Chứng nhận SP xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản

 

MỞ RỘNG TẤT CẢ THU HẸP TẤT CẢ
1

Sản phẩm xử lý môi trường nuôi thủy sản phải được chứng nhận hợp quy

Chi tiết

Từ ngày 01 tháng 01 năm 2020, tất cả các tổ chức/cá nhân liên quan bắt buộc phải thực hiện chứng nhận hợp quy sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản theo quy chuẩn kỹ thuật trước khi lưu hành trên thị trường Việt Nam.

Ngày 09/8/2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 02-32-1: 2019/BNNPTNT về Sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản. Quy chuẩn này áp dụng đối với tất cả tổ chức/cá nhân liên quan đến hoạt động sản xuất, nhập khẩu hóa chất, chế phẩm sinh học xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam.

Theo đó kể từ ngày 01/1/2020, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản trước khi lưu hành trên thị trường Việt Nam bắt buộc phải thực hiện chứng nhận hợp quy, nhằm đảm bảo chất lượng các sản phẩm đáp ứng các quy định về mức giới hạn an toàn đối với hóa chất, khoáng chất, chế phẩm sinh học xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản.

1. Đối với Hóa chất xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản:

QCVN 02-32-1: 2019/BNNPTNT quy định Mức giới hạn tối thiểu và Mức giới hạn tối đa đối với 08 loại hóa chất: Calcium hypochlorite, Sodium hypochlorite, Formaldehyde, Glutaraldehyde, Benzalkonium chloride, Povidone – iodine, Potassium permanganate, Trichloroisocyanuric acid.

Đối với các hóa chất thuộc Danh mục hóa chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, nguyên liệu sản xuất thức ăn được phép sử dụng trong nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam: phải đảm bảo Mức giới hạn tối đa được quy định trong Quy chuẩn này.

2. Đối với Khoáng chất tự nhiên xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản:

QCVN 02-32-1: 2019/BNNPTNT quy định Mức giới hạn tối thiểu và Mức giới hạn tối đa đối với các sản phẩm: CaO, MgO, Ca(OH)2, Mg(OH)2, CaCO3, CaMg(CO3)2, Zeolite.

Đối với các khoáng chất tự nhiên xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản khác (thuộc Danh mục hóa chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, nguyên liệu sản xuất thức ăn được phép sử dụng trong nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam) phải đảm bảo Mức giới hạn tối đa được quy định trong Quy chuẩn này.

3. Đối với Chế phẩm sinh học xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản:

QCVN 02-32-1: 2019/BNNPTNT quy định Mức giới hạn tối thiểu và Mức giới hạn tối đa đối với các sản phẩm: Chế phẩm vi sinh vật, Chế phẩm hỗn hợp có chứa vi sinh vật sống, Chế phẩm từ hạt bã trà.

Đối với chế phẩm sinh học vi sinh vật có nhiều loài (Species) cùng một giống (Genus) thì số lượng trung bình mỗi loài vi sinh vật sống ≥106CFU/g (hoặc ml). Chế phẩm enzyme, chế phẩm chiết xuất từ vi sinh vật, chế phẩm hỗn hợp phải đảm bảo Mức giới hạn tối đa được quy định trong Quy chuẩn này.

Vì vậy, chứng nhận hợp quy sản phẩm xử lý môi trường thủy sản là hoạt động bắt buộc. 

4. Biện pháp công bố hợp quy sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản

Ngày 02/3/2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư 03/2020/TT-BNNPTNT về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 02-32-2:2020/BNNPTNT Phần 2: Hỗn hợp khoáng (premix khoáng), hỗn hợp vitamin (premix vitamin). Thông tư này quy định tổ chức, cá nhân công bố hợp quy hỗn hợp khoáng (premix khoáng), hỗn hợp vitamin (premix vitamin) và hỗn hợp khoáng - vitamin xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản theo biện pháp:

Đối với sản phẩm sản xuất trong nước: Kết quả chứng nhận của tổ chức chứng nhận đã đăng ký hoặc được thừa nhận theo quy định của pháp luật.

Đối với sản phẩm nhập khẩu: Kết quả chứng nhận, giám định của tổ chức chứng nhận, tổ chức giám định đã đăng ký hoặc được thừa nhận theo quy định của pháp luật.

5. Trình tự công bố hợp quy phải tuân thủ quy định sau:

- Trình tự công bố hợp quy và hồ sơ công bố hợp quy theo quy định tại khoản 3, 4 Điều 1 Thông tư số 02/2017/TT-BKHCN ngày 31/3/2017 của Bộ Khoa học và Công nghệ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012.

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy của các tổ chức, cá nhân đăng ký hoạt động sản xuất, kinh doanh tại địa phương.

Bên cạnh đó, Thông tư này quy định tổ chức, cá nhân thực hiện đánh giá sự phù hợp hỗn hợp khoáng (premix khoáng), hỗn hợp vitamin (premix vitamin) và hỗn hợp khoáng - vitamin xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản theo phương thức:

- Đối với sản phẩm sản xuất trong nước: thực hiện theo phương thức 5 (thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá quá trình sản xuất; giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất hoặc trên thị trường kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất).

Trường hợp cơ sở sản xuất đã được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản còn hiệu lực thì không phải đánh giá quá trình sản xuất.

