VinaCert: Doanh nghiệp phát triển đồng hành cùng nhà nông (21/01/2018)

Chiều 20/01/2018 tại Hà Nội, Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức Diễn đàn “Doanh nghiệp phát triển đồng hành cùng nhà nông năm 2017”. Tham luận về chủ đề “Sứ mệnh và bổn phận của doanh nhân trong sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới”, ông Nguyễn Hữu Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chứng nhận và Giám định VinaCert cho biết, sẽ tiếp tục có những đóng góp thiết thực nhằm hỗ trợ, đồng hành cùng sự phát triển của ngành nông nghiệp.


Ông Hồ Xuân Hùng phát biểu khai mạc Diễn đàn

Phát biểu khai mạc, ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và PTNT cho biết: “Mục đích của Diễn đàn nhằm tạo không gian cho các doanh nghiệp, nhà quản lý, nhà khoa học và người dân chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất kinh doanh, tìm ra giải pháp tái cơ cấu nông nghiệp một cách toàn diện. Từ đó, doanh nghiệp chủ động liên kết với nông dân để kiểm soát chặt chẽ nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến, sản xuất hàng hóa, nông dân yên tâm vì được hỗ trợ kỹ thuật, vốn và bao tiêu sản phẩm”.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2017 có 1.955 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp được thành lập mới, tăng 3,8% so với năm 2016 và nâng tổng số doanh nghiệp nông nghiệp lên trên 6.660 đơn vị.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp, trong hơn 30 năm qua, nhất là từ năm 2010 đến nay, các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông thôn đều rất đúng đắn và kịp thời. Qua đó, các doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp đã được quan tâm, giúp đỡ và tạo điều kiện để phát triển.


Quang cảnh Diễn đàn

Bên cạnh những kết quả đạt được, nền nông nghiệp vẫn còn một số tồn tại, yếu kém: Việc cơ cấu lại nông nghiệp chưa đạt được kết quả đồng đều, vẫn còn địa phương lúng túng trong triển khai và kết quả đạt được chưa rõ ràng; năng suất lao động thấp, hiệu quả sản xuất và thu nhập của người dân chưa được cải thiện; sự liên kết giữa nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và người nông dân còn nhiều hạn chế.

Trước thực trạng đó và để cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông nghiệp, ông Ngô Trường Sơn, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) cho biết: từ năm 2015 đến nay, Bộ NN&PTNT đã đổi mới mạnh mẽ công tác kiểm tra chuyên ngành, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh theo nguyên tắc: Cắt giảm tối đa việc kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu; chỉ thực hiện khi có yêu cầu của nước nhập khẩu hoặc của chủ hàng, hoặc quy định tại các công ước quốc tế nhưng thực hiện một cách linh hoạt, phù hợp. Quán triệt nguyên tắc quản lý rủi ro, giảm kiểm tra trước, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

Tính đến tháng 11/2017, Bộ NN&PTNT đã cơ bản hoàn thành việc rà soát, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến kiểm tra chuyên ngành. Đã hoàn thành sửa đổi bổ sung 41 trong tổng số gần 50 văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản còn lại sẽ được ban hành trong quý I/2018.

Bộ NN&PTNT cũng đã hoàn thành việc rà soát và đề xuất cắt giảm danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành khi thông quan xuất nhập khẩu; quy trình, thủ tục hành chính về kiểm tra chuyên ngành được cải tiến và chuẩn hóa theo hướng tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.

Điển hình như đối với kiểm dịch thực vật, thời gian đã giảm từ 24 giờ xuống còn không quá 4 giờ (đối với hàng hóa vận chuyển bằng đường bộ, đường hàng không) và không quá 10 giờ đối với đường biển. Các phương án đơn giản hóa thủ tục liên quan đến kiểm tra chuyên ngành đã góp phần tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Chỉ tính riêng hoạt động kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật đã giúp tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp gần 655 tỷ đồng/năm (ước tính cắt giảm 108,524 ngày công, tỷ lệ cắt giảm là 66,7%); kiểm dịch thực vật giảm khoảng 178,1 tỷ đồng/năm.

