VIETGAP bò sữa - chắp cánh một thương hiệu (15/03/2014)

Từ những năm 1990,các nhà bán lẻ và sản xuất ở châu Âu đã hình thành một tổ chức quy mô toàn cầu mang tên là GlobalGAP với mục tiêu là cung cấp nguồn thực phẩm bảo đảm an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng, đem lại phúc lợi cho người lao động và bảo vệ môi trường. Bằng việc áp dụng các Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (được gọi chung là GAP), gắn trách nhiệm của người sản xuất, người lưu thông phân phối với những sản phẩm khi cung cấp cho khách hàng nên nguồn thực phẩm của GlobalGAP đã nhanh chóng chiếm lĩnh được thị trường và hầu hết các sản phẩm nếu chưa được đánh giá, công nhận GAP (GlobalGAP) sẽ có rất ít cơ hội thâm nhập vào thị trường Mỹ, EU và một số nước phát triển khác.

Ở Việt Nam,Chính phủ cũng đã ban hành một số văn bản để triển khai GAP cho các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và cho đến nay, một số sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn GAP đã được cung cấp cho người tiêu dùng trong nước, đóng góp nguồn thu ngoại tệ không nhỏ như Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg “về một số chính sách hỗ trợ áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản”. Từ đó, nhiều mô hình thực hành nông nghiệp tốt đã được áp dụng, nhiều phương thức quản lý theo mô hình GAP được triển khai như “Mô hình liên kết ba nhà: Nhà nước, nhà nông và nhà hàng (siêu thị)” của một số tỉnh, thành phố đã tạo cơ hội cho các sản phẩm đạt tiêu chuẩn GAP ngày càng khẳng định được chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng.

Cũng như GAP của trồng trọt và thủy sản, GAP trong chăn nuôi cũng đạt được một số thành tựu đáng khích lệ: Hàng trăm mô hình chăn nuôi lợn, gia cầm đã được chứng nhận VietGap. Đặc biệt, thực hiện sự chỉ đạo của Cục Chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tháng 10 năm 2013, Công ty cổ phần Chứng nhận và Giám định Vinacert đã tiến hành đánh giá, chứng nhận VietGAP trong chăn nuôi bò sữa cho Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu. Đây là một doanh nghiệp chăn nuôi bò sữa được đánh giá và được cấp Chứng chỉ VietGAP đầu tiên ở Việt Nam, điều này thể hiện sự quan tâm của các cơ quan quản lý nhà nước nhằm nâng cao chất lượng các sản phẩm của ngành hàng vốn có nhiều nhạy cảm này. Rồi đây, hình ảnh đàn bò sữa trên thảo nguyên xanh Mộc Châu sẽ ngày càng được in đậm trong tiềm thức của người tiêu dùng Việt Nam và thương hiệu sữa Mộc Châu xanh sẽ có nhiều cơ hội để vươn tới mọi vùng miền trong cả nước. 


Bò sữa trên Thảo Nguyên - Mộc Châu

Mặc dầu vậy, hiện nay cả nước có gần một chục doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh sữa và các sản phẩm từ sữa như: Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam, Công ty Giống bò sữa Mộc Châu, Công ty Sữa Hà Nội, Công ty Cổ phần Sữa Đà Lạt, Công ty Cổ phần Lothamilk, Công ty Cổ phần Sữa quốc tế (IDP)… nhưng hầu hết các doanh nghiệp này vẫn chưa thực hiện đánh giá “Thực hành chăn nuôi tốt” theo quy định của pháp luật. Có lẽ, đây cũng là một trong những nguyên nhân làm hạn chế hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và làm giảm niềm tin của người tiêu dùng đối với các sản phẩm của ngành chăn nuôi bò sữa trong nước. Để khắc phục tình trạng trên, trong thời gian tới các cơ quan nhà nước cần tăng cường  biện pháp quản lý, chấn chỉnh các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sữa và các sản phẩm từ sữa nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật. Đây cũng là cơ hội cho ngành chăn nuôi bò sữa ngày càng có những bước phát triển bền vững, các sản phẩm từ sữa luôn tươi mát trong lòng của người tiêu dùng.

Văn Thanh

Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, Tương Mai, Hoàng Mai, Tp. Hà Nội
Điện thoại: 0243.634.1933
Fax: 0243.634.1137
Email: sale@vinacert.vn
Giấy phép đăng ký kinh doanh số:
0102152121
Cấp ngày: 18/11/2022 " cấp lần 5"
Tại Sở KH& Đầu tư TP.Hà Nội.
Bản quyền © 2007 - Thuộc về Công ty CP Chứng nhận và Giám định VinaCert
Đang online: 98
Tổng truy cập: 11413534