Bà Quách Thị Thanh Bình, Phó chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản tỉnh Sóc Trăng (bên trái) và bà Nguyễn Thị Huệ, Giám đốc Chi nhánh VinaCert Cần Thơ (bên phải) trao Giấy chứng nhận VietGAP cho 2 cơ sở
Các cơ sở đạt chứng nhận VietGAP thủy sản của VinaCert lần này thuộc chương trình dự án hỗ trợ áp dụng và thực hiện VietGAP trong nuôi tôm năm 2018 của Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng.
Hợp tác xã tôm sạch Hòa Tú 2 (xã Hòa Tú 2, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) hiện có 16 thành viên, tham gia nuôi trồng tôm sú và tôm thẻ chân trắng trên tổng diện tích 36 ha. Các diện tích nuôi trồng thủy sản này đã được chuyên gia của VinaCert đánh giá, chứng nhận phù hợp các yêu cầu Quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt Việt Nam (VietGAP- Ban hành kèm Quyết định số: 3824/QĐ-BNN-TCTS). Giấy chứng nhận VietGAP-TS-13-08-94-003.
Hợp tác xã Tôm sạch Hòa Tú 2 hiện đang áp dụng Quy trình thực hành nuôi tôm sú, thẻ chân trắng thương phẩm theo VietGAP để sản xuất sản phẩm theo hướng an toàn thực phẩm. Ưu điểm nổi bật của quy trình nuôi này là tôm đạt an toàn vệ sinh thực phẩm do được kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng kháng sinh, chế phẩm xử lý môi trường nuôi; giảm được rủi ro, tăng năng suất, tăng chất lượng nên người nuôi tôm luôn luôn có lợi nhuận cao.
Để áp dụng quy trình VietGAP, Hợp tác xã đã được Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng hỗ trợ đào tạo chuyên môn kỹ thuật nuôi, quy trình nuôi theo VietGAP, hỗ trợ các bộ kit test môi trường ao nuôi; bảng biểu; lập sổ ghi chép nhật ký ao nuôi, hướng dẫn kỹ thuật kiểm tra nguồn nước,…
Tổ Hợp tác Chiến Thắng (ấp Năm Căn, xã Vĩnh Tân, thị xã Vĩnh Châu) hiện có 20 thành viên, nuôi trồng tôm sú và thẻ chân trắng trên diện tích 25,14 ha, sản lượng khoảng 65 tấn/năm.
Theo chuyên gia Lê Thượng Khởi, Tổ Hợp tác đã áp dụng và thực hiện có hiệu quả quy trình VietGAP trong nuôi trồng thủy sản, đáp ứng các yêu cầu của Quyết định 3824/QĐ-BNN-TCTS và phạm vi chứng nhận. Hợp tác xã đã áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và uy tín cho thủy sản của địa phương, nhất là sản phẩm tôm sú, tôm thẻ.
Bên cạnh đó, Hợp tác xã cũng đã thực hiện đồng bộ quy trình kỹ thuật sản xuất từ khâu làm đất, chăm sóc, quản lý đến khâu thu hoạch để hình thành một chuỗi sản xuất hợp lý, tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường, tạo ra sản phẩm an toàn và chất lượng.
Trong quá trình áp dụng VietGAP, Tổ Hợp tác cũng đã được Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng hỗ trợ về đào tạo kỹ thuật nuôi, quy trình nuôi theo VietGAP,…
VinaCert