Chương trình là hoạt động thiết thực nhằm phát động phong trào thanh niên xung kích trong lĩnh vực tham gia “Chuỗi An toàn thực phẩm”, hưởng ứng cuộc vận động “Nghĩa tình biên giới hải đảo” của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; chương trình “Tuổi trẻ hướng về biên giới, hải đảo” do Thành đoàn Hà Nội phát động.
Theo Bí thư Chi bộ VinaCert Nguyễn Ngọc Thanh, chương trình liên kết “Tuổi trẻ với chuỗi An toàn thực phẩm” là hoạt động ý nghĩa nhằm mục đích giúp thanh niên vùng sâu, vùng xa nơi biên giới có cơ hội lập nghiệp; Tiêu thụ sản phẩm cho nông dân vùng sâu vùng xa nơi biên giới, góp phần xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội; Cung cấp nguồn thực phẩm chất lượng, an toàn cho bà con trên địa bàn quận Hoàng Mai.
Theo đó, 5 đơn vị tham gia chương trình liên kết gồm Quận Đoàn Hoàng Mai (thành phố Hà Nội); Huyện đoàn Bắc Quang, Quang Bình (tỉnh Hà Giang); Đoàn thanh niên Công ty CP Chứng nhận và Giám định VinaCert; Đoàn thanh niên Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Thịnh Vượng – Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội sẽ chung tay xây dựng “Chuỗi liên kết sản xuất – tiêu dùng thực phẩm an toàn”.
Thông qua chương trình sẽ xây dựng kênh sản xuất – phân phối sản phẩm trực tiếp, uy tín từ nhà sản xuất đến tận tay người tiêu dùng, góp phần thúc đẩy và tiêu thụ các sản phẩm đặc thù của 2 huyện Bắc Quang, Quang Bình nói riêng và của tỉnh Hà Giang nói chung.
Dự và phát biểu tại buổi mạn đàm, Chủ tịch HĐQT Công ty VinaCert Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, “Có rất nhiều yếu tố để triển khai thành công chuỗi liên kết giữa các trang trại tại hai huyện Bắc Quang, Quang Bình (Hà Giang) với thị trường tiêu thụ nông sản ở quận Hoàng Mai (Hà Nội), thông qua hoạt động thiết thực này, các Chi đoàn cũng có thể tự gây quỹ cho đơn vị mình".
Để triển khai thành công, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Hữu Dũng đề nghị đại diện 5 đơn vị cùng tập trung thảo luận, “phân vai” và trách nhiệm của từng đơn vị trong chuỗi an toàn thực phẩm. Về hỗ trợ nguồn lực, VinaCert sẽ cử các chuyên gia hỗ trợ Huyện đoàn Bắc Quang và Quang Bình trong việc xây dựng các mô hình kinh tế trang trại, gia trại,… cung cấp sản phẩm đặc thù của địa phương cho Hà Nội; Hỗ trợ thử nghiệm và chứng nhận sản phẩm phù hợp với các tiêu chuẩn VietGap/ AseanGap/ GlobalGap theo phương thức chứng nhận điện tử (phù hợp với tiêu chuẩn VFSC - chuỗi truy xuất nguồn gốc an toàn thực phẩm Việt Nam),…
“Bằng nguồn lực hiện có của VinaCert, việc chung tay để tạo ra các mô hình thực phẩm an toàn giúp người nông dân tại các địa phương “có cần câu” sẽ rất triển vọng. Thông qua chuỗi liên kết, việc hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đặc thù của địa phương sẽ trở nên thuận lợi, đạt giá trị gia tăng cao hơn”, ông Nguyễn Hữu Dũng khẳng định.
Đồng quan điểm đó, Bí thư Chi bộ Nguyễn Ngọc Thanh cho rằng, với tiêu chí “Tuổi trẻ với chuỗi An toàn thực phẩm”, các Quận đoàn, Huyện đoàn, Bí thư đoàn các đơn vị sẽ là lực lượng nòng cốt. Lãnh đạo các đơn vị sẽ bằng nhiều cách để hậu thuẫn cho quá trình thực hiện các mô hình sản xuất, sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm,...
Cũng tại buổi mạn đàm, sau khi nghe ông Nguyễn Hữu Dũng giới thiệu mô hình triển khai và áp dụng chuỗi truy xuất nguồn gốc an toàn thực phẩm Việt Nam, dưới sự hướng dẫn của Giám đốc Chứng nhận Đặng Thị Hương và Trưởng phòng Thử nghiệm Nguyễn Đức Tú, đại diện các đơn vị đã thăm quan các phòng ban tại trụ sở VinaCert Hà Nội; hệ thống trang thiết bị phân tích hiện đại phục vụ công tác quản lý chất lượng an toàn thực phẩm, dược phẩm… cùng thảo luận những vấn đề liên quan đến chương trình liên kết “Tuổi trẻ với chuỗi An toàn thực phẩm”.
Đánh giá cao tính thực tiễn của chương trình, ông Lương Tiến Dũng, Phó bí thư Huyện ủy Bắc Quang cho rằng, đây là chủ đề rất phù hợp với xu thế hiện nay. Tuy nhiên, để triển khai được các mô hình lớn tại khu vực miền núi là chưa khả thi. Để triển khai có hiệu quả, 5 đơn vị cần tiếp tục khảo sát thực tiễn tại địa phương, từ đó hoạch định lĩnh vực hoạt động, quy mô của từng mô hình; xác định các đầu mối của chuỗi liên kết.
