Diễn đàn được diễn ra dưới sự chủ trì của TS. Nguyễn Huy Điền – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, ông Trần Đình Luân – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Sóc Trăng và ông Kim Văn Tiêu – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia.
Diễn đàn thu hút sự quan tâm của hơn 300 đại biểu đến từ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, nuôi trồng và chế biến thủy sản, bao gồm: Tổng cục Thủy sản và các đơn vị trực thuộc Tổng cục Thủy sản, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II, Trường Đại học Nông lâm Tp. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Cần Thơ, Trung tâm khuyến nông các tỉnh trong khu vực ĐBSCL; cùng các đại diện nông dân từ các tỉnh thành, các doanh nghiệp thủy sản; riêng về đơn vị chứng nhận VietGAP thủy sản, diễn đàn có sự tham gia của Công ty Cổ phần Chứng nhận và Giám định VinaCert.
Toàn cảnh Diễn đàn
Ngành nuôi tôm nước lợ đang có tiềm năng phát triển rất lớn tại khu vực ĐBSCL. Tuy nhiên, các dịch bệnh trên tôm đã gây ra nhiều khó khăn cho người nuôi trồng. Tại Diễn đàn, các đại biểu đưa ra một số bệnh nguy hiểm trên tôm nước lợ như: bệnh đốm trắng, đầu vàng, hội chứng Taura, bệnh phấn trắng. Các chuyên gia, nhà khoa học đã phân tích các dấu hiệu, tác nhân gây bệnh, cơ chế lây truyền và các giải pháp phòng trị đối với từng loại bệnh trên tôm. Đây là những thông tin rất hữu ích cho bà con nông dân, đặc biệt là giúp họ có cái nhìn bao quát về các nguy cơ gặp phải trong suốt quá trình nuôi.
Diễn đàn cũng đưa ra các giải pháp kỹ thuật tổng hợp cho người nuôi trồng để phát triển nuôi tôm nước lợ thâm canh bền vững như: quan tâm đối với những cảnh báo và khuyến cáo của các nhà khoa học và của cơ quan quản lý các cấp từ khâu xử lý ao, chọn giống, quản lý chăm sóc đến lúc thu hoạch tôm; thả nuôi đúng thời vụ; mật độ nuôi thích hợp; không thả nuôi liên tục trên các ao đã bị nhiễm bệnh; chú trọng các biện pháp sinh học (nuôi tôm kết hợp cá rô phi, tăng cường sử dụng chế phẩm sinh học…) để hạn chế sử dụng các loại hóa chất và kháng sinh trong quá trình nuôi…
Buổi Diễn đàn đã tạo môi trường giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, đối thoại gần gũi và hữu ích giữa người nuôi với nhà khoa học, giữa các cơ quan ban ngành liên quan đến lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Qua đây, các hộ nông dân, các chủ trang trại cũng được tạo tiền đề trong việc tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, góp phần giúp cho nghề nuôi tôm trong khu vực Sóc Trăng nói riêng và cả nước nói chung ngày càng phát triển bền vững, an toàn dịch bệnh.
Phú Nguyễn- VinaCert HCM