Trong những năm gần đây, khái niệm “Thực hành sản xuất tốt trong chăn nuôi” (GAHP) đã xuất hiện và nhận được sự quan tâm, áp dụng của những người sản xuất, quản lý sản xuất thực phẩm, an ninh lương thực, chất lượng và an toàn thực phẩm... vì sự bền vững môi trường và an toàn sinh học của ngành nông nghiệp.
GAHP hướng đến việc áp dụng những kiến thức sẵn có nhằm bảo vệ bền vững môi trường đối với các hoạt động trong chăn nuôi nhằm tạo ra các sản phẩm chăn nuôi an toàn, chất lượng cao.
Học viên được khái quát lại sự ra đời của VietGAP và những quy định của pháp luật về VietGAHP
Tại Việt Nam, các Quy trình thực hành chăn nuôi tốt cho lợn, gia cầm, bò sữa và ong đã được ban hành từ năm 2008 để áp dụng cho các trang trại chăn nuôi áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi tốt phù hợp với điều kiện thực tế của nước ta.
Kế thừa và phát huy Quy trình ASEAN GAHP và các quy trình thực hành chăn nuôi tốt hiện có, ngày 10/11/2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 4653/QĐ-BNN-CN Ban hành 08 quy trình thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP) cho các trang trại chăn nuôi bò sữa, bò thịt; dê sữa, dê thịt; lợn; gà; ngan, vịt và ong.
Tiếp đó ngày 22/06/2016, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục ban hành Quyết định số 2509/QĐ-BNN-CN về Quy chế chứng nhận và Quy trình thực hành chăn nuôi tốt cho chăn nuôi lợn, gà an toàn trong nông hộ.
Để chứng minh việc áp dụng thực hành sản xuất tốt trong chăn nuôi, cùng với việc áp dụng các quy trình theo quy định, các cơ sở chăn nuôi phải được tổ chức chứng nhận đã được cơ quan quản lý nhà nước chỉ định, thực hiện việc đánh giá, chứng nhận sự phù hợp và cấp chứng chỉ VietGAHP.
VinaCert chứng nhận quy trình GAP trong chăn nuôi bò sữa cho TH true MILK (ảnh tư liệu)
Trên cơ sở Quyết định số 395/QĐ-CN-TTPC ngày 18/12/2012 của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), VinaCert đã chính thức trở thành tổ chức chứng nhận VietGAHP trong chăn nuôi cho lợn, gia cầm, bò sữa và ong.
Căn cứ vào năng lực và phạm vi đăng ký mở rộng phạm vi đánh giá chứng nhận VietGAHP trong chăn nuôi của VinaCert, ngày 16/06/2016, Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) đã ra Quyết định số 401/QĐ-CN-TTPC về việc chỉ định mở rộng phạm vi hoạt động đối với Công ty Cổ phần Chứng nhận và Giám định VinaCert là Tổ chức chứng nhận VietGAP cho bò thịt, dê sữa và dê thịt trong chăn nuôi.
Sau 10 năm phát triển và trưởng thành, VinaCert đã trở thành địa chỉ tin cậy của các doanh nghiệp trong hoạt động đánh giá sự phù hợp với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, trong đó có VietGAP (bao gồm VietGAP trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản).
Là 1 trong 13 tổ chức chứng nhận đã được Bộ NN&PTNT chỉ định thực hiện chứng nhận các cơ sở (trang trại) chăn nuôi phù hợp với quy trình VietGAHP, những năm qua, VinaCert đã không ngừng nỗ lực nhằm bổ sung kiến thức và nâng cao kỹ năng cho các chuyên gia đánh giá chứng nhận VietGAHP.
Giảng viên Đỗ Văn Hoan chuyển giao kiến thức về VietGAP trong chăn nuôi đến học viên
Tham gia khóa tập huấn - đào tạo nghiệp vụ VietGAP trong chăn nuôi do Trung tâm Đào tạo (thuộc Tổng cục TC-ĐL-CL) phối hợp với Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) tổ chức lần này, các học viên đã một lần nữa khái quát lại tình hình chăn nuôi trong nước, định hướng phát triển chăn nuôi bền vững của ngành nông nghiệp nước nhà.
Giảng viên Đỗ Văn Hoan (Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT) cũng đã chuyển giao đến học viên những nội dung quan trọng về hệ thống các văn bản quản lý Nhà nước cũng như những quy định kỹ thuật trong chăn nuôi tại Việt Nam hiện nay.
Dưới sự hướng dẫn của Giảng viên Đỗ Văn Hoan, các học viên đã cùng nhau thảo luận, làm rõ vai trò của VietGAP trong chăn nuôi; các khái niệm về An toàn sinh học, tầm quan trọng của an toàn sinh học; thực hành tốt khi sử dụng thuốc thú y, thức ăn, chữa bệnh và phòng chống côn trùng... trong chăn nuôi.
Học viên thực hành đánh giá điều kiện sản xuất tại cơ sở chăn nuôi Hòa Phát
Học viên cũng được chuyển giao những kiến thức quan trọng về Quy chế chứng nhận VietGAHP; các quy trình thực hành chăn nuôi tốt tại trang trại và nông hộ; thảo luận về Bảng tiêu chí đánh giá VietGAHP; kỹ năng và phương pháp đánh giá các cơ sở chăn nuôi; thực hành đánh giá điều kiện sản xuất tại Trại nuôi gà của Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển Hòa Phát, địa chỉ tại thôn Cổ Dương, Xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Kết thúc khóa tập huấn, trên cơ sở những kiến thức đã được chuyển giao, những phát hiện không phù hợp của cơ sở chăn nuôi, các học viên đã tiến hành thảo luận và làm bài kiểm tra về những nội dung đã được tập huấn, thực hành...
Kết quả làm bài kiểm tra cuối khóa, tất cả các học viên đều đạt. Đây là cơ sở để Cục Chăn nuôi cấp Chứng chỉ cho các chuyên gia đánh giá chứng nhận VietGAP trong lĩnh vực chăn nuôi, giúp các cơ sở sản xuất chứng minh được việc đảm bảo các yêu cầu/ quy định của pháp luật về kiểm soát môi trường, phòng ngừa dịch bệnh, mối nguy an toàn thực phẩm… trong chăn nuôi, giúp cơ sở chăn nuôi phát triển bền vững.