Nhằm thực hiện mục tiêu quảng bá hình ảnh cá tra Việt Nam, từng bước tạo dựng thương hiệu cho một ngành hàng tiềm năng cũng như đề cập đến những vấn đề cần lưu ý khi ký kết hợp đồng thương mại và liên kết chuỗi giá trị cá tra bền vững, Hiệp hội Cá tra Việt Nam tiến hành tổ chức hội thảo với chủ đề “Phát triển thị trường và nâng cao giá trị gia tăng cá tra tại Đồng bằng Sông Cửu Long”.
Hội thảo được tổ chức bởi Cục chế biến Nông lâm, thủy sản và Nghề muối (Bộ NN&PTNT) phối hợp với Hiệp hội Cá tra Việt Nam ngày 19/12 tại Cần Thơ. Tham dự hội thảo có các chuyên gia và nhà tư vấn uy tín về quản trị ngành hàng, sản phẩm giá trị gia tăng, thị trường xuất khẩu cũng như thương hiệu, đại diện Bộ, các Sở, Ban, Ngành có liên quan đến lĩnh vực cá tra; Các doanh nghiệp sản xuất chế biến và nông hộ vùng ĐBSCL; Các doanh nghiệp trong các ngành phụ trợ ngành cá tra; Hiệp hội chuyên ngành; Viện trường nghiên cứu; …
Đại diện Công ty Cổ phần Chứng nhận và Giám định VinaCert có bà Nguyễn Thị Huệ ( Trưởng văn phòng) và ông Trịnh Thanh Hải ( Nhân viên kinh doanh) đến tham dự Hội thảo này.
“Sản lượng phát triển tỉ lệ nghịch với lợi nhuận”
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP): Năm 2013, diện tích nuôi cá tra ở Việt Nam có chiều hướng thu hẹp dần (bằng 87,2% so với năm 2012) tổng giá trị xuất khẩu đạt 1,4 tỷ USD -giảm 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù hiện nay, cá tra vẫn là mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam và được xuất sang thị trường 149 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới nhưng những khó khăn mà ngành gặp phải là rất lớn. Nhiều đại biểu tỏ ra băn khoăn khi tìm ra giải pháp cho vấn đề “ sản lượng phát triển tỉ lệ nghịch với lợi nhuận” của ngành cá tra hiện nay.
Tại buổi hội thảo, các đại biểu chỉ ra những tồn tại gây cản trở sự phát triển thị trường và giá trị của cá tra vùng ĐBSCL hiện nay đã làm ảnh hưởng tới sản lượng và giá thành, cũng như chất lượng giống cá tra chưa cao; tình trạng ô nhiễm môi trường và dịch bệnh do nguồn nước nuôi trồng chưa được quy hoạch một cách khoa học và đúng nguyên tắc; hiệu quả sản xuất thấp, lợi nhuận giữa doanh nghiệp và người dân chưa tương xứng. Bên cạnh đó sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp cùng các rào cản thương mại; nguồn vốn, vấn đề liên kết trong sản xuất còn thiếu chặt chẽ khiến cho việc xuất khẩu cá tra gặp nhiều khó khăn.
Xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị cho cá tra
Nâng cao giá trị gia tăng cá tra vùng ĐBSCL là yếu tố cốt lõi hiện nay để khẳng định thương hiệu và thúc đẩy sự phát triển của ngành nuôi trồng cá tra hiện nay.
Bên cạnh những báo cáo, tổng kết, đánh giá tình hình sản xuất, xuất khẩu cá tra trong năm, Hội thảo còn tập trung phân tích mối liên kết trong chuỗi giá trị từ sản phẩm cá tra, cùng với đó là việc xây dựng thương hiệu cho con cá tra. Việc thành lập Quỹ xúc tiến thương mại cá tra được hình thành từ nguồn thu xuất khẩu cá tra và vấn đề về thương hiệu được các đại biểu cho rằng là then chốt để từ đó đưa cá tra trở thành mặt hàng rộng rãi trên toàn thế giới.
Cùng chung quan điểm rằng thương hiệu cá tra chưa có ở thị trường thế giới là nguyên nhân bị ép giá tại nhiều thị trường tiềm năng trên thế giới, các đại biểu nhận định: nâng cao giá trị gia tăng cá tra vùng ĐBSCL là yếu tố cốt lõi hiện nay, đặc biệt, trong quy trình nuôi trồng. chứng nhận theo tiêu chuẩn ASC, GlobalGAP… là cách khẳng định thương hiệu cá tra Việt Nam trên thương trường. Đặc biệt, theo nhận định của các chuyên gia, trong những năm tiếp theo, Việt Nam và Châu Á sẽ là thị trường tiềm năng cho sự phát triển của ngành.
Ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết: mục tiêu đặt ra là đến năm 2015, sản lượng tiêu thụ cá tra nội địa tăng 100%, đến năm 2020 con số này sẽ tăng 300% so với năm 2012. Đối với thị trường xuất khẩu, Việt Nam đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giữ vững thị trường, nâng cao giá trị, thương hiệu cá tra Việt Nam trước bạn bè, đối tác quốc tế. Phấn đấu đảm bảo kim ngạch xuất khẩu năm 2015 đạt 2,2 tỉ USD/năm và năm 2020 đạt 3 tỉ USD/năm.
Nguyễn Huệ