Tham dự buổi tọa đàm có Tiến sĩ Trần Ngọc Trung, Chủ tịch Diễn đàn ISO Việt Nam; các thành viên Diễn đàn ISO Việt Nam; Hội viên Hội VinaLAB: VinaCert; Công Ty TNHH Vifi Việt Nam; Công ty Cổ phần Dây điện và Phích cắm Trần Phú;... cùng đại diện một số doanh nghiệp, cá nhân quan tâm đến hoạt động thử nghiệm.
Ông Nguyễn Hữu Dũng phát biểu khai mạc buổi tọa đàm
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Hữu Dũng, Tổng Thư ký Hội các Phòng thử nghiệm Việt Nam nêu rõ mục đích của buổi tọa đàm là cùng nhau trao đổi, thảo luận về những khó khăn vướng mắc trong áp dụng tiêu chuẩn ISO/IEC 17025 của các Phòng thử nghiệm, thí nghiệm và hiệu chuẩn. Trên cơ sở đó, các chuyên gia thuộc Diễn đàn ISO Việt Nam sẽ trực tiếp đối thoại, giải đáp và gợi ý cách thức giải quyết.
Tổng Thư ký Nguyễn Hữu Dũng đã giới thiệu sơ lược lịch sử các phiên bản Tiêu chuẩn ISO/IEC 17025 và cùng các thành viên Diễn đàn ISO Việt Nam làm rõ các khái niệm “chứng nhận” “thử nghiệm”… bản chất của các hoạt động đó.
Ông Dũng đưa ra quan điểm: Bản chất của dịch vụ chứng nhận sự phù hợp và dịch vụ thử nghiệm chính là việc “bán thông tin”, kết quả in trên giấy chứng nhận hay phiếu kết quả thử nghiệm chính là những thông thông tin mà khách hàng cần. Vấn đề đặt ra là, làm sao để có được thông tin khách hàng cần để bán và muốn bán được thì thông tin ấy phải được thu thập và xử lý như thế nào…
“Phải thu thập được những thông tin có ý nghĩa, đó là thông tin “được thu thập và xử lý đáng tin cậy”. Để làm được điều này, ISO/IEC 17025 hỗ trợ các phòng thí nghiệm thực hiện một hệ thống chất lượng và chứng minh rằng phòng thí nghiệm có năng lực về mặt kỹ thuật để tạo ra các kết quả có giá trị và đáng tin cậy”, ông Dũng chia sẻ.
Theo đó, mục tiêu của Phòng thử nghiệm là kết quả thử nghiệm phải đủ độ tin cậy; đáp ứng được thời gian; phép thử phải đáp ứng được yêu cầu quản lý của xã hội; kết quả thử nghiệm giữa các phòng thử nghiệm phải thống nhất và nằm trong phạm vi sai số cho phép…
Trên cơ sở làm rõ các khái niệm “công nhận quốc tế”, “thừa nhận quốc tế”, ông Dũng và các thành viên Diễn đàn ISO Việt Nam cũng đã sơ lược về việc áp dụng các tiêu chuẩn tương ứng đối với hoạt động chứng nhận; các yêu cầu đối với phòng thử nghiệm đã được công nhận ISO/IEC 17025; các chương trình thử nghiệm thành thạo phải tham gia hằng năm; sự hợp tác và chia sẻ chất chuẩn giữa các phòng thử nghiệm…
Đây cũng là trăn trở của Ban lãnh đạo Hội VinaLAB nhằm hỗ trợ các hội viên nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và tăng cường mối đoàn kết tương trợ, hỗ trợ lẫn nhau.
Tiến sĩ Trần Ngọc Trung phát biểu ý kiến
Về những thay đổi của phiên bản ISO/IEC 17025: 2017, Tổng Thư ký Nguyễn Hữu Dũng và các thành viên Diễn đàn ISO Việt Nam cũng đã giải thích rõ: Phương pháp tiếp cận theo quá trình hiện đã phù hợp với các tiêu chuẩn mới hơn như ISO 9001 (quản lý chất lượng), ISO 15189 (chất lượng phòng thí nghiệm y tế) và ISO/IEC 17021-1 (yêu cầu đối với các cơ quan kiểm toán và chứng nhận). Tiêu chuẩn sửa đổi nhấn mạnh vào kết quả của một quá trình thay vì mô tả chi tiết các nhiệm vụ và các bước của nó.
Các phòng thí nghiệm hiện đại ngày càng làm việc với công nghệ thông tin nhiều hơn, bởi vậy phiên bản mới tập trung mạnh mẽ hơn vào công nghệ thông tin và kết hợp việc sử dụng các hệ thống máy tính, hồ sơ điện tử, các báo cáo và kết quả điện tử.
