VinaCert phối hợp với Dự án ASEAN GAP tìm điểm tương đồng giữa Tiêu chuẩn VietGAP và ASEAN GAP (09/09/2018)

Được sự tin tưởng giới thiệu của Cục Trồng trot (Bộ NN&PTNT), vừa qua, VinaCert đã phối hợp với các chuyên gia của Dự án ASEAN GAP tổ chức một cuộc đánh giá giám sát duy trì hiệu lực chứng chỉ VietGAP tại một đơn vị là khách hàng của VinaCert. Mục đích của cuộc đánh giá là để các chuyên gia Dự án ASEAN GAP tìm kiếm sự tương đồng giữa Tiêu chuẩn VietGAP trồng trọt của Việt Nam và Tiêu chuẩn ASEAN GAP, làm cơ sở để nghiên cứu, bổ sung và sửa đổi Tiêu chuẩn ASEAN GAP, hướng tới việc có thể áp dụng ASEAN GAP để nâng cao giá trị sản phẩm trồng trọt của các nước ASEAN trên thị trường quốc tế.


Chuyên gia Nguyễn Nam Sơn (giữa ảnh) phát biểu khai mạc cuộc đánh giá giám sát 

Trước khi tham gia cùng Đoàn chuyên gia VinaCert chứng kiến cuộc đánh giá thực tế 1 khách hàng đã áp dụng Tiêu chuẩn VietGAP, các chuyên gia của dự án đã có 1 ngày làm việc với Ban Lãnh đạo và nhân viên Phòng Chứng nhận tại Trụ sở VinaCert Hà Nội nhằm xem xét hồ sơ, các yêu cầu của Tiêu chuẩn VietGAP, quy trình đánh giá chứng nhận VietGAP VinaCert đang áp dụng...

Khách hàng được chọn thực hiện cuộc đánh giá thực tế là Hợp tác xã Rau an toàn Vân Hội Xanh (trụ sở tại thôn Vân Giữa, xã Vân Hội, huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc). Đây là cuộc đánh giá giám sát nhằm tìm kiếm bằng chứng về quy trình trồng trọt HTX đang áp dụng được duy trì phù hợp với yêu cầu Tiêu chuẩn VietGAP.

Đoàn đánh giá của VinaCert do chuyên gia Nguyễn Nam Sơn làm Trưởng đoàn, thành viên Đoàn gồm chuyên gia đánh giá Hoàng Hải Hiếu; ông Đào Hoàng Thân, nhân viên Phòng Chứng nhận đóng vai trò là quan sát viên.

Tham gia Đoàn đánh giá còn có ông Antoine Faure và bà Catheme Framer Corpuz (chuyên gia của Dự án ASEAN GAP); ông Trần Thế Tưởng (chuyên viên Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT). 

Tiếp đón và làm việc với Đoàn đánh giá có bà Dương Thị Quỳnh Liên, Giám đốc Hợp tác xã Rau an toàn Vân Hội Xanh; ông Nguyễn Khắc Hoàng, chuyên viên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc kiêm Trưởng ban Kiểm soát cùng một số thành viên HTX.


Chuyên gia Dự án ASEAN GAP (bên trái ảnh) theo sát các bước đánh giá của chuyên gia VinaCert, nội dung đánh giá và phỏng vấn được ông Trần Thế Tưởng hỗ trợ chuyển ngữ

HTX Rau an toàn Vân Hội Xanh có trụ sở tại xã Vân Hội - một trong 4 địa phương của tỉnh Vĩnh Phúc được chọn để quy hoạch về chuyên canh rau màu và triển khai thí điểm dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng các sản phẩm công nghệ sinh học để tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm rau an toàn” từ năm 2008 đến năm 2010. 

Để phát huy tiềm năng và lợi thế của địa phương, ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc đã hỗ trợ thành lập HTX Rau an toàn Vân Hội Xanh vào đầu năm 2017 nhằm nâng cao năng xuất, chất lượng các loại rau, củ, quả; quản lý và giám sát việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón trong canh tác rau; hướng đến đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng được sử dụng những sản phẩm rau củ quả an toàn; từng bước khẳng định uy tín, thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm rau quả của xã Vân Hội.


Chuyên gia Nguyễn Nam Sơn truy xuất tài liệu hồ sơ và phỏng vấn trực tiếp bà Dương Thị Quỳnh Liên, Giám đốc HTX. Các nội dung này cũng được ông Trần Thế Tưởng mô tả lại với ông Antoine Faure và bà Catheme Framer Corpuz

Ngay khi thành lập, HTX đã có 25 thành viên tham gia và được HTX tập huấn, hướng dẫn các quy tắc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có tên trong danh mục được lưu hành tại Việt Nam,… Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền những quy tắc về không tồn dư hóa chất, kỹ thuật sơ chế, vận chuyển nhằm tránh ô nhiễm vật lý khi thu hoạch. 

