Đến dự hội thảo có đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, đại diện Chi cục Nuôi trồng thủy sản có bà Quách Thị Thanh Bình – chi cục trưởng, các tổ hợp tác, hợp tác xã tại các huyện Mỹ Xuyên, Vĩnh Châu, Trần Đề…Về phía công ty Cổ phần chứng nhận và giám định VinaCert có bà Nguyễn Thị Huệ đại diện tham dự và trao chứng nhận VietGAP.
Bà Nguyễn Thị Huệ (bên phải) - đại diện VinaCert - trao chứng nhận VietGAP cho đại diện HTX 14/10 Hòa Nhờ A
Theo thông tin từ Chi cục Nuôi trồng thủy sản Sóc Trăng: Với mục tiêu đề ra cho năm 2015 là tập trung chỉ đạo điểm 03 tổ hợp tác, hợp tác xã cho mỗi vùng nuôi trọng điểm tại các huyện như: Trần Đề, Mỹ Xuyên, Vĩnh Châu với các nội dung cụ thể của VietGAP để từ đó làm điểm nhân rộng.
Trên cơ sở đó Chi cục Nuôi trồng thủy sản đã phối hợp cùng với Chi cục Phát triển nông thôn của tỉnh rà soát danh sách các Tổ hợp tác, Hợp tác xã trên 03 huyện thị. Chi cục đã đưa ra những tiêu chí khá rõ ràng cho việc chọn lựa THT/HTX được hỗ trợ làm VietGAP như: phải thống nhất và có tính tự nguyện tham gia vào chương trình, nằm trong vùng quy hoạch, có giấy tờ đất, thuê đất hợp lệ, có diện tích từ 30-60 ha, giao thông thuận tiện….Từ những sự chọn lựa khắt khe trên và hoàn thiện quá trình tư vấn, có 01 đơn vị được chọn đánh giá chứng nhận vì đáp ứng được nhiều tiêu chí của quy phạm VietGAP đó là HTX Nông ngư 14/10 Hòa Nhờ A.
Bà Quách Thị Thanh Bình cùng Hợp tác xã Nông Ngư 14/10 Hòa Nhờ A chụp ảnh lưu niệm với đại diện VinaCert
Trong phần báo cáo tổng kết, Chi cục Nuôi trồng thủy sản cũng đã đưa ra những khó khăn còn tồn đọng như: Người nuôi chưa nhận thấy lợi ích thiết thực từ việc áp dụng mô hình VietGAP, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu, điện phục vụ còn thiếu, người nuôi chưa thực sự tiếp cận được nguồn vốn theo Quyết đinh 01/2012QĐ-TTg, còn mơ hồ về chất lượng và nguồn gốc con giống, bị động và phụ thuộc vào các cơ sở cung cấp giống…
Đại diện Công ty VinaCert - bà Nguyễn Thị Huệ cũng có những chia sẻ rất thực tế cùng với bà con nông dân như giải thích qui trình đánh giá chứng nhận của VinaCert, quyền hạn và trách nhiệm của chuyên gia, chi phí cụ thể theo từng diện tích hoặc hộ nuôi. Cũng trong buổi hội thảo, bà Nguyễn Thị Huệ đã trao chứng nhận VietGAP cho HTX Nông ngư 14/10 Hòa Nhờ A với sản phẩm là: tôm thẻ và tôm sú.
Chứng nhận VietGAP VinaCert cấp cho hai sản phẩm của HTX 14/10 Hòa Nhờ A
Một năm 2015 đầy biến động cho thị trường thủy sản nói chung và ngành hàng tôm nói riêng đã khép lại và đang dần mở sang trang mới. Hy vọng rằng với những định hướng tích cực và sự quan tâm chỉ đạo sâu sát từ Bộ, các cơ quan ban ngành ..người nuôi sẽ ngày một ý thức hơn về tầm quan trọng của việc nuôi trồng bền vững, dần đi vào quỹ đạo của sân chơi mới, cùng nhau góp phần xây dựng thương hiệu tôm cho Việt Nam.