Từ năm 2015 đến nay, Dự án “Hỗ trợ xây dựng mô hình nuôi cá tra thâm canh đạt chứng nhận VietGAP” đã được triển khai tại 23 cơ sở nuôi/20 mô hình nuôi cá tra thâm canh tại các tỉnh: Cần Thơ, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bến Tre, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng... góp phần hỗ trợ các cơ sở nuôi cá tra tiếp cận với “Quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt Việt Nam” (VietGAP) thông qua các hoạt động tư vấn, đánh giá chứng nhận cơ sở nuôi cá tra thương phẩm đạt chứng chỉ VietGAP.
Quang cảnh hội thảo
Kết quả của dự án là cơ sở để Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục áp dụng và nhân rộng mô hình trong sản xuất nuôi cá tra thương phẩm, góp phần phát triển bền vững nghề nuôi cá tra tại vùng đồng bằng Sông Cửu Long.
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chủ trì phối hợp với các đơn vị tham gia dự án gồm chính quyền và cơ quan quản lý thuỷ sản địa phương cùng tiến hành chọn điểm/hộ có đủ diện tích ao nuôi, có nhu cầu tham gia và đáp ứng được các yêu cầu theo Quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt.
Theo chương trình chào hàng cạnh tranh cho hoạt động chứng nhận, Công ty Cổ phần Chứng nhận và Giám định VinaCert đã vinh dự được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia lựa chọn cho hoạt động chứng nhận VietGAP của dự án.
Tính đến hết ngày 31/12/2015, VinaCert đã đánh giá và cấp chứng chỉ chứng nhận cho các cơ sở nuôi cá tra tham gia dự án đáp ứng đủ các điều kiện VietGAP với tổng diện tích 88,66 ha.
Sau 2 năm thực hiện, dự án đã mang lại những hiệu quả tốt cả về phương diện kinh tế, xã hội và môi trường.
Về kinh tế: Dự án đã góp phần nâng cao chất lượng cá tra, cung cấp nguyên liệu đạt chuẩn cho các nhà máy; giảm chi phí sử dụng thuốc và hoá chất; giảm giá thành sản xuất từ 10-15%; giảm các chi phí liên quan đến kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm; góp phần xây dựng thương hiệu cá tra vùng Đồng bằng sông Cửu Long…
Về xã hội và môi trường: Dự án đã tạo việc làm thường xuyên, thu nhập cao, ổn định cho nhiều lao động tại địa phương; giúp người dân có nhận thức tốt hơn về nuôi cá tra theo quy trình VietGAP; giúp bà con thay đổi tập quán sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng do được sử dụng sản phẩm an toàn, dễ truy xuất nguồn gốc sản phẩm; giảm nguy cơ dịch bệnh; quản lý tốt chất thải trong quá trình nuôi; giảm chi phí xử lý môi trường…
Cũng tại hội thảo, chủ nhiệm dự án, đại diện các đơn vị thực hiện dự án đã báo cáo những thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai, thực hiện dự án để các đại biểu cùng bàn giải pháp thực hiện, qua đó, các đại biểu đã đưa ra những kiến nghị quan trọng đối với các cấp có liên quan nhằm phát triển bền vững nghề nuôi cá tra thương phẩm tại vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Với đại đa số các bài báo cáo và tham luận tại hội thảo đều tập trung gửi gắm những mong muốn cho tương lai tươi sáng của con cá tra Việt Nam, hy vọng trong thời gian tới, cùng với những định hướng và chính sách hỗ trợ của Chính phủ, các cơ quan quản lý và việc đẩy mạnh tăng cường liên kết vùng, người nuôi cá tra sẽ có sự phối hợp đầu tư hiệu quả nhằm tiếp tục từng bước xây dựng thương hiệu quốc gia cho ngành hàng cá tra của Việt Nam.
Nguyễn Thị Huệ
Trưởng Văn phòng đại diện VinaCert tại Cần Thơ