Trên quan điểm đó, đại diện Huyện đoàn Quang Bình cho biết, Huyện đoàn đánh giá cao tính khả thi và ý nghĩa của chương trình liên kết, điều đó giúp địa phương tiêu thụ được những sản phẩm đặc thù, góp phần xóa đói giảm nghèo và thúc đẩy phong trào Thanh niên lập thân lập nghiệp.
Cùng với giới thiệu về điều kiện kinh tế xã hội, điều kiện tự nhiên, đại diện Huyện đoàn Quang Bình cũng giới thiệu về những cây trồng, vật nuôi đặc thù, thuận lợi, khó khăn trong phát triển các mô hình kinh tế, qua đó bày tỏ mong muốn các đại biểu thảo luận về những nội dung liên quan, trên cơ sở đó, Huyện đoàn sẽ đề xuất với lãnh đạo huyện về việc phát triển mô hình liên kết như thế nào cho phù hợp.
Còn theo đại diện mô hình Thanh niên khởi nghiệp của huyện Bắc Quang, ông Trần Tuấn Minh (Hợp tác xã thanh niên Bình Minh), đơn vị đang nuôi trồng một số loại thủy sản trên Sông Lô, sản phẩm của Hợp tác xã (HTX) bước đầu đã có mặt tại thị trường Hà Nội, tuy nhiên còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận, mở rộng thị trường. Để có thể phát triển mở rộng mô hình sản xuất, HTX mong muốn được tham gia chương trình liên kết; nhận sự giúp đỡ và hỗ trợ kỹ thuật từ phía các chuyên gia của VinaCert cũng như các đơn vị tham gia chuỗi liên kết.
Nhất trí với quan điểm trên, ông Hoàng Văn Huân, đại diện mô hình canh tác nhà lưới tại xã Vĩnh Thượng, huyện Quang Bình bổ sung, do thói quen canh tác manh mún, nhỏ lẻ, truyền thống của bà con nên việc triển khai mô hình nhà lưới ban đầu gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là việc áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật vào sản xuất.
Bày tỏ quan điểm ủng hộ chương trình liên kết, đại diện HTX Đại Thịnh Vượng, ông Hoàng Trung cho rằng, với góc độ tiếp cận của doanh nghiệp đã thực hiện chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp từ Thị xã Sơn Tây về Hà Nội, chúng tôi nhận thấy khi bắt tay vào làm sẽ có rất nhiều trăn trở, từ khâu sản xuất, sơ chế, chế biến, phân phối sản phẩm đến tay người tiêu dùng đều phải hoạch định chi tiết. Thuận lợi của HTX hiện nay là đã tập hợp được nhiều thành viên tâm huyết với ngành nông nghiệp. Vấn đề tiếp theo là triển khai chương trình liên kết như thế nào cho phù hợp và có thể mở rộng được thị trường tiêu thụ.
Cũng theo ông Hoàng Trung, diện tích đất nông nghiệp nước ta rất lớn nhưng sản phẩm xuất khẩu còn hạn chế. Doanh nghiệp nông nghiệp phải hướng tới khách hàng, để khách hàng cảm nhận được sản phẩm là tốt hay không tốt; sự kiểm tra, kiểm soát của khách hàng vào các khâu đoạn từ khi sản xuất cho đến khi tiêu dùng sản phẩm là rất quan trọng (thông qua áp dụng mô hình VFSC). Điều đó cũng quyết định việc chúng ta lựa chọn sản phẩm nào để cung cấp đến người tiêu dùng với giá cả phải chăng.
Dẫn dắt vấn đề từ câu chuyện “Hội nhập là gì”, ông Nguyễn Hữu Dũng nêu ví dụ, khi ngồi ở Washington, D.C. của Mỹ nhưng vẫn được thưởng thức món mướp đắng của Việt Nam, đó chính là văn hóa ẩm thực, và sản phẩm đó chính từ nông nghiệp mà ra. Bên cạnh đó, nhiều chính khách nước ngoài khi sang thăm và làm việc tại Việt Nam đã đích thân đi thưởng thức các món ăn truyền thống của Việt Nam. Điều đó chứng minh rằng, ẩm thực là một nét văn hóa. Xây dựng chuỗi liên kết này cũng vậy, phải gắn kết chặt chẽ các khâu: sản xuất, sơ chế, chế biến các sản phẩm để mang đến người tiêu dùng những sản phẩm đặc thù của địa phương.
Thể hiện quyết tâm thực hiện chương trình liên kết, ông Nguyễn Hữu Dũng một lần nữa nhấn mạnh rằng, chúng ta đang ngồi ở phòng “Không gì là không thể” của VinaCert, nghĩa là bất cứ công việc gì, quyết tâm làm sẽ thành công. Lãnh đạo các đơn vị sẽ tiếp tục họp bàn về triển khai chương trình liên kết “Tuổi trẻ với chuỗi An toàn thực phẩm”. Đoàn Thanh niên VinaCert tập trung thực hiện và lấy chương trình này là “công trình” chào mừng kỷ niệm 15 năm thành lập VinaCert” (25/7/2007 - 25/7/2022)./.
VinaCert