Để đáp ứng các yêu cầu của pháp luật và từng bước mở rộng thị trường, HTX đã áp dụng Quy trình thực hành nông nghiệp tốt VietGAP vào sản xuất các loại rau, quả, chủ động được việc quản lý các công đoạn sản xuất theo yêu cầu VietGAP: cấp giống rau, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thời gian cách ly sau sử dụng thuốc bảo vệ thực vật… 


Các chuyên gia Dự án ASEAN GAP nghe giới thiệu và tìm hiểu về phần mềm VFSC

Tiếp đó, nhằm quản lý và kiểm soát toàn bộ quá trình canh tác, nâng cao hơn nữa chất lượng an toàn thực phẩm và giúp khách hàng có thể truy xuất các hoạt động canh tác từ khâu đầu vào đến khâu tiêu thụ, gần đây, HTX đã chuyển đổi áp dụng Tiêu chuẩn TCVN 11892-1:2017 Trồng trọt; áp dụng và khai thác hiệu quả “phần mềm quản lý nông trại” VFSC (Vietnam Food Safety Chain).


Theo hướng dẫn của bà Dương Thị Quỳnh Liên, các chuyên gia Dự án ASEAN GAP đã chứng kiến ông Trần Thế Tưởng thực hiện việc truy xuất nguồn gốc từ mã QR code trên điện thoại di động

Theo bà Dương Thị Quỳnh Liên, Giám đốc HTX, nhờ phần mềm này, việc quản lý các công đoạn sản xuất, quy trình sản xuất đã được cải tiến theo hướng tiện dụng hơn rất nhiều so với trước đây. Cụ thể như việc theo dõi, quản lý hay đôn đốc các thành viên sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng liều lượng quy định, đảm bảo thời gian cách ly sau phun thuốc đối với từng loại thuốc BVTV, từng diện tích canh tác.

Rau quả sau khi thu hoạch được chuyển ngay đến khu sơ chế, loại bỏ số bị hỏng, lá già, làm sạch, đóng gói và dán tem, dán mã QR code, làm mát rồi vận chuyển đến chuỗi cửa hàng thực phẩm an toàn hay cung ứng trực tiếp cho 17 bếp ăn tập thể trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. 

Để bảo đảm nguồn cung cho thị trường, HTX cũng đã đầu tư 1 kho lạnh, hệ thống tủ mát để bảo quản rau quả sau thu hoạch. Tất cả sản phẩm đều có tem nhãn và mã QR code để khách hàng dễ dàng nhận diện thương hiệu cũng như dùng điện thoại thông minh truy xuất được toàn bộ quá trình sản xuất của sản phẩm. Đây cũng là điểm nổi bật của phần mềm VFSC mà HTX đang áp dụng mang lại.


Các chuyên gia đánh giá khu vực sơ chế của HTX 

Theo sát các hoạt động đánh giá giám sát của chuyên gia VinaCert, các chuyên gia của Dự án ASEAN GAP cũng đã đưa ra những câu hỏi nhằm tìm kiếm điểm tương đồng giữa Tiêu chuẩn VietGAP của Việt Nam với tiêu chuẩn ASEAN GAP.

Ông Antoine Faure chia sẻ: Do sự phát triển của tiêu chuẩn ASEAN GAP cũng như sự chấp nhận, áp dụng tiêu chuẩn này ở các nước thành viên còn chậm và hạn chế, dự án này được thực hiện nhằm thiết lập và thúc đẩy việc áp dụng các cơ chế hỗ trợ, đặc biệt là các hệ thống chứng nhận và công nhận phổ biến ở các nước thành viên ASEAN.

Khi ASEAN GAP được áp dụng trên toàn khu vực sẽ góp phần làm tăng khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp ASEAN thông qua việc thúc đẩy chất lượng và an toàn của sản phẩm nông nghiệp cũng như quy trình sản xuất liên quan.

Bày tỏ cảm ơn sự hợp tác giúp đỡ của Bộ NN&PTNT Việt Nam; sự phối hợp hỗ trợ của VinaCert, các chuyên gia của Dự án sẽ tiếp tục tìm hiểu điểm tương đồng của tiêu chuẩn ASEAN GAP với tiêu chuẩn GAP đang áp dụng tại Philippines và một số quốc gia khác trong khu vực.

Thanh Hải IRC
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, Tương Mai, Hoàng Mai, Tp. Hà Nội
Điện thoại: 0243.634.1933
Fax: 0243.634.1137
Email: sale@vinacert.vn
Giấy phép đăng ký kinh doanh số:
0102152121
Cấp ngày: 18/11/2022 " cấp lần 5"
Tại Sở KH& Đầu tư TP.Hà Nội.
Bản quyền © 2007 - Thuộc về Công ty CP Chứng nhận và Giám định VinaCert
Đang online: 50
Tổng truy cập: 11401349