Trồng trọt hữu cơ

Nông nghiệp hữu cơ là một hệ thống quản lý sản xuất không sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu tổng hợp nhằm làm giảm tối đa ô nhiễm không khí, đất và nước, tối ưu về sức khỏe và hiệu quả của các cộng đồng sống phụ thuộc lẫn nhau giữa cây trồng, vật nuôi và con người. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp thông thường sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Muốn sản xuất nông nghiệp hữu cơ thành công, cần quan tâm một số yếu tố sau:

Vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ

Chọn vùng sản xuất có ý nghĩa quan trọng quyết định trong sản xuất hữu cơ. Khu vực sản xuất hữu cơ phải được khoanh vùng, phải có vùng đệm hoặc hàng rào vật lý tách biệt với khu vực sản xuất thông thường, cách xa khu vực môi trường bị ô nhiễm hoặc khu tập kết, xử lý chất thải sinh hoạt, công nghiệp, bệnh viện. Đối với khu vực có nguy cơ ô nhiễm bởi gió thì phải trồng cây trong vùng đệm để ngăn ô nhiễm không khí. Nếu có nguy cơ ô nhiễm từ nước, bên ngoài vùng đệm phải tạo một bờ ranh hoặc rãnh thoát nước để tránh nước từ bên ngoài xâm lấn, gây ô nhiễm khu vực sản xuất hữu cơ.

Giống

Giống để sản xuất hữu cơ tốt nhất là giống bản địa, nếu không có giống bản địa thì sử dụng giống thuộc danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh, có nguồn gốc rõ ràng, có khả năng thích nghi với điều kiện sinh thái của địa phương, chống chịu sinh vật gây hại và đảm bảo duy trì chất lượng giống cây trồng trong quá trình sản xuất.

Hạt giống và vật liệu nhân giống vô tính (cành dùng để giâm hoặc chiết, mắt ghép, mô nuôi cấy...) phải đảm bảo các nguyên tắc: không sử dụng giống biến đổi gen; ưu tiên sử dụng giống cây trồng được sản xuất hữu cơ (giống hữu cơ).

Nếu không có sẵn giống hữu cơ thì sử dụng giống thu được từ giống cây trồng thông thường sau khi canh tác theo phương thức sản xuất hữu cơ ít nhất một vụ sản xuất (một thế hệ/vòng đời) đối với cây hàng năm hoặc ít nhất hai vụ thu hoạch đối với cây lâu năm; Sử dụng giống cây trồng không qua xử lý hoặc chỉ xử lý bằng phương pháp vật lý, cơ học, sinh học.

Đất sản xuất hữu cơ

Đất canh tác trong trồng trọt hữu cơ phải đáp ứng các quy định về giới hạn kim loại nặng và dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật theo TCVN 11041-2:2017 Nông nghiệp hữu cơ Phần 2: Trồng trọt hữu cơ. Chú ý các chỉ tiêu yêu cầu của đất: độ phì tự nhiên, độ phì tiềm tàng, không bị ô nhiễm vi sinh vật hại, kim loại nặng: sắt (Fe), chì (Pb), thủy ngân (Hg), Cadimi (Cd), Asen (As), dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, độ dày của tầng canh tác, lý, hóa, của đất.

Trước khi tiến hành trồng trọt hữu cơ cần phải tiến hành phân tích, đánh giá chất lượng đất theo quy phạm hiện hành của Nhà nước đảm bảo sản xuất hữu cơ theo TCVN 11041-2:2017 Nông nghiệp hữu cơ để đảm bảo vùng sản xuất đạt tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ. Không đốt các thảm thực vật, tàn dư cây trồng trong quá trình làm đất trừ trường hợp tàn dư cây trồng bị sinh vật gây hại phải thu gom, tiêu hủy.

Vườn sản xuất hữu cơ cần có biện pháp chống xói mòn, thoái hóa đất, bảo tồn đất thông qua các biện pháp cụ thể như trồng cây họ đậu, cây phân xanh, sử dụng chất dinh dưỡng được sử dụng trong canh tác hữu cơ cho đất…

Nước tưới

Nguồn nước sử dụng trong sản xuất hữu cơ cần được sử dụng hợp lý theo nhu cầu của cây trồng và tránh lãng phí. Nước sử dụng phải đáp ứng yêu cầu theo quy định hiện hành về sản xuất Nông nghiệp hữu cơ theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các chỉ tiêu như Chì (Pb); Cadimi (Cd); Asen (As); Thủy ngân (Hg); E.Coli; Coliforms.

