VinaCert tham dự Hội thảo “Văn hóa Doanh nghiệp và Đạo đức kinh doanh” (06/12/2017)

Sáng 05/12/2017 tại Hà Nội, Báo Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh tổ chức Hội thảo “Văn hóa Doanh nghiệp và Đạo đức kinh doanh”. Hội thảo thu hút sự tham gia của các chuyên gia kinh tế; doanh nhân đại diện doanh nghiệp hoạt động trên các lĩnh vực, trong đó có các tổ chức cung cấp dịch vụ khoa học công nghệ như VinaCert.

Tham dự hội thảo có bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Chu Thị Thu Hằng, Tổng Biên tập Báo Văn hóa cùng các diễn giả đến từ Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, Công ty Cổ phần Yoilo Toàn Cầu, Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam, Báo Nhân Dân, Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh, Công ty Cổ phần Viễn thông FPT, Tâm Việt Group

Đoàn đại biểu của VinaCert có đồng chí Nguyễn Ngọc Thanh, Bí thư Chi bộ; Ứng Xuân Thu, Ủy viên Ban Chấp hành Chi bộ; Nguyễn Thị Thu Hải, Chủ tịch Công đoàn; Doãn Viết Lâm, Phó Chủ tịch Công đoàn; Nguyễn Thị Yến, Chánh Văn phòng cùng một số nhân viên Văn phòng, phòng Kinh doanh của VinaCert tại Hà Nội.


Bà Trịnh Thị Thủy phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc, bà Trịnh Thị Thủy cho biết, văn hóa là sức mạnh nội sinh quan trọng của sự phát triển, không chỉ là động lực phát triển kinh tế xã hội của đất nước mà còn là động lực phát triển bền vững của đất nước, của dân tộc. Nghị quyết 33-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đã khẳng định văn hóa là nền tảng của xã hội, là mục tiêu động lực phát triển bền vững của đất nước, văn hóa phải được đặt ngang tầm với kinh tế, chính trị, xã hội.

Theo đó, văn hóa đã và đang tác động tới mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có doanh nghiệp. So với các thành phần khác của văn hóa dân tộc thì văn hóa doanh nghiệp năng động hơn nhiều vì nó gắn liền với sự phát triển kinh doanh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

“Muốn đứng vững trước sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường, mỗi doanh nghiệp không những phải tự trang bị cho mình những công nghệ cần thiết mà cần trang bị cho mình một nền tảng văn hóa vững chắc nhằm vận dụng các nhân tố đạo đức và văn hóa vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Khi đã hoàn thiện, không chỉ kích thích hoạt động sản xuất mà còn có ý nghĩa quan trọng để xây dựng uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp”, bà Thủy nhấn mạnh.

Còn theo Tổng Biên tập Báo Văn hóa Chu Thị Thu Hằng, trong bối cảnh hội nhập, doanh nghiệp đang gánh vác sứ mệnh phát triển nền kinh tế của đất nước. Bản thân mỗi doanh nghiệp phải đề cao đạo đức kinh doanh, văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp, rèn luyện ý chí, nghị lực và tinh thần yêu nước để phát triển doanh nghiệp của mình bền vững.

Bà Hằng cho biết, đạo đức kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp đã và đang trở thành một nhân tố có tác động tới mọi khía cạnh hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó bao gồm nhiều yếu tố, từ tổ chức quản lý hoạt động kinh doanh, các quan hệ trong và ngoài doanh nghiệp cho đến phong thái, phong cách của người lãnh đạo và cách ứng xử giữa các thành viên trong doanh nghiệp.

Đây là cơ hội để các doanh nhân, doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế và văn hóa gặp gỡ, thảo luận để tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế xã hội, tạo cơ sở pháp lý bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp; tăng cường phổ biến pháp luật trong nước và pháp luật quốc tế tới từng doanh nghiệp nhằm ngăn chặn, trừng phạt những hành vi cạnh tranh không lành mạnh, gian lận, làm ăn phi pháp, phi văn hoá gây tổn hại tới các doanh nghiệp.


Quang cảnh Hội thảo

Theo TS.Nguyễn Minh Phong, Phó Vụ trưởng, Phó Ban tuyên truyền lý luận Báo Nhân Dân, văn hóa doanh nghiệp bao gồm các nhận thức và hoạt động liên quan đến nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với Nhà nước; với xã hội và trong ứng xử nội bộ của doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp không thể tách rời với văn hóa quản lý nhà nước, chịu ảnh hưởng từ tổng hòa và hội tụ các nhân tố bên ngoài và bên trong doanh nghiệp, nổi bật là các giá trị lịch sử, truyền thống dân tộc; pháp luật và đạo đức xã hội.