- Đối với sản phẩm nhập khẩu: thực hiện theo phương thức 7 (thử nghiệm, đánh giá lô sản phẩm, hàng hóa). 

6. Trình tự đánh giá sự phù hợp:

Nội dung, trình tự và nguyên tắc sử dụng các phương thức đánh giá sự phù hợp theo quy định tại phụ lục II Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 của Bộ khoa học và Công nghệ quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

2

Thủ tục nhập khẩu sản phẩm xử lý môi trường nước trong nuôi trồng thủy sản

Chi tiết

Điều 36 Luật Thủy sản 2017 quy định về nhập khẩu sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản như sau:

- Thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản khi nhập khẩu phải được kiểm tra chất lượng.

- Tổ chức, cá nhân được nhập khẩu thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản có hóa chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản thuộc Danh mục hóa chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, nguyên liệu sản xuất thức ăn được phép sử dụng trong nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam; trường hợp nhập khẩu thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản có hóa chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản không thuộc danh mục quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều 31 của Luật này để khảo nghiệm, nghiên cứu khoa học, trưng bày tại hội chợ, triển lãm phải được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép.

Theo đó, nhập khẩu sản phẩm xử lý nuôi trồng thủy sản phải được kiểm tra chất lượng.

Trình tự thủ tục kiểm tra chất lượng sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản được quy định tại Điều 29 Nghị định 26/2019/NĐ-CP quy định về kiểm tra chất lượng sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản nhập khẩu:

(1) Cơ quan kiểm tra: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh khi được ủy quyền.

(2) Nội dung, trình tự và thủ tục kiểm tra chất lượng thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản nhập khẩu theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

(3) Lấy mẫu kiểm tra chất lượng thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản thực hiện theo tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Trường hợp chưa có tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia quy định về lấy mẫu, thực hiện lấy mẫu theo phương pháp ngẫu nhiên. Người lấy mẫu thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản phải được Tổng cục Thủy sản tập huấn nghiệp vụ lấy mẫu.

(4) Thử nghiệm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản do phòng thử nghiệm đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ định thực hiện. Trong trường hợp chưa có phòng thử nghiệm được chỉ định về thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản thì thực hiện tại phòng thử nghiệm được chỉ định trong lĩnh vực thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón nếu có phương pháp thử phù hợp. Trường hợp các phương pháp thử chưa được chỉ định hoặc chưa được thống nhất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định phương pháp thử được áp dụng.

Trình tự thủ tục nhập khẩu sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản được quy định tại Điều 30 Nghị định 26/2019/NĐ-CP quy định nhập khẩu sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản

(1) Sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản nhập khẩu theo quy định tại khoản 2 Điều 36 Luật Thủy sản phải được Tổng cục Thủy sản cấp phép.

(2) Hồ sơ đăng ký nhập khẩu sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản bao gồm:

- Đơn đăng ký nhập khẩu theo Mẫu số 15.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này;

- Giấy xác nhận về việc tổ chức hoặc tham gia hội chợ, triển lãm tại Việt Nam (đối với trường hợp nhập khẩu để giới thiệu tại hội chợ, triển lãm);

- Đề cương nghiên cứu đã được phê duyệt theo quy định của pháp luật về khoa học công nghệ (đối với trường hợp nhập khẩu để nghiên cứu).

(3) Trình tự thực hiện cấp phép nhập khẩu sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản như sau:

- Tổ chức, cá nhân có nhu cầu nhập khẩu sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản để trưng bày tại hội chợ, triển lãm hoặc nghiên cứu khoa học gửi hồ sơ đến Tổng cục Thủy sản;

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Tổng cục Thủy sản cấp giấy phép nhập khẩu theo Mẫu số 16.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này. Trường hợp không cấp phép phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do;

- Tổng cục Thủy sản có văn bản đề nghị cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh thực hiện giám sát việc tham gia hội chợ, triển lãm, nghiên cứu khoa học của tổ chức, cá nhân đăng ký nhập khẩu.

(4) Khi phát hiện sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản nhập khẩu vào Việt Nam có nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng, môi trường, an toàn sinh học, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, quyết định kiểm tra hệ thống quản lý, sản xuất sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản tại nước xuất khẩu:

a) Thành phần đoàn kiểm tra gồm: Tổng cục Thủy sản và đơn vị liên quan;

b) Nội dung kiểm tra: Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng, môi trường, an toàn sinh học về sản xuất sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản và năng lực thực thi của cơ quan quản lý tại nước xuất khẩu; điều kiện bảo đảm chất lượng, môi trường, an toàn sinh học tại cơ sở xuất khẩu sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản vào Việt Nam;

c) Thông báo, công khai kết quả kiểm tra và quyết định biện pháp xử lý đối với từng trường hợp cụ thể.

VinaCert

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, Tương Mai, Hoàng Mai, Tp. Hà Nội
Điện thoại: 0243.634.1933
Fax: 0243.634.1137
Email: sale@vinacert.vn
Giấy phép đăng ký kinh doanh số:
0102152121
Cấp ngày: 18/11/2022 " cấp lần 5"
Tại Sở KH& Đầu tư TP.Hà Nội.
Bản quyền © 2007 - Thuộc về Công ty CP Chứng nhận và Giám định VinaCert
Đang online: 33
Tổng truy cập: 11446074