Phân bón trong sản xuất hữu cơ

Chú ý tuyệt đối không sử dụng phân bón tổng hợp; phân bón hòa tan bằng phương pháp hóa học, phân bắc, phân súc vật tươi chưa qua xử lý. Khuyến khích sử dụng phân chuồng từ cơ sở chăn nuôi hữu cơ được ủ hoai mục đảm bảo theo tiêu chuẩn hữu cơ. Chỉ sử dụng các loại phân bón có trong Danh mục phân bón được phép sản xuất hữu cơ theo TCVN 11041-2:2017 Nông nghiệp hữu cơ. Có thể tham khảo một có loại phân bón sử dụng trong sản xuất hữu cơ: phân hữu cơ, phân hữu cơ vi sinh, phân hữu cơ sinh học, thuốc trừ sâu bệnh có nguồn gốc thảo mộc, vi sinh. Liều lượng và cách sử dụng cần tuân theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Quản lý sâu bệnh hại

Một trong những nguyên tắc của sản xuất nông nghiệp hữu cơ là không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Vì vậy, muốn phòng trừ sâu bệnh hại hiệu quả cần áp dụng tổng hợp các biện pháp phòng trừ.

Thường xuyên thăm vườn, nếu phát hiện sâu, ổ trứng hoặc bệnh cần tiêu diệt ngay bằng tay. Việc thường xuyên kiểm tra vườn giúp chúng ta phát hiện sớm các bệnh hại, sâu hại trên cây trồng. Từ đó, tiến hành diệt trừ từ sớm và áp dụng các biện pháp phòng bệnh để tránh bùng phát bệnh.

Thường xuyên vệ sinh, phát quang cỏ dại trong, trước và sau khi thu hoạch nhằm làm cho vườn thông thoáng. Thu dọn tàn dư cây trồng sau khi thu hoạch xong để diệt mầm bệnh, trứng, vi sinh vật gây hại từ vụ cây trồng trước đó. Làm đất kỹ: Cày xới đất sau thu hoạch để phơi ải đất (nên có đủ thời gian: có thể 1 tuần, 1 tháng hoặc lâu hơn) hoặc lợi dụng thiên địch (chim) diệt nhộng, trứng, mầm bệnh, ổ chuột, bọ, cắt đứt nguồn gây hại cho vụ tới.

Bảo vệ các loài thiên địch của sinh vật gây hại qua việc tạo môi trường sống thuận lợi, ví dụ: làm hàng rào, địa điểm làm tổ, các vùng sinh thái đệm để duy trì thảm thực vật ban đầu cho các loài côn trùng ăn sinh vật gây hại. Phóng thích các loài thiên địch, bao gồm cả các loài côn trùng ăn thịt và các loài ký sinh.

Sử dụng một số giống kháng sâu bệnh, có thể giảm thiệt hại do sâu bệnh hại gây ra. Ví dụ như cà chua kháng xoăn, thối cổ rễ, các giống lúa chống chịu rầy nâu… Nên gieo trồng đồng loạt, đúng thời vụ, đảm bảo né tránh các đợt bùng phát của dịch bệnh.

Trồng xen nhiều loại cây trồng, luân canh khi cần: Việc áp dụng trồng xen và luân canh sẽ làm giảm tác động gây hại lên một đối tượng cây trồng. Thay vào đó, mật độ các loài gây hại trên mỗi đối tượng sẽ được giảm xuống và hạn chế bùng phát thành dịch.

Áp dụng thuốc trừ sâu sinh học, thảo mộc: Một số loại thuốc trừ sâu có thể áp dụng canh tác hữu cơ như hoạt chất Azadirachtin (cây neem), Rotenone (cây thuốc cá); các loại dầu thực vật như dầu bông, dầu đinh hương, dầu tỏi, chủng vi khuẩn Bacillus thuringiensis (Bt); vi nấm như Beauveria bassiana (nấm trắng) và Metarhium anisopliae (nấm xanh), xà phòng… Một số loại thuốc phòng trừ bệnh như chế phẩm từ virus như Granulosis virus, Nuclear polyhedrosis virus (NPV)...; các muối đồng, lưu huỳnh dạng nguyên tố, lưu huỳnh dioxit, các muối sắt photphat, Spinosad, dầu khoáng, chitosan… Chỉ sử dụng khi thật sự cần thiết và theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, Tương Mai, Hoàng Mai, Tp. Hà Nội
Điện thoại: 0243.634.1933
Fax: 0243.634.1137
Email: sale@vinacert.vn
Giấy phép đăng ký kinh doanh số:
0102152121
Cấp ngày: 18/11/2022 " cấp lần 5"
Tại Sở KH& Đầu tư TP.Hà Nội.
Bản quyền © 2007 - Thuộc về Công ty CP Chứng nhận và Giám định VinaCert
Đang online: 40
Tổng truy cập: 11401349