Bên cạnh các chính sách thu hút, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, Bộ NN&PTNT đã thiết lập được hệ thống và cơ chế tiếp nhận, giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp, thường xuyên đối thoại với doanh nghiệp; đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 để hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp; đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua việc cung cấp các dịch vụ phát triển kinh doanh; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính để giảm bớt phiền hà cho doanh nghiệp; cắt giảm nhiều điều kiện kinh doanh không còn phù hợp.

Theo ông Đặng Vũ Trân, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp nông nghiệp (Bộ NN&PTNT), trong giai đoạn 2018-2020, Bộ NN&PTNT sẽ đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Đồng thời tập trung vào một số nội dung: Tiếp tục đổi mới công tác kiểm tra chuyên ngành; tiếp tục hỗ trợ có hiệu quả cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; đôn đốc và quyết liệt thực hiện việc sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm, nghiệp thuộc các địa phương, bộ, ngành…

Sau khi nghe các báo cáo của lãnh đạo Tổng hội NN&PTNT và đại diện các Viện, Vụ thuộc Bộ NN&PTNT, các diễn giả là lãnh đạo của một số Hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế, tổ chức chứng nhận sự phù hợp cùng hơn 100 đại biểu đại diện cho các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đã cùng nhau trao đổi về chủ đề: “Sứ mệnh và bổn phận của doanh nhân trong sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới”.


Ông Nguyễn Hữu Dũng phát biểu tại Diễn Đàn

Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chứng nhận và Giám định VinaCert: Để ngành nông nghiệp hội nhập với các nước trên thế giới, cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp và bà con nông dân phải chủ động đầu tư để tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý của các nước để áp dụng vào thực hành sản xuất nông nghiệp tốt.

Đơn cử như việc áp dụng và chứng nhận các sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn hữu cơ, nếu không có sự phối hợp chặt chẽ và làm đúng ngay từ đầu thì sẽ không thể có những sản phẩm hữu cơ mang thương hiệu của Việt Nam. Để làm nên thương hiệu đó phải tạo ra sự khác biệt được nhận biết bằng chất lượng sản phẩm, và các tổ chức chứng nhận như VinaCert sẽ là người bạn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, bà con làm việc này.

“Từ khi làm việc tại Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) năm 1994, Tôi đã gắn bó với lĩnh vực quản lý chất lượng an toàn thực phẩm. Đến năm 2007, Tôi đã thành thành lập Tổ chức chứng nhận sự phù hợp tư nhân đầu tiên tại Việt Nam hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Sau hơn 10 năm phát triển, VinaCert đã có 03 Phòng thử nghiệm đạt Tiêu chuẩn ISO/IEC 17025, góp phần hỗ trợ tối đa yêu cầu quản lý chất lượng nông sản hàng hóa của cơ quan quản lý nhà nước. Để tiếp tục đồng hành, hỗ trợ ngành nông nghiệp, VinaCert đang xúc tiến việc phát triển phần mềm quản lý trang trại. Khi thành công, phần mềm này sẽ giúp các trang trại theo dõi, quản lý các hoạt động sản xuất trực tiếp trên điện thoại thông minh; đồng thời, hỗ trợ các nông trại và doanh nghiệp tiên lượng được nhu cầu của thị trường, đưa ra cảnh báo để hoạch định và điều chỉnh sản xuất cho phù hợp”, ông Nguyễn Hữu Dũng chia sẻ.


Ông Nguyễn Hữu Dũng (thứ 3  bên phải ảnh) cùng đại diện các "Doanh nghiệp phát triển đồng hành cùng nhà nông" nhận cup lưu niệm của Tổng hội Nông nghiệp và PTNT

Thanh Hải IRC
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, Tương Mai, Hoàng Mai, Tp. Hà Nội
Điện thoại: 0243.634.1933
Fax: 0243.634.1137
Email: sale@vinacert.vn
Giấy phép đăng ký kinh doanh số:
0102152121
Cấp ngày: 18/11/2022 " cấp lần 5"
Tại Sở KH& Đầu tư TP.Hà Nội.
Bản quyền © 2007 - Thuộc về Công ty CP Chứng nhận và Giám định VinaCert
Đang online: 63
Tổng truy cập: 11419213