Tham dự buổi trao nhận có ông Nguyễn Văn Hòa - Chuyên viên của Vụ Nuôi trồng Thủy sản (Tổng cục Thủy sản), ông Lê Quang Trung - Phó Viện trưởng Viện An toàn thực phẩm – Đại diện tổ chức chứng nhận VinaCert, ông Vi Thế Đang – Giám đốc Trung tâm Chuyển giao Công nghệ và Dịch vụ thủy sản Việt Nam (FITES), ông Đặng Thanh Tân - Chủ Doanh nghiệp (DN) tư nhân Tân Vân.
Ông Lê QuangTrung, Đại diện tổ chức chứng nhận VinaCert trao giấy chứng nhận VietGAP thủy sản cho ông Đặng Thanh Tân, Chủ DN Tân Vân – (Từ trái qua phải: Ông Vi Thế Đang, ông Đặng Thanh Tân, ông Lê Quang Trung, ông Nguyễn Văn Hòa)
Cơ sở Tân Vân có 7 ao nuôi, trên tổng diện tích là 2,16 ha. Kể từ khi nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGAP, năng suất đạt 5 tấn/ha, tăng 10-20% so với những vụ trước. Niềm vui của ông Tân được nhân lên bởi vì từ khi trang trại tôm thẻ chân trắng của ông đạt chứng nhận VietGAP, ông có thể mở rộng được thị trường tiêu thụ.
“Từ khi áp dụng VietGAP, trang trại tôm thẻ chân trắng của tôi đạt hiệu quả cao hơn. Bởi nhờ có các hướng dẫn khi thực hiện VietGAP từ khâu chọn giống, ao nuôi, môi trường, quản lý thức ăn, chăm sóc tôm…mà tôi có thể phòng ngừa được dịch bệnh cho tôm, giảm chi phí nuôi trong khi sản lượng tôm trên một đơn vị diện tích lại tăng lên. Ngoài ra, khi có chứng nhận VietGAP, sản phẩm tôm của trang trại Tân Vân đã đến được với nhiều khách hàng hơn.”- Ông Tân chia sẻ.
Ông Đặng Thanh Tân (bên trái) kiểm tra, đánh giá chất lượng tôm của doanh nghiệp
Tuy nhiên, chủ DN Tân Vân cũng cho biết từ khi bắt đầu nuôi tôm vào năm 2012, ông gặp khá nhiều khó khăn trong vấn đề quản lý thức ăn và dịch bệnh cho tôm. Trong nhiều vụ nuôi, tôm bị nhiễm các bệnh đốm trắng, hội chứng hoại tử gan tụy khiến ông bị thiệt hại khá lớn. Chính vì vậy, mong muốn tìm một phương hướng nuôi bền vững, kiểm soát được môi trường, thức ăn, dịch bệnh cho tôm luôn ấp ủ trong ông.
Vào tháng 3/2014, cơ sở nuôi tôm Tân Vân được Viện An toàn thực phẩm (FSI) hỗ trợ cấp kinh phí và tổ chức thực hiện đề tài “Nghiên cứu hướng dẫn Doanh nghiệp tư nhân Tân Vân, huyện Kim Sơn, Tỉnh Ninh Bình, áp dụng thành công VietGAP và nâng cao hiệu quả kinh tế trong nuôi tôm chân trắng thâm canh”. Theo đó, kể từ giữa tháng 4/2014, ông Tân và các công nhân được cán bộ của FITES tổ chức đào tạo quy phạm thực hành nuôi thủy sản tốt, quy trình nuôi tôm chân trắng thâm canh theo VietGAP, hướng dẫn kỹ thuật đo kiểm các chỉ tiêu và ghi chép số liệu giám sát. Đến ngày 2/5/2014, DN Tân Vân đăng ký áp dụng VietGAP thủy sản và gửi hồ sơ chứng nhận cho Công ty Cổ phần Chứng nhận và Giám định VinaCert.
Đoàn thăm quan chụp ảnh kỷ niệm tại ao nuôi của DN Tân Vân
Ngày 28/7/2014, Đoàn chuyên gia đánh giá VietGAP của công ty VinaCert đã tiến hành đánh giá sự tuân thủ của DN Tân Vân với quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt VietGAP. Kết quả đánh giá cho thấy DN còn một số điểm không phù hợp nhẹ về việc ghi chép hồ sơ, bảo đảm an toàn lao động…DN đã khắc phục các điểm không phù hợp nêu trên và được công ty VinaCert cấp giấy chứng nhận VietGAP thủy sản vào ngày 30/09/2014, với mã số chứng nhận là VietGAP-TS-13-08-37-0001. Đoàn đánh giá cũng cho rằng đây là một mô hình VietGAP chuẩn, đáp ứng và tuân thủ được hầu hết các quy định trong quy phạm VietGAP do Bộ NN&PTNT ban hành.
Cũng tại buổi đón nhận chứng nhận VietGAP thủy sản cho cơ sở nuôi tôm thẻ chân trắng của mình, chủ DN Tân Vân bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc tới Viện An toàn thực phẩm (FSI), Công ty Cổ phần Chứng nhận và Giám định VinaCert và Trung tâm Chuyển giao Công nghệ và Dịch vụ thủy sản Việt Nam vì sự hỗ trợ của các tổ chức này đối với những thành quả hiện nay của Tân Vân. Đặc biệt, ông Tân rất vui mừng khi biết rằng thông tin của DN Tân Vân sẽ được cập nhật trên website www.vietgap.com ở trangCơ sở sản xuất được chứng nhận VietGAP thủy sản. Như vậy, DN Tân Vân có cơ hội được quảng bá rộng rãi và tạo được kênh kết nối với các nhà phân phối, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm tôm chân trắng. Chủ doanh nghiệp trẻ này mong rằng sẽ có nhiều cơ sở nuôi ở địa phương cũng có thể áp dụng thành công VietGAP trong nuôi trồng thủy sản và được cấp giấy chứng nhận VietGAP để phát triển bền vững.