Việt Nam cần hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiến tới thừa nhận tiêu chuẩn của quốc tế. Khó khăn hiện nay của doanh nghiệp là vừa phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật trong nước, vừa phải đáp ứng tiêu chuẩn của nước ngoài, hoặc sản phẩm nhập khẩu đã đạt tiêu chuẩn cao hơn các quy chuẩn kỹ thuật nhưng khi nhập khẩu về Việt Nam vẫn phải đáp ứng yêu cầu các quy chuẩn mới đủ điều kiện lưu hành trong nước.
Ông Hà Minh Hiệp, Quyền Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia phát biểu tại hội thảo.
Trước các tham luận và đề xuất kiến nghị từ đại diện các Hiệp hội, doanh nghiệp, ông Hà Minh Hiệp, Quyền Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia, cho biết: Trước thực tế việc áp dụng tiêu chuẩn hiện nay không áp dụng riêng tại 1 cơ quan mà áp dụng ở nhiều cơ quan khác nhau, dẫn đến việc triển khai tiêu chuẩn hóa cũng hạn chế, các quy trình thủ tục không đồng nhất giữa các bộ, ngành.
Mặc dù sẽ xung đột với nhiều Bộ luật khác nhưng trong thời gian tới, Ủy ban Tiêu chuẩn sẽ tập trung hướng tới quy hoạch và soạn thảo các văn bản tiêu chuẩn Việt Nam theo hướng tập trung cao nhất vào sự thừa nhận lẫn nhau.
Trong khuôn khổ chương trình hội thảo, nhằm tăng cường hỗ trợ các hoạt động quản lý nhà nước và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam thúc đẩy phát triển kinh tế, thương mại, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam, trước sự chứng kiến của đại diện Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, đại điện của các bộ, cơ quan của Chính phủ, hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp, cơ quan thông tấn, báo chí, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Uỷ ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia (STAMEQ) đã ký kết Biên bản ghi nhớ về phối hợp và hợp tác giữa hai bên.