Đáp ứng xu hướng này, Hội VinaLAB cũng đang đẩy mạnh việc hoàn thiện phần mềm quản lý phòng thử nghiệm. Khi hoàn thành, các Hội viên có thể cùng khai thác các dữ liệu, chia sẻ thông tin hoạt động và quản lý phòng thử nghiệm.
Điểm mới của phiên bản ISO/IEC 17025: 2017 bao gồm một chương về tư duy dựa trên rủi ro và mô tả những điểm tương đồng với phiên bản mới của ISO 9001: 2015, Hệ thống quản lý chất lượng – Yêu cầu. Thuật ngữ đã được cập nhật để phù hợp với sự phát triển của hoạt động thử nghiệm hiện nay, bao gồm những thay đổi trong Từ vựng Đo lường Quốc tế (VIM) và sự liên kết với thuật ngữ ISO/IEC, trong đó có một tập các thuật ngữ, định nghĩa chung cho tất cả các tiêu chuẩn đánh giá sự phù hợp.
Một cấu trúc mới đã được áp dụng để phù hợp tiêu chuẩn với các tiêu chuẩn đánh giá sự phù hợp khác của ISO/IEC như tiêu chuẩn ISO/IEC 17000 về Đánh giá sự phù hợp - Từ vựng và các nguyên tắc chung. Phạm vi đã được sửa đổi để bao gồm tất cả các hoạt động phòng thí nghiệm bao gồm kiểm tra, hiệu chuẩn và việc lấy mẫu liên quan đến công việc hiệu chuẩn và thử nghiệm tiếp theo đó.
Đây cũng là những nội dung chính của phần tọa đàm được các đại biểu dành nhiều thời gian để thảo luận, giải đáp những câu hỏi liên quan đến việc áp dụng tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2017; các điều khoản loại trừ nêu tại ISO 9001:2015.
Ông Đặng Khánh Hào giải đáp các câu hỏi tại buổi tọa đàm
Đại diện các Hội viên VinaLAB cùng thành viên Diễn đàn ISO Việt Nam cũng đã thảo luận về các khái niệm “thử nghiệm”, “thí nghiệm”, “xét nghiệm”; làm rõ việc doanh nghiệp cần làm gì để tiếp tục áp dụng ISO/IEC 17025:2017 sau khi đã áp dụng ISO 9001; giải thích thuật ngữ “chuỗi hiệu chỉnh liên tục” và sự phân cấp của chuỗi hiệu chỉnh, hiệu chuẩn liên tục theo chuẩn chính (do các Bộ, ngành ban hành), chuẩn công tác, chuẩn quốc gia, quốc tế; quy định của ISO/IEC 17025: 2017 về hiệu chuẩn thiết bị nội bộ; nhận diện rủi ro và việc áp dụng Lean trong Phòng thử nghiệm nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động...
Buổi tọa đàm ghi nhận nhiều ý kiến liên quan đến việc áp dụng và chuyển đổi Tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2017 tại các phòng thí nghiệm, thử nghiệm của các Hội viên
Buổi tọa đàm còn nhận được nhiều ý kiến, đề nghị làm rõ về vai trò, vị trí của Quản lý chất lượng (QM), Quản lý kỹ thuật (TM) quy định tại phiên bản ISO/IEC 17025: 2017. Đây cũng là điểm mới của ISO/IEC 17025: 2017.
Theo đó, tại phiên bản 2017, các vị trí QM và TM sẽ không còn nữa mà thay vào đó là yêu cầu cả hệ thống phải nhận thức được trách nhiệm và vai trò của mình trong hệ thống quản lý để áp dụng và triển khai thực hiện.
Phát biểu kết thúc, ông Đặng Khánh Hào, thành viên Diễn đàn ISO Việt Nam bày tỏ cảm ơn sự tham dự, đóng góp ý kiến của đại diện các doanh nghiệp, các phòng thử nghiệm/ thí nghiệm, hiệu chỉnh cũng như cá nhân quan tâm đến tiêu chuẩn ISO/IEC 17025.
“Trong thời gian ngắn, các câu hỏi và ý kiến giải đáp những vấn đề liên quan đến áp dụng và chuyển đổi sang tiêu chuẩn ISO/IEC 17025 phiên bản năm 2017 có thể chưa được toàn diện, các doanh nghiệp, cá nhân có thể tiếp tục trao đổi với Hội VinaLAB và Diễn đàn ISO Việt Nam để được hỗ trợ”, ông Đặng Khánh Hào bày tỏ.
VinaCert