Để triển khai Luật An toàn thực phẩm, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản, trong đó có Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg ngày 9/1/2012 về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản. Quyết định này đưa ra nhiều chính sách đối với sản xuất, sơ chế các sản phẩm nông - lâm - thủy sản áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGap). Cụ thể như: Ngân sách nhà nước sẽ đầu tư 100% kinh phí điều tra cơ bản, khảo sát địa hình, phân tích mẫu đất, nước, không khí để xác định các vùng sản xuất tập trung thực hiện các dự án sản xuất nông - lâm - thủy sản áp dụng VietGAP do cấp có thẩm quyền phê duyệt; Hỗ trợ không quá 50% tổng vốn đầu tư xây dựng, cải tạo đường giao thông, hệ thống thủy lợi, trạm bơm, điện hạ thế, hệ thống xử lý chất thải, hệ thống cấp thoát nước của vùng sản xuất tập trung để phù hợp với yêu cầu kỹ thuật Viet GAP; Đầu tư cho việc đào tạo, tập huấn cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, cán bộ khuyến nông các cấp. Đồng thời dạy nghề cho lao động nông thôn áp dụng VietGAP trong sản xuất, sơ chế sản phẩm an toàn; biên soạn, in ấn tài liệu, biểu mẫu phục vụ cho các lớp đào tạo, tập huấn; Hỗ trợ một lần kinh phí thuê tổ chức chứng nhận đánh giá để được cấp Giấy chứng nhận sản phẩm an toàn; Áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới trong sử dụng giống kháng sâu bệnh, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), quản lý cây trồng tổng hợp (ICM); Hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại theo quy định tại Quyết định số 72/2010/QĐ-TTg ngày15/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện chương trình xúc tiến thương mại quốc gia. Các tổ chức, cá nhân có dự án đầu tư sản xuất, sơ chế sản phẩm áp dụng VietGAP còn được hưởng các chính sách hỗ trợ và ưu đãi khác theo các quy định hiện hành.
Chính sách của Chính phủ ban hành rất kịp thời và phù hợp với ước vọng của người nông dân nhưng đã gần hai năm trôi qua, các chính sách này vẫn chỉ nằm trong ngăn kéo của các nhà quản lý vì chưa có "Thông tư hướng dẫn thực hiện các chính sách trên”. Điều này đã dẫn đến một hệ lụy là các địa phương thiếu căn cứ để triển khai, người dân thì lại vẫn phải chờ và cũng chỉ biết đợi mà thôi.
Vậy đến bao giờ Thông tư liên tịch quan trọng và cấp thiết của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính mới được ban hành để nông dân sớm được hưởng những chính sách của Chính phủ? Câu hỏi này đang chờ câu trả lời từ các nhà quản lý.