Tham dự diễn đàn có ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT; ông Phan Thanh Mừng, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Sóc Trăng; ông Lê Văn Hiếu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng. Đại diện Công ty VinaCert có bà Nguyễn Thị Huệ, Giám đốc Chi nhánh tại Cần Thơ tham dự và gửi hoa chúc mừng.
Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe đại diện Sở NN&PTNT giới thiệu tổng quan về tình hình phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh Sóc Trăng; các báo cáo về phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam thực trạng và giải pháp; định hướng và giải pháp phát triển trồng trọt ứng dụng công nghệ cao; tham luận về xây dựng các giải pháp phát triển bền vững lúa ST24 của Kỹ sư Hồ Quang Cua cùng nhiều báo cáo tham luận và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp của các đơn vị trên địa bàn tỉnh.
Quang cảnh hội thảo
Theo số liệu báo cáo tại hội thảo, Sóc Trăng đã có 52ha lúa (giống lúa thơm) của 2 HTX tại huyện Mỹ Xuyên và Thị xã Ngã Năm đã được cấp chứng nhận GlobalGAP; 61ha lúa của HTX tại huyện Châu Thành được cấp chứng nhận VietGAP và 41ha tại huyện Kế Sách được sản xuất theo mô hình SRP (Sản xuất lúa gạo bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế). Riêng doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí đã triển khai sản xuất lúa ST theo quy trình hữu cơ với diện tích gần 59ha. (đây là thương hiệu gạo đạt giải thưởng top 3 thương hiệu gạo chất lượng của thế giới).
Đối với các loại rau màu, Sóc Trăng cũng có 1.900ha hành tím của Thị xã Vĩnh Châu được cấp chứng nhận GlobalGAP; các loại trái cây: cam sành, mãng cầu gai, bưởi da xanh cũng được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Về chăn nuôi, toàn tỉnh có 6 trại gà với tổng đàn 300.000 con và 1 trại bò đã được chứng nhận sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh: “Nông nghiệp công nghệ cao không nghĩa là nhà kính, nhà lưới mà chỉ cần ứng dụng công nghệ nhân giống hiệu quả cũng là công nghệ cao. Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ ban hành triển khai đề án 15000 HTX nhằm khuyến khích các HTX ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, mỗi đề án đều có chỉ tiêu giao cho từng tỉnh về số HTX được hỗ trợ bằng chính sách để ứng dụng phát triển nông nghiệp công nghệ cao”.
Hội thảo cũng được nghe nhiều ý kiến đóng góp của đại diện các cơ quan ban ngành liên quan, lãnh đạo các Viện, trường, doanh nghiệp nhằm hướng đến một ngành nông nghiệp phát triển công nghệ cao của tỉnh Sóc Trăng như: Kêu gọi doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đầu tư sản xuất tại Sóc Trăng; xây dựng vùng sản xuất rau an toàn theo hướng hữu cơ; đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ kỹ thuật công nghệ sản xuất theo quy trình GAP trên các loại cây ăn trái, lúa, màu; xây dựng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học; ưu tiên phát triển tôm nước lợ theo hướng bền vững, áp dụng công nghệ cao…
Đồng hành cùng sự phát triển của ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng những năm qua, VinaCert đã cung cấp dịch vụ chứng nhận VietGAP cho các nông hộ, hợp tác xã, các Dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững - CRSD… tại nhiều địa phương của tỉnh.
Hiệu quả từ các hoạt động của VinaCert đã góp phần thúc đẩy quá trình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, làm gia tăng giá trị sản phẩm của ngành nông nghiệp cũng như góp phần vào thành công của nhiều dự án nông nghiệp được đầu tư trên địa bàn.
Nguyễn Huệ - VinaCert Cần Thơ