Giới thiệu về e.GAP và lợi ích của e.GAP
Trong xu thế hội nhập toàn cầu, xây dựng chuỗi cung cấp thực phẩm nông sản an toàn là tất yếu đối với ngành nông nghiệp nhằm thay đổi tập quán canh tác, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch của người tiêu dùng.
Với ý nghĩa đó, Chuỗi an toàn thực phẩm Việt Nam (VFSC - Vietnam Food Safety chain) đã được thiết lập, được quản lý vận hành bởi Viện An toàn thực phẩm và Dinh dưỡng (NFSI).
Thông qua việc sử dụng phần mềm mở cùng nền tảng công nghệ Blockchain, sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam truy xuất nguồn gốc theo nguyên tắc “Từ trang trại đến bàn ăn”. VFSC áp dụng cho các trang trại chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản và cây cảnh với các tiêu chí đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm dựa trên yêu cầu các tiêu chuẩn: VietGAP; AseanGAP; GlobalG.A.P; ASC.
Các trang trại khi tham gia Chuỗi an toàn thực phẩm Việt Nam, sản phẩm sẽ được chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn VFSC theo phương thức chứng nhận VietGAP điện tử (e.GAP). Phương thức chứng nhận này góp phần hỗ trợ tối đa công tác quản lý, truy xuất nguồn gốc và kết nối thị trường nông sản; giúp các tổ chức/ doanh nghiệp/ cá nhân quản lý hoạt động sản xuất, kết nối cơ sở sản xuất với thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Lợi ích của e.GAP
Tham gia VFSC và sử dụng phương thức chứng nhận e.GAP các trang trại sẽ nhận được một số lợi ích chủ yếu như sau:
1 - Từng bước giúp nông dân Việt Nam trở thành những người nông dân biết hoạch định công việc của mình;
2 - Giúp người nông dân quản lý trang trại của mình một cách cụ thể để từ đó có cơ sở hạch toán chính xác hiệu quả công việc của mình;
3 - Trợ giúp nông dân sử dụng vật tư phù hợp, đúng chất lượng;
4 - Giúp nông dân biết được nhu cầu của thị trường để từ đó có kế hoạch sản xuất phù hợp tránh tình trạng được mùa mất giá trong tương lai gần;
5 - Giúp nông dân truyển tải thông tin đến người tiêu dùng biết được chất lượng sản phẩm của mình một cách chính xác, tin cậy và kịp thời;
6 - Giúp nông dân áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP; AseanGAP; GlobalG.A.P; ASC được thuận lợi, giảm thiểu tối đa việc ghi chép hồ sơ giấy;
7 - Giúp nông dân có đủ thông tin chính xác, tin cậy để cung cấp cho đối tác, bạn hàng về chất lượng sản phẩm của mình. Dữ liệu mà VFSC thu thập được là cơ sở truy xuất điện tử nguồn gốc sản phẩm hàng hóa của mỗi trang trại;
8 - Nông dân có thể được hưởng một số ưu đãi từ các đối tác (cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan khuyến nông, tổ chức đánh giá sự phù hợp…) của VFSC thông qua các thỏa thuận cam kết giữa các đối tác với VFSC;
9 - Giúp người tiêu dùng có thể biết được chính xác nguồn gốc, chất lượng sản phẩm nông sản, thực phẩm mà mình đã trả tiền;
10 - Giúp cơ quan khuyến nông dễ dàng tiếp cận theo dõi và giúp đỡ các trang trại về kỹ thuật, quản lý sâu bệnh, dịch bệnh một cách nhanh chóng, kịp thời.