Mục đích của phóng sự là phổ biến cho bà con nông dân về mô hình trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP- mô hình đã mang lại lợi ích cho người sản xuất cũng như người tiêu dùng; góp phần tạo sự chuyển biến tích cực cả về nhận thức, hành động của người nông dân; giúp phát triển bền vững nền nông nghiệp theo hướng VietGAP.
Hai đơn vị được chọn làm đối tượng của phóng sự là: Công ty TNHH Thương mại Tuấn Anh và Tổ hợp tác sản xuất và Tiêu thụ rau an toàn đạt Tiêu chuẩn VietGAP xã Vân Hội (Vĩnh Phúc). Đây là hai cơ sở sản xuất đã được VinaCert đánh giá và chứng nhận VietGAP.
Sản phẩm chính của Công ty TNHH Thương mại Tuấn Anh là nấm sò và nấm mộc nhĩ. Giống nấm được nhập từ Trung tâm Công nghệ sinh học- Viện Di truyền nông nghiệp. Cơ sở sản xuất có quy mô trồng nấm lớn với diện tích trồng 5805 m2 tại ba địa điểm sản xuất: Phường Liên Bảo, phường Khai Quang, TP. Vĩnh Yên và thôn Tam Lộng, xã Hương Sơn, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc với sản lượng ở mức 210 tấn/năm. Mô hình trồng nấm của cơ sở sản xuất này được VinaCert đánh giá phù hợp với các yêu cầu của quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho rau, quả tươi an toàn và cấp chứng chỉ VietGAP mang mã số VietGAP-TT-13-02-26-0012, có hiệu lực từ 19/11/2014 đến 18/11/2016.
Cơ sở sản xuất nấm của Công ty TNHH Thương mại Tuấn Anh
Kỹ thuật viên chăm sóc nấm
Tổ hợp tác sản xuất và Tiêu thụ rau an toàn đạt Tiêu chuẩn VietGAP xã Vân Hội (Tổ hợp tác Vân Hội) là một cơ sở sản xuất nông nghiệp điển hình khác của tỉnh Vĩnh Phúc tuân thủ chặt chẽ quy trình VietGAP, mang lại lợi ích cho bà con nông dân. Mô hình sản xuất này của Tổ hợp tác Vân Hội thuộc chương trình: “Xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế- xã hội nông thôn và miền núi” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quyết định số 122/QĐ-TTg ngày 05/07/2004. Sản phẩm rau an toàn đạt chứng nhận VietGAP của Tổ hợp tác Vân Hội bao gồm: Rau cải ngọt, bí đỏ, cà chua và dưa chuột được trồng trên diện tích 5.0832 ha tại Xứ đồng Sân Cũ thôn Vân Sau, xã Vân Hội, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc. Sản lượng rau, quả cơ sở này dự kiến đạt được là 211 tấn/ năm.
Ruộng rau VietGAP tại Tổ hợp tác Vân Hội
Sau khi tiến hành kiểm tra, đánh giá hoạt động sản xuất trên đồng ruộng và ghi chép sổ sách của 84 hộ nông dân trồng rau trong xã Vân Hội, chuyên gia VinaCert nhận thấy rằng các hộ đã nghiêm túc thực hiện các quy định về việc sản xuất rau, quả theo tiêu chuẩn VietGAP; việc sử dụng thuốc BVTV và phân bón được tuân thủ nghiêm ngặt. Cơ sở có kết quả đánh giá phù hợp với quy trình sản xuất nông nghiệp tốt(VietGAP) cho rau, quả an toàn và được cấp chứng chỉ VietGAP mang mã số VietGAP-TT-13-02-26-0013, có hiệu lực từ 23/12/2014 đến 20/10/2016.
Nhờ sản xuất rau, quả an toàn theo VietGAP mà thu nhập của người sản xuất được nâng lên đáng kể; sản phẩm đầu ra có chất lượng cao, ổn định, mang lại lòng tin cho nhà phân phối, người tiêu dùng và cơ quan quản lý. Cuộc sống của người nông dân từ đó cũng được cải thiện và nâng cao hơn.
Qua ống kính phóng sự, bà con nông dân cả nước có thể thấy những ruộng rau xanh tươi và những chùm nấm mơn mởn được sản xuất theo quy trình đảm bảo và an toàn. Và đây sẽ là những hình ảnh, thông tin góp phần ghi nhận, giới thiệu những mô hình tiêu biểu áp dụng thành công VietGAP trên cả nước. VinaCert tự hào là một trong những đơn vị chứng nhận cho những thành quả, nỗ lực của người nông dân trong sản xuất nông nghiệp theo hướng VietGAP; góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp phát triển theo hướng an toàn, bền vững.
Xem hình ảnh tại đây
Huyền Trang IRC