“Văn hóa doanh nghiệp gắn liền với sự phát triển và hoàn thiện của các thể chế kinh tế, xã hội và quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp, cũng như nhận thức và hành động cụ thể của chủ doanh nghiệp và cộng đồng lao động của doanh nghiệp…”, TS. Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh.


Mr. Johan Alvin, Trưởng ban Thương mại, Đại sứ quán Thụy Điển chia sẻ những khía cạnh văn hóa giúp doanh nghiệp Thụy Điển ngày một phát triển
 

Với những ý nghĩa quan trọng đó, dưới sự điều hành của TS. Võ Trí Thành-Chuyên gia kinh tế, Hội thảo đã tập trung tham luận 4 chuyên đề về Văn hóa doanh nghiệp: Phát triển văn hóa doanh nghiệp gắn với xây dựng thương hiệu; văn hóa doanh nghiệp Thụy Điển và những khía cạnh văn hóa khác giúp doanh nghiệp Thụy Điển phát triển ngày một mạnh mẽ; thể chế kinh tế xã hội và các yếu tố tác động đến văn hóa doanh nghiệp;… cùng 03 tham luận, diễn thuyết về Đạo đức kinh doanh: Các chuẩn mực và tiêu chuẩn về đạo đức kinh doanh; một số vấn đề về đạo đức kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp tại Việt Nam…



Các đại biểu tham dự Hội thảo

Các tham luận và diễn thuyết tập trung làm rõ sự cần thiết và tầm quan trọng của việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, bao gồm: Xây dựng triết lý hoạt động của doanh nghiệp; đạo đức kinh doanh, hệ thống dịch vụ hàng hóa mà doanh nghiệp cung cấp cho thị trường; phương thức hoạt động tổ chức của doanh nghiệp; phương thức giao tiếp của doanh nghiệp với xã hội, với khách hàng...

Theo đó, các doanh nghiệp đã chú trọng hơn tới yếu tố con người, lấy việc nâng cao toàn diện tố chất của con người làm trung tâm để nâng cao trình độ quản lý doanh nghiệp, làm cho quan niệm giá trị của doanh nghiệp thấm sâu vào các tầng chế độ chính sách, từng bước chấn hưng phát triển doanh nghiệp.

Ngày 26/09/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1846/QĐ-Ttg về việc lấy ngày 10/11 hàng năm là ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam nhằm khẳng định vai trò, vị trí và tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp.

Đi trước và đón đầu xu hướng phát triển của đất nước, của quốc tế trong việc thực hiện quản lý doanh nghiệp bằng văn hóa, từ giữa năm 2015, Ban lãnh đạo VinaCert đã đề cập đến việc Chi bộ chủ trì nghiên cứu và xây dựng bản Văn hóa VinaCert.


Đồng chí Nguyễn Ngọc Thanh, Bí thư Chi bộ triển khai bản Văn hóa VinaCert 

Ngày 04/06/2016, Chi bộ đã hoàn thành xây dựng bản Văn hóa VinaCert và triển khai tới toàn thể thành viên Công ty. Đây là sản phẩm hội tụ trí tuệ và tâm huyết của Chi bộ trong việc xây dựng những chuẩn mực đạo đức, những hành vi chung nhất mà mỗi thành viên VinaCert cùng chia sẻ và tuân thủ, thể hiện bản sắc của VinaCert và tạo nên niềm tự hào cho mỗi thành viên Công ty.

Sau hơn 1 năm thực hiện, bản Văn hóa VinaCert đã góp phần củng cố hơn nữa niềm tin của khách hàng, cơ quan Nhà nước đối với các lĩnh vực hoạt động của VinaCert. Qua đó, góp phần phát triển bền vững thương hiệu VinaCert trong cung cấp dịch vụ khoa học công nghệ cho tất cả các bên liên quan; cơ quan nhà nước tin tưởng lựa chọn dịch vụ của VinaCert phục vụ quản lý Nhà nước…

Để phù hợp với chiến lược phát triển bền vững, bản Văn hóa VinaCert đã được Chi bộ sửa đổi bổ sung và ban hành lần 2 vào ngày 06/11/2017.

>>> Mời xem thêm bài viết: Chi bộ VinaCert tổ chức Hội nghị Triển khai Văn hóa công ty

Thanh Hải IRC
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, Tương Mai, Hoàng Mai, Tp. Hà Nội
Điện thoại: 0243.634.1933
Fax: 0243.634.1137
Email: sale@vinacert.vn
Giấy phép đăng ký kinh doanh số:
0102152121
Cấp ngày: 18/11/2022 " cấp lần 5"
Tại Sở KH& Đầu tư TP.Hà Nội.
Bản quyền © 2007 - Thuộc về Công ty CP Chứng nhận và Giám định VinaCert
Đang online: 11
Tổng truy cập: 11268826